Cận Tết, bệnh liên cầu lợn gia tăng
Qua xét nghiệm bác sĩ nhận thấy bệnh nhân bị rối loạn đông máu trầm trọng, có tình trạng nhiễm trùng nặng, chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết đường vào tiêu hóa, theo dõi do liên cầu lợn.
Tình trạng của bệnh nhân quá nặng, các bác sĩ phải nhanh chóng hồi sức cấp cứu cho thở máy, bù dịch, điện giải, duy trì thuốc vận mạch, kháng sinh phối hợp, lọc máu liên tục, điều chỉnh rối loạn đông máu.
Sau 3 ngày, kết quả cấy máu cho thấy bệnh nhân dương tính với liên cầu khuẩn lợn. Hiện bệnh nhân đang được tiếp tục theo dõi và điều trị tích cực, tiên lượng nặng.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) cho biết, bệnh liên cầu cầu lợn rải rác quanh năm nhưng tăng mạnh vào những tháng cuối năm và đầu năm Tết Nguyên đán do nhiều nơi mổ lợn ăn Tết và giữ tập tục ăn tiết canh cho may mắn.
Nguồn lây bệnh từ các món khoái khẩu của dân nhậu
Theo kết quả điều tra dịch dễ hàng năm, 70% số ca mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh. Một số ít khác ăn nem chạo sống, thịt lợn tái, do tiếp xúc, giết mổ lợn.
BS Nguyễn Trung Cấp (trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết đã từng tiếp nhận rất nhiều ca liên cầu lợn bị hoại tử phải cắt bỏ chân, tay, hay thậm chí mất mạng.
Liên cầu khuẩn lợn là vi khuẩn lây truyền trực tiếp sang người chủ yếu qua đường tiêu hóa do ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay ăn phải thịt lợn bệnh chưa được nấu chín kỹ như các món: tiết canh, nem chua, nem chạo...
Tuy nhiên, bệnh có thể lây qua đường hô hấp hoặc vi khuẩn xâm nhập qua da qua các vết thương hở trong quá trình giết mổ.
Khi có các biểu hiện như sốt cao đột ngột mà trước đó từng chăm sóc, giết mổ lợn mắc bệnh, chết hoặc ăn sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần phải đến khám ngay tại các cơ sở y tế để được khám, điều trị và xử lý kịp thời.