Mù quáng theo đuổi chuyện ăn chay, rất có thể bạn đã đặt một chân vào cửa tử

Ăn chay không đúng cách có thể gây hại cho sức khỏe con người, tăng nguy cơ mắc các loại bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo.

Đối với nhiều người, ăn chay là một biện pháp thanh lọc cơ thể, phòng ngừa bệnh tật, kéo dài tuổi thọ… Tuy nhiên, việc ăn chay không phải lúc nào cũng có lợi, nó có thể khiến bạn dễ mắc nhiều chứng bệnh nguy hiểm và tiến gần tới cái chết hơn.

Theo quan niệm của Phật giáo, ăn chay (hay ăn trai) là một chế độ ăn chỉ gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (rau, củ, quả, các loại hạt…), hoàn toàn không sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Tuy nhiên, hiện nay chế độ ăn chay được thay đổi linh hoạt để phù hợp với mục đích và nhu cầu dinh dưỡng của từng người. Có thể chia việc ăn chay thành bốn nhóm: ăn chay tuyệt đối hoàn toàn thực vật (vegans), ăn chay có sữa (lacto-vegetarians), ăn chay có sữa và trứng (lacto-ovo-vegetarians) và ăn chay linh hoạt hay chay tương đối (flexitarians, semivegetarians) cho phép ăn thêm thịt, cá...

Người ta tin rằng ăn chay có thể giúp làm giảm các loại bệnh tật, kéo dài tuổi thọ của con người. Tuy nhiên, việc ăn chay không hoàn toàn tốt như bạn vẫn nghĩ.

Chết sớm vì... ăn chay

Nhiều người tin rằng, ăn chay mang lại một cơ thể khỏe mạnh, ít bệnh tật, kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, điều này chưa hẳn đúng. Điển hình như trường hợp của Steve Jobs.

Steve Jobs được biết đến là một tín đồ của việc ăn chay. Chế độ ăn chay của ông thay đổi theo từng thời kỳ. Đôi khi Jobs chỉ ăn hoặc táo, hoặc cà rốt liền trong nhiều tuần, không ăn thêm bất cứ một loại thực phẩm nào khác. Có lúc nhà sáng lập Apple chỉ ăn hoa quả, các loại hạt, sau và gạo – hoàn toàn không động đến một chế phẩm từ động vật nào. Thậm chí, Steve từng tin rằng ăn chay có thể giúp ông đẩy lùi bệnh ung thư.

Tuy nhiên, trong cuốn tiểu sử "Steve Jobs", tác giả Walter Isaacson tiết lộ nhà sáng lập Apple từng hối hận về quyết định này.

Steve Jobs – nhà sáng lập Apple từng tin rằng ăn chay có thể đẩy lùi bệnh ung thư, tuy nhiên sau đó ông đã phải hối hận vì suy nghĩ này.

Steve phát hiện mình bị ung thư tuyến tụy từ tháng 10/2003 nhưng ông kiên quyết không phẫu thuật và hóa trị trong suốt 9 tháng. Jobs chọn các phương pháp ăn chay, châm cứu, thảo dược và các liệu pháp điều trị khác tìm kiếm được trên Internet. Ông tin vào các lời khuyên ăn chay, uống nước trái cây, và nhiều phương pháp chưa được chứng minh khác.

Tới năm 2004, ông mới chịu phẫu thuật nhưng căn bệnh đó đã có dấu hiệu di căn. Ông tiếp tục phải thực hiện một cuộc ghép gan vào tháng 4/2009 và sức khỏe ngày một đi xuống trước khi dừng hẳn công việc tại Apple vào ngày 21/8/2011. Cuối cùng, Steve Jobs qua đời vào 10/2011 khi mới 56 tuổi.

Rất có thể, chế độ ăn chay khắc nghiệt, không đủ dinh dưỡng là một phần làm sức khỏe của nhà sáng lập Apple trở nên suy kiệt. Một số chuyên gia về ung thư cho rằng, Jobs đã có cơ hội sống lâu hơn nếu không tin vào những cách chữa bệnh "truyền miệng" trên Internet và kịp thời phẫu thuật, hóa trị để ngăn chặn tế bào ung thư phát triển và di căn.

