Vì sao không thể ghép phổi cho phi công người Anh từ người hiến còn sống?

Admin
Dù đã có hơn 60 người đăng ký hiến một phần phổi cho phi công người Anh nhưng các chuyên gia cho hay, chỉ ưu tiên lấy phổi từ người hiến chết não, không thể ghép phổi từ người cho sống.
Bệnh nhân 91, 43 tuổi, phi công người Anh hiện là bệnh nhân COVID-19 nặng nhất ở Việt Nam. Bệnh nhân 91 đã trải qua 2 tháng điều trị, sự sống phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống tim phổi nhân tạo ECMO.
 
Theo thông tin mới nhất từ cuộc hội chẩn trực tuyến của Hội đồng chuyên môn - Bộ Y tế, phổi của phi công người Anh có dấu hiệu hồi phục tích cực, tỷ lệ đông đặc đã giảm từ 90% xuống còn 80%. Dù vậy tình trạng bệnh nhân vẫn còn rất nặng do nhiễm trùng và suy đa tạng.

Tại cuộc hội chẩn, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã thống nhất chuyển bệnh nhân về trung tâm điều trị chuyên sâu về hồi sức tích cực tại BV Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị nội khoa, trước khi có các chỉ định ghép phổi, ghép thận (nếu có).
 
Vì sao không thể ghép phổi cho phi công người Anh từ người hiến còn sống?
Các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam hội chẩn trực tuyến tìm phương pháp cứu chữa cho bệnh nhân 91

Trước đó, Bộ Y tế giao Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận điều trị bệnh nhân phi công người Anh, hồi sức và phối hợp với Bệnh viện Việt Đức chuẩn bị ghép phổi cho bệnh nhân khi đủ điều kiện. Cục Quản lý khám chữa bệnh nghiên cứu xem xét các quy định pháp lý, xác định chi phí điều trị, tìm kiếm nguồn tài trợ cho ca ghép đặc biệt này.

Ngay khi thông tin về việc ghép phổi cho phi công người Anh được lan tỏa rộng rãi, đến nay đã có khoảng 60 người tình nguyện hiến một phần lá phổi cho bệnh nhân này. Tất cả đều là người không quen biết chỉ có tâm nguyện được san sẻ một phần cơ thể để cứu bệnh nhân.
 
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, những nghĩa cử cao đẹp ấy là điều rất đáng trân trọng. Việt Nam đủ năng lực ghép phổi cho phi công người Anh nhưng ưu tiên số một là tìm tạng hiến tặng từ người hiến đã chết não.
 
Một chuyên gia về ghép tạng cho biết, thông thường trong ghép phổi, người ta có thể thay thế một phần hoặc toàn bộ lá phổi. Tương tự như vậy, người hiến cũng có thể hiến một phần hoặc toàn bộ lá phổi.

Trong ghép tạng có hai nguồn hiến chính là từ người cho chết não hoặc còn sống. So với ghép một phần tạng thì việc ghép tạng nguyên khối sẽ đơn giản hơn, hậu phẫu thuận lợi hơn vì chỉ có miễn dịch của 1 người.
 
Việc ghép phổi có thể lấy từ người hiến còn sống nhưng khi đó chỉ có thể lấy một phần lá phổi. Phương pháp này phù hợp với trẻ em hơn bởi trọng lượng cơ thể thấp, thể tích phổi nhỏ nên có thể lấy 2 phần phổi nhỏ từ 2 người thân để ghép. Việt Nam đã có một ca ghép phổi như vậy cho bé trai 7 tuổi ở Hà Giang. Bé trai được cắt bỏ toàn bộ lá phổi đã bị hỏng do giãn phế quản, sau đó lấy 1 thùy phổi từ bố đẻ và 1 thùy từ bác ruột để ghép cho bé. Ca phẫu thuật diễn ra tại BV Quân Y 103. Sau ghép, phổi bệnh nhi sẽ nở dần.
 
