Vì sao người già thường mắc chứng tiểu đêm?

Tiểu đêm là một dạng rối loạn tiểu tiện rất phổ biến ở người cao tuổi. Chứng tiểu đêm ở người già gây ra nhiều tác hại như mất ngủ, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
Ba nhóm rối loạn sự đi tiểu là: Tiểu nhiều, đa niệu, khi lượng nước tiểu nhiều hơn 2,5 lít trong 24 giờ; Tiểu nhiều lần, tiểu láu, tiểu thường xuyên, khi đi trên 8 lần/ngày; và chứng tiểu đêm khi phải thức giấc đi tiểu hơn 1 lần trong mỗi đêm.
 

Vì sao người già hay bị tiểu đêm?


TS.BS Nguyễn Bách, Khoa Nội thận Lọc máu Bệnh viện Thống nhất TP.HCM, người bình thường khỏe mạnh thường đi tiểu khoảng 8 lần trong ngày, trong đó có 7 lần vào ban ngày và một lần vào ban đêm. Lượng nước tiểu mỗi lần tiểu khoảng 300 ml, tổng cộng cả ngày là từ 1,8 - 2,5 lít. Người được coi là mắc chứng tiểu đêm là khi đi tiểu nhiều hơn một lần vào ban đêm.
 
Vì sao người già thường mắc chứng tiểu đêm
 

Tiểu đêm là một dạng rối loạn tiểu rất phổ biến ở người cao tuổi. Các thống kê chỉ ra, tần suất bị tiểu đêm thay đổi rõ rệt theo tuổi tác với xu hướng càng già càng dễ bị tiểu đêm. 70% ở người tuổi 60 và 90% ở tuổi 80 mắc chứng tiểu đêm. Nguyên nhân khiến người già dễ mắc chứng tiểu đêm là do suy giảm chứng năng thận. Thông thường, số lần đi tiểu vào ban ngày cao gấp 3 lần ban đêm nhờ chức năng pha loãng và cô đặc nên có thể tự động điều tiết việc thải nước. Tuy nhiên, do sự lão hóa của tuổi tác khiến các chức này bị suy giảm gây ra chứng tiểu đêm.

Người già thường ít ngủ hơn người trẻ (thời gian của giấc ngủ ngắn), đi ngủ sớm thức dậy cũng sớm. Người ít ngủ dễ buồn tiểu và ngược lại, đi tiểu đêm nhiều lần lại càng khiến người cao tuổi mệt mỏi, mất ngủ, tạo thành một vòng luẩn quẩn.

Các bệnh gây ra chứng tiểu đêm ở người già


Ngoài nguyên nhân do tuổi tác, người già mắc chứng tiểu đêm có thể do một số bệnh lý gây ra. Cụ thể, đại đa số nam giới cao tuổi mắc chứng tiểu đêm thường do mắc bệnh phì đại tuyến tiền liệt. Tiền liệt tuyến khi phình to chèn ép niệu đạo gây tiểu khó, tia nước tiểu yếu, tiểu rắt. Đồng thời nó cũng chèn ép bàng quang làm giảm thể tích bàng quang, gây kích thích mót tiểu nhiều lần. Phì đại tuyến tiền liệt rất phổ biến ở nam giới trên 50 với các triệu chứng tiểu đêm, tiểu khó, tia nước tiểu yếu, tiểu xong vẫn bứt rứt như chưa tiểu hết. Nếu tiểu có ra máu cần đi khám ngay đề phòng biến chứng viêm thận, suy thận.
 
Vì sao người già thường mắc chứng tiểu đêm
Các bệnh thận có thể là nguyên nhân gây ra chứng tiểu đêm

Bên cạnh đó, người mắc u xơ tiền liệt tuyến có kích thước lớn chèn ép vào cổ bàng quang cũng gây ra hiện tượng tiểu đêm càng dễ gặp. U xơ tiền liệt tuyến còn gây nên tiểu són, tiểu không hết nước tiểu trong bàng quang càng kích thích cảm giác mót tiểu.

Nguyên nhân thứ hai khá phổ biến gây ra chứng tiểu đêm là bệnh viêm đường tiết niệu (viêm bàng quang). Nơi chứa nước tiểu là bàng quang khi bị viêm nhiễm sẽ gây kích thích tiểu nhiều lần. Các triệu chứng của viêm đường tiết niệu là đau bụng dưới, phía trên xương mu, tiểu gắt buốt, sốt, tiểu lắt nhắt, tiểu đêm.

Thứ ba, chứng tiểu đêm ở người già có thể do các bệnh thận như suy thận hay sỏi thận. Khi bị suy thận giai đoạn đầu, thận mất chức năng cô đặc nước tiểu gây ra các hiện tượng: tiểu đêm, phù, tiểu ít, da xanh, chán ăn, mệt mỏi, suy nhược cơ thể. Tương tự, người mắc sỏi thận cũng có các biểu hiện rất đa dạng trong đó điển hình là tiểu khó, rát buốt, tiểu đêm, đau lưng…
 
Vì sao người già thường mắc chứng tiểu đêm

Thứ tư, người bệnh đái tháo đường cũng dễ gây ra chứng tiểu đêm. Tiểu nhiều, tiểu đêm có thể biểu hiện của đái tháo đường giai đoạn đầu hoặc khi đã có biến chứng ở bàng quang. Người bệnh tiểu đường đang trong thời gian điều trị nếu thấy có triệu chứng tiểu nhiều, tiểu đêm cần kiểm tra ngay đường máu.
 
Ở nữ giới cao tuổi mắc chứng tiểu đêm có thể do hệ lụy của bệnh phụ khoa không được điều trị triệt để hồi trẻ. Khi tuổi cao, bệnh kéo dài thành mạn tính kéo theo chứng tiểu đêm. Một số nguyên nhân khác do suy yếu cơ sàn chậu sau khi mang thai và sinh đẻ, nội tiết tố nữ thay đổi trong giai đoạn mãn kinh, stress, mất ngủ…

Ngoài các nguyên nhân này, chứng tiểu đêm ở người cao tuổi có thể do chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt thiếu khoa học. Ví dụ, thói quen uống nhiều nước, ăn canh vào buổi tối, uống các chất lỏng như rượu, bia, cà phê, trà vào buổi tối. Người đang sử dụng một số thuốc có tính lợi tiểu như thuốc hạ huyết áp (nhóm ức chế kênh canxi), thuốc lợi tiểu... rất dễ đi tiểu đêm.

Không chỉ vậy, các yếu tố tâm lý như lo lắng, căng thẳng, mất ngủ... cũng có thể gây ra hiện tượng tiểu nhiều lần cả ngày lẫn đêm.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/11/12/nhin-tieu-nhieu-vien-soi-bang-quang-nang-nua-can_12112019105143.mp4[/presscloud]
Nhịn tiểu nhiều, người đàn ông mang viên sỏi bàng quang nặng hơn nửa cân. Video: VTC14
 
 
Hà Ly (t/h)