Sự thật đen tối đằng sau vẻ hào nhoáng của trường dạy múa ballet

Để đạt được vẻ đẹp hoàn hảo thường thấy, các vũ công ballet phải hy sinh sức khỏe thể chất cũng như tinh thần, thậm chí sử dụng cả chất cấm.

Múa ballet từ lâu đã tôn sùng sự nữ tính, vẻ đẹp và sự theo đuổi cuồng nhiệt sự hoàn hảo, duyên dáng. Ảnh: New York Post.

Alice Robb mơ ước trở thành một diễn viên ballet. Hàng đêm, cô siết chặt đôi bàn chân bẹt của mình, cố gắng uốn chúng thành hình vòng cung như bàn chân của một vũ công. Cô cũng đã tập luyện cho đến khi cơ thể mềm nhũn.

Năm 2001, sau 3 lần thi, Robb, lúc đó mới 9 tuổi, đỗ vào trường ballet Mỹ (SAB) danh tiếng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là sự bắt đầu của chuỗi ngày đen tối.

Hậu trường đen tối sau sân khấu ballet

Ba năm sau, Robb bị đuổi khỏi SAB. Các bà giáo cho rằng cô “không có tương lai”. Năm 15 tuổi, cô bỏ ballet hoàn toàn.

Tuy nhiên, hơn một thập kỷ sau, "những lý tưởng nữ tính cực đoan của nghệ thuật múa ballet như vẻ đẹp, sự mảnh mai, chủ nghĩa khắc kỷ, sự im lặng và sự khuất phục" vẫn tiếp tục ám ảnh cô.

su that ve nganh ballet anh 1

Dù đã rời ngành ballet hơn 10 năm, những tiêu chuẩn cực đoan trong ngành vẫn ám ảnh Robb. Ảnh: New York Post.

Khi Giám đốc Đoàn Ballet New York (NYCB) Peter Martins rời công ty vào năm 2018 trong những cáo buộc về hành vi tình dục sai trái, Robb đã co rúm người khi nhớ lại cách những người hướng dẫn và sinh viên cố tình vấp ngã để gây ấn tượng với Martins.

Không chỉ phải chịu đựng sự quấy rối tình dục, Robb cho hay nhiều người bạn cô đã hy sinh sức khỏe thể chất và tinh thần, thậm chí thử cả chất cấm, để theo đuổi bộ môn này.

Bạn cùng lớp của Robb, Meiying Thai, người đã đóng vai Marie trong bộ The Nutcracker của Trung tâm Ballet Lincoln năm 8 tuổi, từng bị trầm cảm kéo dài nhiều năm khi giáo viên chê bàn chân của cô quá phẳng và cổ quá ngắn để trở thành một nữ diễn viên ballet.

Một người bạn khác, Emily, đã phải chịu đựng những cuộc nói chuyện chủ đề cân nặng cho đến năm 13 tuổi, cô giảm gần 7 kg trong 2 tuần do phải nhập viện.

Robb cho hay Emily yếu đến mức phải "vật lộn" để vượt qua các bài kiểm tra ngắn trong lớp, nhưng giáo viên lại nói rằng cô ấy trông ổn.

Ngay cả Lily, người may mắn giành được suất học việc tại Đoàn Ballet New York, cũng bất tỉnh trên tàu điện ngầm vì chứng biếng ăn của mình.

Cô đã trải qua mùa đầu tiên tại NYCB để khiêu vũ 8 buổi/tuần với một bàn chân gãy, ngón chân dính đầy máu.

Khi bị sốt gần 40 độ C, Lily không nghĩ mình có thể hoàn thành màn trình diễn. Một trong những vũ công lớn tuổi đã kéo cô vào phòng thay đồ và đưa cho Lily cocaine để có thể tiếp tục. Tuy vậy, cô vẫn bị đuổi khỏi NYCB vào năm thứ hai.

Ngành nghệ thuật yêu cầu tận hưởng nỗi đau

"Kể từ khi ra đời vào thế kỷ 17, múa ballet đã tôn sùng sự nữ tính, vẻ đẹp và sự duyên dáng hoàn hảo. Nhưng những nỗi ám ảnh trên đã đạt đến một tầm cao mới vào giữa thế kỷ 20, sau khi biên đạo múa vĩ đại George Balanchine tạo ra SAB và NYCB", Robb cho biết.

Balanchine đã so sánh các diễn viên múa ballet của mình với “những con vật biết vâng lời”. Ông được cho là từng đi quá giới hạn với các vũ công, theo đuổi nhiều vũ công trẻ trong đoàn và kết hôn với 4 người trong số họ.

Ông từng khen một học trò xuất sắc vì có đôi chân thon dài trước mặt nhiều vũ công khác. Chẳng mấy chốc, vũ công gầy gò trở thành tiêu chuẩn trong toàn ngành. Các nữ diễn viên ballet hàng đầu cũng thường xuyên bỏ đói bản thân để có được thân hình đạt chuẩn.

su that ve nganh ballet anh 2

Để được đảm nhận vai chính trong các vở diễn như Hồ thiên nga, các vũ công phải hy sinh trong rất nhiều năm. Ảnh: Fox Searchlight.

Robb gia nhập SAB gần 20 năm sau cái chết của Balanchine, nhưng sự chuyên chế của ông vẫn còn ảnh hưởng rất lớn tại đây. Những câu nói của ông được các học trò giảng dạy ở đó học thuộc lòng.

“Chúng tôi không thể đến đài phun nước hoặc phòng tắm mà không được phép. Ở đây, chúng tôi cũng được dạy nỗi đau là nguồn gốc của niềm tự hào, phải tận hưởng thay vì trốn tránh", Robb cho hay.

“Khi còn là sinh viên, chúng tôi đã tìm mọi cách để khiến mọi thứ trở nên đau đớn hơn, chỉ để chứng tỏ rằng chúng tôi có thể làm được. Chúng tôi búi tóc thành búi chặt do lo rằng đường chân tóc sẽ bị tụt. Chúng tôi tự hào vì đã từ bỏ miếng đệm trong đôi giày mũi nhọn của mình và khiêu vũ trên những ngón chân bầm tím. Chúng tôi đã học cách tìm ra giới hạn của mình và sau đó vượt qua chúng; bỏ qua hàng nghìn dây thần kinh ở bàn chân, cẳng chân và lưng đang yêu cầu chúng tôi dừng lại", Robb kể.

Năm 2017, ở đỉnh cao của phong trào #MeToo, các vũ công đã cáo buộc giám đốc NYCB Martins quấy rối tình dục khiến ông phải từ chức một năm sau đó.

Kể từ đó, những người khác đã lên tiếng chống lại các tiêu chuẩn bất khả thi của loại hình nghệ thuật này. Họ phơi bày về chấn thương và phân biệt chủng tộc trong ngành cũng như từ chối nhảy trên nỗi đau của họ.