Tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn

Cụ bà 86 tuổi ở Quốc Oai là bệnh nhân đầu tiên trên địa bàn Hà Nội tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn trong năm nay.

Cụ bà 86 tuổi, ở huyện Quốc Oai, Hà Nội bị sốt cao, đau đầu, lơ mơ, gia đình đưa đến Bệnh viện Quân y 103. Tại đây, bà xét nghiệm cấy máu và dịch não tủy. Kết quả, bệnh nhân dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis). Dù được điều trị tích cực song do tuổi cao, bệnh nặng nên bà không qua khỏi. Hiện chưa rõ nguyên nhân bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn từ nguồn nào.

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn ghi nhận 7 người mắc liên cầu khuẩn lợn, trong đó một người tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc giảm 6 và số ca tử vong tương đương.

Hầu hết ca mắc vi khuẩn liên cầu lợn đều liên quan giết mổ, ăn tiết canh hoặc các thức ăn từ thịt lợn chưa nấu chín. Một số trường hợp do tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi giết mổ, chế biến.

Vi khuẩn streptococcus suis cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi, đường tiêu hóa và sinh dục của lợn. Người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn có thể bị nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ đầu nhiễm khuẩn nặng. Người bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ tử vong cao.

Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn là khoảng 7%. Nếu bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao, khoảng 40%. Thời gian ủ bệnh có thể vài tiếng đến 4-5 ngày, tùy cơ địa mỗi người.

Dấu hiệu là sốt nóng, lạnh, buồn nôn, nôn và đi ngoài nhưng không đi nhiều lần, dễ lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường. Người bệnh cũng có biểu hiện đau đầu, ù tai, điếc, cứng gáy, tri giác lơ mơ, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ.

Hiện chưa có vaccine phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn cho người. Tuy nhiên, vi khuẩn này hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ. Vì vậy, người dân ăn chín uống sôi, không nên giết mổ lợn ốm chết, không xử lý thịt lợn sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Nên đeo găng tay khi tiếp xúc thịt lợn tái hoặc sống, rửa tay sạch sau khi chế biến thịt.

Trước đó, người đàn ông 41 tuổi, trú tại xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Người này mua lòng lợn và tiết ngoài chợ về để chế biến món ăn. Ba ngày sau, anh đến trạm y tế xã khám với triệu chứng sốt, đau đầu, ù tai, lòng bàn chân trái sưng bầm tím. Tại đây, nhân viên y tế nghi ngờ anh bị nhiễm trùng máu nên chuyển ngay bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa điều trị.

Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn liên cầu lợn nên được chuyển tiếp lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị. Đến ngày 2/8, bệnh nhân T. tử vong.

Như Loan