Mới đây, Tiến sĩ Aseem Malhotra - bác sĩ tim mạch, nhà nghiên cứu, viết sách, giáo sư y khoa người Anh đã chia sẻ về việc ăn chay góp phần khiến mẹ ông qua đời sớm. Mẹ Tiến sĩ Malhotra, bà Anisha, từng làm bác sĩ đa khoa ở Manchester. Bà qua đời hồi tháng 12/2018 ở tuổi 68. Câu chuyện của ông thực sự khiến nhiều người phải suy nghĩ về chế độ ăn chay thiếu khoa học có thể dẫn tới cái chết.

Tiến sĩ Aseem Malhotra và mẹ - bà Anisha. Vị tiến sĩ người Anh cho rằng, việc ăn chay là yếu tố khiến mẹ ông mắc nhiều loại bệnh và qua đời sớm.

"Trong phần lớn quãng đời trưởng thành của mẹ tôi, bà thường xuyên ăn chay mà vẫn bị thừa cân rõ rệt. Lớn lên, tôi thấy bà liên tục hấp thụ carbohydrate giàu tinh bột và những đồ ăn vặt siêu tinh luyện như bánh quy, khoai tây chiên, socola. Căn bếp của chúng tôi luôn tràn ngập những sản phẩm này", Tiến sĩ Malhotra chia sẻ trên Daily Mail.

Ông tin rằng, thiếu thịt là nguyên nhân khiến bà mình bị thiếu hụt vitamin, protein, từ đó, dẫn tới các vấn đề về viêm khớp, trật đĩa khớp và suy yếu cột sống, hủy hoại khả năng di chuyển của bà. Việc thiếu hụt protein cũng khiến bà Anisha trở nên mong manh và dễ bị bệnh nhiễm trùng.

Việc ăn chay trường có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của phụ nữ. Lierre Keith, tác giả cuốn “Huyền thoại ăn chay” (El mito vegetariano, xuất bản năm 2018) đã chia sẻ trải nghiệm của bản thân sau khi nhận ra rằng ăn chay làm sức khỏe của bà suy giảm.

Sau 20 năm ăn chay, bà mắc chứng gai cột sống (spondylosis) mãn tính, mệt mỏi, buồn nôn, lo âu, mất kinh nguyệt… Những chứng bệnh này có liên quan đến thực đơn ăn chay của bà không cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Sau khi bỏ ăn chay, sức khỏe của bà đã hồi phục, một số chứng bệnh khỏi hẳn, một số khác đã thuyên giảm. Bà cho biết, nhiều người ăn chay hoặc từng ăn chay đã viết thư cho bà và nhiều người cho biết cũng mắc những chứng bệnh như vậy.

Cuốn sách “Huyền thoại ăn chay” của tác giả Lierre Keith – người đã kiên trì ăn chay suốt 20 năm.

Ăn chay có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh nan y

Ăn chay trong thời gian dài dễ dẫn đến tình trạng mất cân đối đạm, đường, mỡ và thiếu một số chất dinh dưỡng khác.

Theo các chuyên gia, người ăn chay có thể bị tiểu đường tuýp 2, đặc biệt là đối với những người ăn chay trường.

GS.TS Nguyễn Hải Thủy (Phó chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam) và cộng sự nghiên cứu trên 328 nhà tu hành đạo Phật, những vị này ăn chay trường, chỉ ăn những thức ăn toàn thực vật như ngũ cốc, đậu phụ, các loại rau, trái cây, nấm... thấy tỉ lệ bệnh đái tháo đường ở các nhà tu hành này cao gấp 2 lần người bình thường. Kết quả được giải thích do chế độ ăn chay không cân đối, toàn thực vật, không kiêng giảm chất đường bột là nguyên nhân gốc rễ gây ra bệnh đái tháo đường.

