Vì sao mua bán nam giới có xu hướng tăng?

Tình hình tội phạm mua bán người đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà cả nam giới. Bộ Công an thống kê có 275 nạn nhân là nam.

Những thông tin này được đề cập trong phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng chống mua bán người sáng 8/5 của Ủy ban Tư pháp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, thời gian gần đây, tình hình tội phạm mua bán người đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp; thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, đối tượng nạn nhân cũng mở rộng, không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà cả nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng...

Đáng lưu ý, bà Nga cho biết cơ quan chức năng phát hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người trong nước để ép nạn nhân làm mại dâm hoặc cưỡng bức lao động gây bất an, lo lắng trong nhân dân.

Từ thực tế đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng phải đánh giá chính xác về thực trạng, làm rõ trách nhiệm các cơ quan, tổ chức có liên quan và có giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới.

1.240 nạn nhân bị bán và nghi bị mua bán

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong kỳ báo cáo (2018-2022), trên cả nước đã phát hiện 440 vụ với 876 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người, với 1.240 nạn nhân bị mua bán và nghi bị mua bán.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho biết nội dung đáng chú ý khi mua bán người ở trong nước và mua bán nam giới có xu hướng tăng lên, nhằm cưỡng bức lao động trên tàu cá.

Vì sao mua bán nam giới có xu hướng tăng? - 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa (Ảnh: Hồng Phong).

Báo cáo của Bộ Công an nêu rõ trong các vụ án liên quan mua bán người vừa qua, có 744 nạn nhân là nữ, 275 nạn nhân nam, 841 nạn nhân trên 16 tuổi và 178 nạn nhân dưới 16 tuổi.

Về mục đích phạm tội, theo Bộ Công an, có 19 vụ liên quan bóc lột tình dục, 132 vụ cưỡng bức lao động, 4 vụ lấy bộ phận cơ thể nạn nhân, 239 vụ vì mục đích vô nhân đạo khác.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, ở một số nơi, nổi lên tình trạng mua bán trẻ sơ sinh núp bóng tinh vi các tổ chức mang danh thiện nguyện tự phát.

Việt Nam không những là nơi xuất phát tội phạm nguồn, mà còn là địa bàn trung chuyển mua bán người từ một số nước trong khu vực đi nước thứ ba.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng, với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, mang tính vô nhân đạo, có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở trong nước với nước ngoài, được thực hiện bởi các đối tượng chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội phạm mua bán người.

Những thủ đoạn buôn người tinh vi

Bà Hoa cũng chỉ ra thực tế xuất hiện nhiều đường dây phạm tội mua bán người với các thủ đoạn như "việc nhẹ, lương cao", tổ chức cho nạn nhân vượt biên để ép buộc làm việc bất hợp pháp trên nước bạn, muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn.

Một thủ đoạn phạm tội khác là lợi dụng thủ tục đơn giản trong việc kết hôn với người nước ngoài, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, du lịch, thăm thân… để tổ chức cho nạn nhân ra nước ngoài, sau đó thu giữ giấy tờ tùy thân, bán sang tay nhiều chủ để cưỡng bước lao động, cưỡng bức mại dâm, ép thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

Ngoài ra, còn có tình trạng lợi dụng quy định về hiến, ghép tạng, các đối tượng tìm gặp những nạn nhân khó khăn về kinh tế có nhu cầu bán nội tạng, thương lượng mua với giá rẻ, làm giả giấy tờ, con dấu, sau đó bán cho người bệnh với giá cao.

Liên quan thủ đoạn phổ biến của tội phạm, công an thống kê có 55 vụ lợi dụng môi giới hôn nhân, 57 vụ lợi dụng việc môi giới đưa người đi lao động nước ngoài và 282 vụ với thủ đoạn khác.

Trong kỳ báo cáo (2018-2022), Cơ quan điều tra các cấp thuộc Bộ Công an đã tiến hành thụ lý 560 tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố có liên quan đến mua bán người. Cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng thụ lý 120 tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố có liên quan đến mua bán người.

Sau đó, Cơ quan điều tra các cấp thuộc Bộ Công an đã tiến hành khởi tố 386 vụ/808 bị can; Cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng đã tiến hành khởi tố sau đó chuyển sang cơ quan điều tra có thẩm quyền 54 vụ/68 đối tượng.

Tuy nhiên, theo Thường trực Ủy ban Tư pháp, số lượng các vụ phạm tội mua bán người được phát hiện, điều tra, xử lý còn ít so với tình hình thực tế. Thậm chí, số lượng các vụ án bị khởi tố về các tội mua bán người ít hơn so với giai đoạn trước.

Giai đoạn 2012-2020, trung bình khởi tố 162 vụ/năm; giai đoạn năm 2018-2022, trung bình khởi tố 77,2 vụ/năm.

Thường trực Ủy ban Tư pháp cũng nhận định chất lượng điều tra còn có mặt hạn chế, vẫn còn 56 bị can phạm tội mua bán người bỏ trốn phải truy nã. Có những vụ án xảy ra trong thời gian dài, phạm tội có tổ chức, nhiều đối tượng cấu kết cùng thực hiện tội phạm với nhiều nạn nhân bị mua bán trong đó có nhiều người dưới 16 tuổi nhưng không được kịp thời phát hiện.

Trong kỳ báo cáo, các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành giải cứu và phối hợp giải cứu cho 352 nạn nhân; tiếp nhận, xác minh nạn nhân từ nước ngoài trở về với 545 nạn nhân và vẫn còn một số lượng lớn nạn nhân chưa được giải cứu.