Thực hư thí sinh trượt cả 9 nguyện vọng xét tuyển Đại học dù đạt 27 điểm do đăng ký trường 'top'

Mới đây, dân mạng xôn xao với câu chuyện nam sinh đạt 27 điểm vẫn trượt đại học do đăng ký trường top cao. Thực hư câu chuyện ra sao?

Hôm qua (16/9), các trường đại học đã đồng loạt công bố điểm chuẩn. Đúng với dự đoán, các trường đều tăng điểm chuẩn so với năm trước, tuy nhiên, mức tăng lại ngoài dự kiến. Đã có trường tăng tới 8,9 điểm, thậm chí có trường hợp 30/30 điểm vẫn không thi đỗ. Rất nhiều thí sinh có điểm số rất cao cũng đành ngậm ngùi tiếc nuối vì không thi đỗ vào ngành mình mong muốn.

“18 tuổi, lần đầu tiên tôi biết cảm giác 27 điểm trượt hết tất cả nguyện vọng thi đại học” là dòng trạng thái được một nam thí sinh quê ở Bắc Giang chia sẻ tối 15/9, sau khi phần lớn các trường ĐH thông báo điểm trúng tuyển vào các ngành học của trường mình.

Ngay sau khi đăng lên mạng, dòng trạng thái đã nhận được nhiều sự chia sẻ của cộng đồng mạng, đa phần đều hiểu cho bạn trẻ trên vì điểm đầu vào của các trường năm nay được đánh giá là cao đột biến so với các năm trước.

Các chuyên gia cho rằng điểm tăng đột biến là đề thi có phần dễ hơn so với các năm trước. Thêm vào đó, năm nay các trường đã tăng cường các hình thức xét tuyển khác, nên chỉ tiêu dành cho các thí sinh thi tốt nghiệp THPT Quốc gia bị ít đi, khiến điểm đầu vào cao lên. Có những trường muốn vào học thì 30/30 điểm cũng không đủ.

Quay về nam sinh ở Bắc Giang nói trên, sau khi em đăng tải dòng trạng thái, nhiều dòng bình luận ác ý, cho rằng em toàn đăng ký trường top đầu như đại học kinh tế quốc dân, bách khoa,… Tuy nhiên những thông tin đó hoàn toàn sai lệch. Em đã đăng ký 5 nguyện vọng để theo học ngành luật nhưng dường như tất cả đều trượt (NV5 có thể đỗ nhưng em không chắc mình có đạt yêu cầu tiêu chí phụ). Em cũng không ngờ rằng điểm đầu vào năm nay lại tăng nhiều như vậy. Dù có buồn, nhưng nam thí sinh cho biết mình sẽ thi lại năm sau với ước mơ theo học ngành luật.

Có lẽ không chỉ thí sinh trên mà còn khá nhiều thí sinh khác trong kỳ thi năm nay cảm thấy hụt hẫng với hoàn cảnh tương tự.