Chế độ ăn chay thường sử dụng quá nhiều dầu, thiếu protein và nhiều chất đường bột. Ăn nhiều bữa ăn như vậy sẽ dẫn đến các vấn đề như: nhiều chất đường bột, thức ăn nhanh bị tiêu hóa và nhanh đói. Điều này làm bữa ăn tiếp theo sẽ ăn nhiều hơn. Do đó, người ăn chay vẫn có thể bị thừa cân, béo phì.

Người ăn chay không đúng cách dễ bị thiếu chất và mắc nhiều loại bệnh nguy hiểm.

Ngoài ra, người ăn chay dễ bị thiếu vitamin B12 - chất quan trọng nhất đảm bảo sự phát triển tối ưu của các nơ-ron. Vitamin B12 giúp bảo vệ và hỗ trợ sự phát triển của nơ-ron trong cơ thể. Trong các nguồn thực phẩm chứa B12 thịt có tỷ lệ cao nhất. Người ăn chay trường thì sẽ không có sinh tố này vì thực vật hầu như không tổng hợp được B12. Nếu các nơ-ron trong cơ thể bị tổn hại do thiếu B12 thì người bệnh khó đi lại được cũng như trải qua triệu chứng co thắt cơ.

Ăn chay lâu ngày cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và ung thư. Tờ Daily Mail đăng tải kết của nghiên cứu do nhóm các nhà khoa học tại Đại học Cornell (Mỹ) thực hiện năm 2016 cho thấy ăn chay gây ra biến đổi gen ở người. Họ cho rằng ăn chay lâu dài sẽ khiến gen thay đổi để thế hấp thụ axit béo từ thực vật tốt hơn. Đồng thời, quá trình này cũng thúc đẩy cơ thể sản xuất axit arachidonic, làm tăng nguy cơ bị ung thư, tim mạch và các bệnh viêm nhiễm khác.

Để chứng minh quan điểm của mình, nhóm nghiên cứu đã tiến hành so sánh bộ gen của những người chỉ ăn rau củ ở thành phố Pune, Ấn Độ với những người có thói quen ăn nhiều thịt ở bang Kansas, Mỹ. Sau khi đối chiều hàng trăm bộ gen, họ nhận thấy: có 68% gen biến dị gây nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư ở người Ân Độ, trong khi ở người Mỹ con số này chỉ là 18%.

Những phát hiện này có thể giúp giải thích phần nào một số nghiên cứu trước đây cho rằng người ăn chay (chỉ ăn toàn rau củ) có khả năng mắc ung thư ruột cao hơn gần 40% so với những người ăn thịt.

Làm sao để ăn chay đúng cách?

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo chỉ nên ăn chay 1-2 lần/tuần. Người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú, người cao tuổi không nên ăn chay trường.

Theo ThS.BS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ăn chay có nhiều chất xơ, ít cholesterol… nhưng không nên quá lạm dụng ăn chay. Chế độ ăn chay trường dễ khiến người ăn chay thiếu máu và một số chất khoáng như sắt, kẽm, canxi, vitamin B12... Trong trường hợp này, người ăn chay có thể uống bổ sung viên vitamin tổng hợp mỗi ngày.

Bổ sung protein cho cơ thể bằng cách ăn các loại đậu như đậu nành, đậu Hà Lan, ngũ cốc… Trong khẩu phần ăn chay nên có các loại hạt như điều, hạnh nhân; các loại rau xanh như bắp cải, cải xanh, bông cải xanh; ngũ cốc nguyên hạt… để bổ sung kẽm và sắt.

Người ăn chay nên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời khoảng 20 phút/ngày vào lúc sáng sớm để cơ thể tổng hợp vitamin D giúp tăng hấp thu canxi, xương sẽ chắc khỏe hơn. Ngoài ra, canxi này được tìm thấy trong nhiều loại thức ăn rau xanh như cải thảo, bông cải xanh và cải xoăn; các loại rau biển như rong biển.

[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/04/09/Điều gì xảy ra với cơ thể khi bạn ăn chay.mp4[/presscloud]

Điều gì xảy ra với cơ thể khi bạn ăn chay

Huyền Thanh (t/h)