Chi tiết diễn biến vụ chống người thi hành công vụ ở Đồng Tâm khiến 3 chiến sĩ Công an hy sinh

Theo dự kiến, ngày 7/9, TAND TP Hà Nội sẽ đưa 29 bị cáo trong vụ chống người thi hành công vụ ở xã Đồng Tâm khiến 3 chiến sĩ Công an ra xét xử. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng.

Hành động cực đoan, nguy hiểm của "tổ đồng thuận"


Ngày 14/1/2020, Trung tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an đã thông báo tóm tắt tình hình vụ vi phạm pháp luật tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) và quá trình truy bắt tội phạm, hy sinh của 3 chiến sĩ Công an.

Cụ thể, từ năm 2017 đến tháng 1/2020 (đặc biệt là ngày 25/4/2019) khi Thanh tra Chính phủ ban hành Văn bản số 611/TB-TTCP thông báo kết quả rà soát, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 ngày 19/7/2017 của Thanh tra TP Hà Nội, tình hình an ninh, trật tự ở xã Đồng Tâm diễn biến phức tạp. Trong đó "Tổ đồng thuận" do Lê Đình Kình và Lê Đình Chiến  cầm đầu đã tổ chức phản đối quyết liệt kết luận thanh tra.

Các đối tượng trong "Tổ đồng thuận" tuyên bố sẵn sàng "đổ máu để giữa đất". Chúng chuẩn bị lựu đạn, bom xăng, vũ khí tự chế để đối phó với lực lượng chức năng.
 
Toàn cảnh vụ Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội
Đường vào Đồng Tâm

Đến tháng 12/2019, nhóm người này đã tập trung chửi bới, đe dọa lãnh đạo, cán bộ UBND xã Đồng Tâm. CHưa dừng lại, chúng còn đe dọa, chửi bới các đại biểu đã phát biểu ủng hộ việc làm của chính quyền các cấp tại Hội nghị đối thoại của Thanh tra Chính phủ, UBND TP Hà Nội với nhân dân xã Đồng Tâm.

Lê Đình Kình cầm đầu, huy động người đổ xăng vào chai bia làm bom xăng, mua lựu đạn và dao đâm, vôi bột... để dự trữ... Chúng phân công nhiệm vụ cho từng đối tượng, bộc lộ rõ hành động cực đoan của mình như bắt giữ cán bộ, gây cháy nổ trụ sở UBND xã, nhà cán bộ... Những việc này nhằm tạo áp lực để đòi hỏi yêu sách, thu hút sự chú ý của dư luận.

đến ngày 31/12/2019, sau khi Quân chủng Phòng không - Không quân thi công xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn thì tình hình an ninh trật tự ở Đồng Tâm càng trở nên phức tạp hơn. Các đối tượng trong "Tổ đồng thuận" của Lê Đình Kình tiến hành hoạt động phản đối, tập trung người kéo đến trụ sở UBND xã, nhà riêng của một số người dân chửi bới, ném pháo nổ, cản trở xe của đơn vị quân đội chở, tập kết phương tiện, vật liệu xây dựng đến sân bay Miếu Môn... Thậm chí chúng còn cắt cử người "cảnh giới" ở cổng ra, vào Trung tâm huấn luyện Miếu Môn.

Dùng lựu đạn, bom xăng... để tấn công tổ công tác


Nhóm của Lê Đình Kình có nhiều hành động cực đoan khiến Bộ Công an buộc phải chỉ đạo một số đơn vị xuống Đồng Tâm hỗ trợ Công an TP Hà Nội triển khai các phương án bảo vệ an toàn trật tự, đảm bảo công trình thi công xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn được diễn ra an toàn. 

Công an bố trí lập chốt, tổ công tác bảo vệ các mục tiêu như trường học, cây xăng, trụ sở UBND xã Đồng tâm và các địa điểm mà "Tổ đồng thuận" của Lê Đình Kình đe dọa tấn công.

Sáng ngày 9/1, Công an đến cổng làng Hoành (xã Đồng Tâm) để triển khai lực lượng theo đúng kế hoạch thì các đối tượng trong "Tổ đồng thuận" đã sử dụng lựu đạn, bom xăng, pháo sáng, dao phóng... tấn công lực lượng chức năng.

