Tình yêu của vợ khiến chồng thức tỉnh, chí thú làm ăn

Lấy được người đàn ông mơ ước, bà Bích chưa kịp vui đã lâm cảnh chồng nhậu nhẹt, bỏ bê vợ con. Thế nhưng tình yêu của bà khiến ông thức tỉnh, cùng vun vén, xây dựng gia đình.

Tình yêu đẹp

Vốn là giáo viên, những năm đôi mươi, vì buồn chuyện tình cảm, ông Lý Phi (61 tuổi, Trà Vinh) tình nguyện đến vùng sâu của tỉnh Trà Vinh dạy học. Thời gian ở đây, ông thường đến thăm nhà học trò của mình.

Trong một lần như vậy, ông vô tình gặp và yêu thầm bà Phạm Thị Ngọc Bích (57 tuổi). Sau nhiều lần gặp gỡ, ông Phi biết bà Bích đang học may. Dẫu đã được học may từ trước ông vẫn cố tình liên hệ, xin học cùng bà.

Trước đó, bà Bích đã biết và có ấn tượng sâu đậm với ông Phi. Song, vì tự ti về ngoại hình, bà không dám mơ về ngày được ông tỏ tình. Tuy vậy, 2 năm sau ngày gặp gỡ đầu tiên, bà được ông Phi bày tỏ tình cảm.

Ông Lý Phi và vợ trong chương trình Tình trăm năm.

Quá bất ngờ, bà không dám tin và chạy về hỏi ý kiến bố mẹ. Tại chương trình Tình trăm năm tập 147, bà kể: “Tôi về nói với ba: “Ba ơi, anh Phi nói muốn làm quen với con. Mà con xấu quá, chắc anh ấy đùa giỡn với con thôi”.

Thấy vậy, ba tôi giật mình trả lời: “Không có đâu. Con đẹp lắm. Con đừng nói mình xấu. Nếu con nói mình xấu, người ta biết, người ta để ý. Con phải tự tin lên. Con không xấu đâu”. Được ba khuyên, tôi tự tin hơn”.

Nghe lời bố, bà Bích tự tin và biết cách “làm chảnh”. Bà “không thèm để ý” đến anh thầy giáo. Mỗi khi ông Phi đến thăm nhà, bà đều cố ý tránh mặt, không nói chuyện để ông theo đuổi.

Khi nhận thấy anh giáo viên thật tâm, bà quyết định mở lòng. Một lần, bà run run khi được người tình nắm tay, hỏi: “Em có chịu về Vĩnh Long làm dâu không. Nếu đồng ý, anh sẽ về Vĩnh Long thưa với ba mẹ đến nhà hỏi cưới em làm vợ”.

Trong niềm hạnh phúc tột cùng, bà im lặng nhìn ông không nói. Biết người yêu đồng ý, ông Phi trở về Vĩnh Long thưa chuyện muốn cưới bà Bích với gia đình.

Ông kể: “Trước đó, tôi từng dang dở chuyện tình duyên vì tập tục xem tuổi vợ chồng trước khi cưới. Thế nên lần này, ba mẹ tôi quyết không xem tuổi con dâu. Ông bà đồng ý chọn ngày đẹp trời, đến nhà vợ tôi bây giờ bàn chuyện cưới xin”.

Dù có đám cưới đầm ấm, thân tình, bà Bích vẫn không được rước dâu.

Thế rồi một hôm trong lúc đang dạy dở tiết học, ông Phi nhận tin bố mẹ từ Vĩnh Long xuống Trà Vinh hỏi vợ cho mình. Ông cuống quýt nhờ học trò nhắn bà Bích trang điểm, chuẩn bị gặp bố mẹ chồng tương lai.

Tuy vậy, bà Bích không đồng ý, quyết để mặt mộc gặp bố mẹ người yêu. Sự chân chất của bà khiến bố mẹ ông Phi hài lòng. Cả hai đồng ý cho ông bà thành vợ chồng.

Nước mắt hạnh phúc

Sau cuộc gặp gỡ của hai gia đình, đám cưới của ông bà diễn ra ấm cúng, thân tình. Do đường sá khó khăn, ông bà không thể thực hiện nghi thức rước dâu.

