Thường xuyên duy trì thói quen này mỗi sáng người đàn ông ngỡ ngàng khi biết mình bị ung thư thực quản

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận một trường hợp nam bệnh nhân mắc ung thư thực quản vì thường xuyên duy trì thói quen sau khi thức dậy là pha ấm trà nóng và hút 2-3 điếu thuốc lá trong vòng mấy chục năm.

Vietnamnet đưa tin, ông N.V.Đ (55 tuổi, trú tại Ninh Bình) tới khám vì khàn giọng, nuốt đau và tức vùng thượng vị. Bệnh nhân nội soi phát hiện u sùi thực quản. Các bác sĩ đã bấm sinh thiết lúc nội soi và làm giải phẫu bệnh. Kết quả chẩn đoán ung thư thực quản.

Được biết, ông Đ. hút thuốc lá 30 năm nay. Cụ thể, vào buổi sáng ngủ dậy, ông không cần ăn sáng mà pha ấm trà nóng kèm với hút 2-3 điếu thuốc.

Ông Đ. cũng chia sẻ bản thân thích uống nước nóng dù mùa đông hay mùa hè. Theo đó từ trước tới nay ông Đ. rất khỏe, chưa đi bệnh viện lần nào. Khi bác sĩ chẩn đoán ung thư, bản thân ông rất sốc. 

thuong xuyen duy tri thoi quen nay moi sang nguoi dan ong ngo ngang khi biet minh bi ung thu thuc quan1

PGS. BS Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ về bệnh ung thư thực quản và thói quen uống trà nóng và hút thuốc. Ảnh: BVCC

PGS. BS Nguyễn Anh Tuấn – Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, ung thư thực quản là một căn bệnh nguy hiểm và có khả năng gây tử vong cao. Tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư thực quản phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm giai đoạn của bệnh khi được chẩn đoán, loại ung thư thực quản, phản ứng của bệnh nhân với điều trị và yếu tố cá nhân khác.

Các yếu tố nguy cơ gây ung thư thực quản có thể bao gồm hút thuốc, tiêu thụ nhiều cồn, tăng cân, tiếp xúc với chất gây ung thư như thuốc lá, cồn, hợp chất nitrosamine trong thực phẩm, reflux dạ dày-thực quản (GERD), thói quen uống trà nóng và một số yếu tố di truyền.

Nói về thói quen uống trà nóng có thể gây ung thư thực quản, BS Tuấn cho hay một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa thói quen uống trà rất nóng và tăng nguy cơ ung thư thực quản, đặc biệt là ở một số vùng trên thế giới như Trung Đông, Bắc Phi và một số nước ở châu Á. Tuy nhiên, đây là những nghiên cứu quan sát và vẫn cần thêm nghiên cứu để hiểu rõ hơn về mối liên hệ này.

Cũng theo ông Tuấn, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí International Journal of Cancer năm 2019 đã phát hiện uống trà rất nóng (với nhiệt độ trên 65 độ C) hàng ngày có thể tăng nguy cơ ung thư thực quản. Nghiên cứu này đã được tiến hành trên dân số tại Iran và kết quả cho thấy rủi ro ung thư thực quản tăng lên đáng kể ở nhóm người uống trà rất nóng so với nhóm không uống trà hoặc uống trà ở nhiệt độ thấp hơn.

BS Tuấn cho biết chưa có sự hiểu rõ hoàn toàn về cơ chế chính xác dẫn đến mối liên hệ giữa uống trà rất nóng và tăng nguy cơ ung thư thực quản. Tuy nhiên, có một số giả thuyết được đề xuất như sau:

Tác động nhiệt độ: Uống trà rất nóng có thể gây tác động nhiệt độ lên niêm mạc thực quản. Việc tiếp xúc lâu dài với nhiệt độ cao có thể gây tổn thương và viêm loét niêm mạc thực quản, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển tế bào ung thư.

Tác động hóa học: Một số nghiên cứu cho thấy uống trà rất nóng có thể gây ra tác động hóa học trên niêm mạc thực quản. Các chất chống oxy hóa có trong trà, chẳng hạn như polyphenols, có thể tạo ra các chất tác động ung thư khi tiếp xúc với niêm mạc thực quản ở nhiệt độ cao.

Để tránh tổn thương niêm mạc thực quản, BS Tuấn khuyến cáo người dân nên uống trà ở nhiệt độ ấm hoặc hơi ấm, không quá nóng.

Nhiệt độ ấm là nhiệt độ tương đối thoải mái và an toàn cho niêm mạc thực quản. Trà ở nhiệt độ khoảng 60-65 độ C thường được coi là ấm. Nếu bạn cảm thấy trà ở nhiệt độ ấm vẫn còn quá nóng, hãy để trà nguội một chút để nhiệt độ giảm xuống. Trà ở nhiệt độ hơi ấm, khoảng 50-60 độ C, có thể là một lựa chọn tốt.

Trước khi uống trà, hãy thử uống một chút nhỏ để đảm bảo nhiệt độ không gây kích thích hoặc tổn thương cho niêm mạc thực quản, thông tin từ Tri Thức Trực Tuyến.

Ung thư thực quản giai đoạn sớm không gây ra triệu chứng. Khi ung thư tiến triển, các triệu chứng phổ biến nhất là:

Nuốt nghẹn: Cảm giác thức ăn bị vướng trong thực quản và có thể bị nôn trở ra. Nuốt nghẹn tăng dần từ đặc tới thức ăn lỏng. Thường khi có nuốt nghẹn thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Nôn: xuất hiện khi biểu hiện nuốt nghẹn đã rõ rệt. Nôn có thể xảy ra trong bữa ăn, ngay sau khi ăn. Chất nôn là thức ăn vừa mới ăn vào không có lẫn dịch vị, có thể có ít máu trong chất nôn.

Tăng tiết nước bọt: Khi bệnh nhân nuốt nghẹn nhiều thì nước bọt hầu như không xuống được dạ dày nên bệnh nhân luôn phải nhổ nước bọt.

Sụt cân: Bệnh nhân gầy sút, suy kiệt, thiếu máu.

Triệu chứng khác: Triệu chứng tỏ khối u đã xâm lấn ra ngoài thực quản: Khó thở; Ho; Sặc; Khàn tiếng (Một giọng nói khàn hay ho mà không hết trong vòng 2 tuần); Đau (Đau khi nuốt: cảm giác nặng, tức sau xương ức khi nuốt, đau ngực hoặc lưng, đau bụng vùng thượng vị)

Từ trường hợp của nam bệnh nhân trên, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên xây dựng thói quen lành mạnh an toàn đồng thời nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện và điều trị bệnh sớm (nếu mắc phải).

Thùy Dung (t/h)