Vì sao không thể ghép phổi cho phi công người Anh từ người hiến còn sống?
Ca ghép phổi cho bé trai 7 tuổi được các bác sĩ BV Quân Y 103 thực hiện trong 11 tiếng
 
Với người hiến tặng còn sống, do cắt một phần nhỏ phổi nên chức năng phổi của người hiến vẫn được duy trì. Tuy nhiên, sức khỏe của người hiến sẽ bị ảnh hưởng không thể làm việc nặng hay chơi các môn thể thao gắng sức.

Đối với người lớn, gần như không thể ghép phổi từ người cho còn sống. Nguyên nhân do thể tích phổi lớn nên không thể lấy toàn bộ lá phổi của người còn sống cho để ghép cho người bệnh, khi đó, người hiến có thể thành tàn phế.
 
Nếu ghép phổi người lớn từ người cho sống, sẽ cần ít nhất 3 - 4 người cho. Về mặt kỹ thuật, quá trình ghép có thể thành công nhưng nguy cơ biến chứng rất cao, đặc biệt về miễn dịch cùng lúc của 3-4 người nên việc chăm sóc sau ghép là vô cùng khó khăn.
 
Từ đó, Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế nhấn mạnh ưu tiên số 1 là tìm phổi cho phi công người Anh từ người hiến chết não, để có thể lấy được lá phổi nguyên khối.
 
Với nguồn tạng chết não, thể tích phổi người tặng phải tương đương phổi của bệnh nhân 91, không được chênh lệch quá 30%. Nguồn tạng ghép cũng phải đáp ứng các điều kiện về miễn dịch và nhiều chỉ số hoà hợp khác.
 
Nếu có lấy phổi từ người hiến còn sống thì bắt buộc phải là người thân bệnh nhân. Đáng nói, đến nay cơ quan chức năng nước Anh chưa thể liên hệ được với người thân ruột thịt của nam phi công. Nhiều nguồn tin cho hay bệnh nhân là trẻ mồ côi hiện độc thân.
 
PGS.TS Lương Ngọc Khuê Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu Ban điều trị- Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19; Giám đốc Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chẩn đoán và điều trị COVID-19 cho biết: Hội đồng chuyên môn đã bàn bạc rất kỹ, tất cả đều phải thực hiện theo Luật Hiến ghép mô tạng của Việt Nam.
 
Trường hợp người bệnh muốn ghép tạng thì phải có đơn đề nghị được ghép tạng, trong trường hợp bệnh nhân 91 thì người nhà và Đại sứ quán Anh phải có ý kiến. Nguồn ghép cũng phải đáp ứng các điều kiện về hiến tạng. Hơn nữa về yếu tố về pháp lý, sau này khi bệnh nhân được ghép xong thì các điều kiện về chăm sóc, điều kiện về điều trị, hồi sức... thì cũng phải có người bảo hộ, giám hộ...
 
"Đặc biệt là phải có chỉ định ghép tạng, tôi đặc biệt lưu ý là phải đúng chỉ định chuyên môn chứ chúng ta cũng không được phép vượt qua chỉ định chuyên môn và phải theo đúng các quy định của Việt Nam"- PGS.TS Lương Ngọc Khuê lưu ý.
 
Các chuyên gia cho hay, bệnh nhân 91 vẫn chưa thể ghép phổi vì 3 nguyên nhân: nhiễm trùng phổi, suy đa tạng và chưa có người bảo hộ. Các bác sĩ đang tích cực điều trị nội khoa, hồi sức cho bệnh nhân để đủ điều kiện ghép phổi khi có thể.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2020/05/20/hoi-chan-truc-tuyen-ve-bn-91-nam-phi-cong-nguoi-anh_20052020091025.mp4[/presscloud]
Các chuyên gia hội chẩn trực tuyến về BN91 - nam phi công người Anh chiều 19/5. Video: VNEWS
 
 
Hà Ly (t/h)