Tổ công tác đã sử dụng loa kêu gọi các đối tượng này bỏ vũ khí, không tấn công lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ nhưng các đối tượng ngoan cố, không chịu dừng tay. Chúng còn ném 3 quả lựu đạn về phía tổ công tác rồi rút về nhà Lê Đình Kình, Lê Đình Chức, Lê Đình Lợi.
 
Toàn cảnh vụ Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội
Lực lượng chức năng bảo vệ hiện trường

Khi tổ công tác triển khai bắt giữ, các đối tượng này dùng bom xăng, gạch đá, tuýp sắt dài 2 mét có gắng lưỡi dao đâm vào tổ công tác. Trong quá trình truy bắt nhóm này, 3 chiến sĩ là đại tá Nguyễn Huy Thịnh, đại úy Phạm Công Huy và thượng úy Dương Đức Hoàng Quân bị thương, rơi xuống hố kỹ thuật giữa nhà Lê Đình Hợi và Lê Đình Chức. Các đối tượng ném bom xăng, đổ xăng xuống hố, phóng hỏa khiến cả 3 chiến sĩ Công an hy sinh.

Trước tình hình trên, tổ công tác buộc phải trấn áp, nổ súng cảnh báo và thực hiện trấn áp có tính sát thương cao vào các đối tượng chống đối. Lúc này, cơ quan chức năng phát hiện Kình cầm 1 lựu đạn và hô hoán chống đối nên đã dùng súng tiêu diệt. Sau đó, lực lượng chức năng đã bắt giữ được khoảng 30 đối tượng, thu giữ 8 quả lựu đạn cùng nhiều hung khí khác. 

Đến ngày 13/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã tống đạt quyết định khởi tố nhiều đối tượng với các tội danh giết người và chống người thi hành công vụ. 

Sau đó, VKSND TP Hà Nội ban hành cáo trạng truy tố đối với 29 bị can liên quan đến vụ án đặc biệt nghiêm trọng này.  Cụ thể, có 25 bị cáo bị cáo buộc tội Giết người là: Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Bùi Thị Nối, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Thị Lụa, Trần Thị La, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Văn Duệ, Lê Đình Quân, Bùi Văn Niên, Bùi Văn Tuấn, Trình Văn Hải, Nguyễn Xuân Điều, Mai Thị Phần, Đào Thị Kim, Lê Thị Loan và Nguyễn Văn Trung.

4 bị cáo bị truy tố tội Chống người thi hành công vụ là Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung và Trần Thị Phượng.

Có sự tiếp tay của tổ chức phản động


Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang khi đó cho biết, có những đối tượn trước đây tích cực tham gia "Tổ đồng thuận" nhưng sau khi nghe tuyên truyền, giải thích đã nhận ra hành vi sai trái của mình và tự thú, tích cực khai báo hành vi chống đối với sự chỉ đạo của Lê Đình Kình.

Cũng theo Thứ trưởng Tam, qua tài liệu thu thập có thể thấy các tổ chức hoạt động lưu vong, phần tử chống đối trong nước đã hướng dẫn các đối tượng ở xã Đồng Tâm chống đối lực lượng chức năng. Các đối tượng này còn hướng dẫn làm thuốc nổ, làm bom xăng...
 
Toàn cảnh vụ Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội
Lê Đình Kình được xác định là chủ mưu

Qua tài liệu thu thập được đã phát hiện gần 50% tiền quyên góp được là chia cho bố con đối tượng Lê Đình Kình, một số rất ít chia cho "Tổ đồng thuận" sử dụng. Lực lượng chức năng đang tiếp tục làm rõ việc quyên góp tiền cho "Tổ đồng thuận".

Ngoài ra, liên quan đến vụ xét xử vào ngày 7/9 tới, HĐXX gồm 5 thành viên, trong đó có 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân. Phiên tòa sơ thẩm sẽ do thẩm phán Trương Việt Toàn - Phó Chánh Tòa Hình sự, TAND TP Hà Nội làm chủ phiên tòa. Hai kiểm sát viên của VKSND TP Hà Nội được phân công giữ quyền công tố. 

Hiện tại đã có 30 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo trong phiên xử sơ thẩm.


Theo Thanh Mai/SKCĐ