Cưới xong, ông Phi ở lại quê vợ dạy học. Cả hai về ở trong ngôi nhà nhỏ mà trước đây bố mẹ bà Bích dựng lên cho con gái mở tiệm may. Những năm đầu hôn nhân, đôi vợ chồng trẻ sống trong hạnh phúc.

Mỗi ngày, sau giờ đi dạy, ông Phi về nhà giúp vợ may vá, gánh nước cho vợ nấu cơm, tắm gội… Thế nhưng khi bà Bích mang thai và sinh con, ông Phi bắt đầu sa đà vào nhậu nhẹt.

Nhiều hôm dạy xong, ông không về nhà giúp vợ, chăm con mà đi uống rượu đến say mèm. Ông rượu chè nhiều đến nỗi khiến bà Bích đòi ly hôn, ở vậy nuôi con. Nhưng mỗi lần bà ra lời, ông lại dỗ dành, an ủi rồi đâu lại vào đó.

Ông Phi xúc động khi nhớ lại quãng thời gian 2 vợ chồng gặp những khó khăn trong cuộc sống.

Tức giận, bà về than với mẹ. Bà kể: “Mẹ tôi nói cố chịu đi từ từ rồi nó cũng sẽ thay đổi thôi. Ba má sẽ nói chuyện với Phi”. Rồi ba má tôi gọi ông ấy qua nói chuyện. Sau đó, ông ấy nghe lời, sửa đổi tâm tính và không còn nhậu nhẹt bê tha nữa”.

Sau những lần khiến vợ khóc cạn nước mắt, ông Phi thức tỉnh. Ông tự trách bản thân không lo lắng được cho gia đình mà còn khiến vợ con khổ sở vì mình. Ông quyết định từ bỏ những cuộc vui vô bổ, chí thú làm ăn.

Vợ sinh thêm con, ông Phi nghỉ dạy ở nhà nhận may quần áo với vợ. Nhiều hôm, vợ chồng ông trùm bao bố vào chân để chống muỗi rồi ngồi may xuyên đêm. Từ đó, hình ảnh vợ chồng ông ngủ gục trên bàn máy may mỗi đêm trở nên quen thuộc.

Vài năm sau, khi nhận thấy khách hàng không thích mặc quần áo đặt may, cả hai chuyển sang kinh doanh đồ may sẵn. Ngày ngày, ông Phi đạp xe, chở quần áo đi bán. Bà Bích dù trước đó sung sướng như tiểu thư cũng phải kéo xe tự chế đi bán theo chồng.

Hiện, ông bà có cuộc sống an vui, hạnh phúc bên con cháu.

Hai vợ chồng dãi nắng dầm mưa, cố bán từng cái áo, chiếc quần để có tiền nuôi con nhỏ. Những lúc buôn bán khó khăn, bà Bích tính đến chuyện từ bỏ, ly hương lên TP.HCM làm thuê, mưu sinh.

Ông Phi kể: “Thời gian đó, vợ chồng tôi khó khăn lắm. Nhiều hôm ngồi dưới mưa lạnh, vợ buồn đến rơi nước mắt.

Tôi cũng buồn muốn khóc nhưng cố nuốt nước mắt vào lòng, ôm vợ an ủi: “Cố lên em. Đồng vợ đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn”. Là đàn ông, là chồng nên dẫu buồn tủi thế nào, tôi cũng không cho vợ thấy mình yếu mềm, rơi nước mắt”.

Sau đó, cả hai vượt qua những khó khăn, có cuộc sống êm ấm cùng những người con hiếu thảo. Cuối chương trình, ông Phi gửi đến vợ lời cám ơn vì đã đồng hành, cùng mình vượt qua mọi khó khăn.

Ông nói: “Cám ơn em đã đồng hành cùng anh suốt mấy chục năm qua để cho các con, gia đình được hạnh phúc. Anh mãi mãi sẽ đem lại cho em những tiếng cười, cho các con những gì yêu thương, cao quý nhất”.