Khỉ sau khi bắt sẽ được nuôi nhốt trong lồng một thời gian và theo dõi sức khỏe. Khi đã đảm bảo không mắc bệnh, khỉ mới được dùng để tiêm thử nghiệm vắc xin. Đơn vị sẽ chia 12 con khỉ làm 2 đợt thử nghiệm vắc xin COVID-19. Mỗi đợt lại chia thành 2 nhóm: được tiêm vắc xin và nhóm đối chứng (không được tiêm vắc xin).

Vắc xin được sử dụng tiêm thử nghiệm được cho là có mô hình gần giống với loại dự định tiêm cho người. Vắc xin thử nghiệm gồm 2 mũi tiêm, mũi thứ nhất cách mũi thứ hai 18-21 ngày. Sau tiêm, khỉ sẽ được nuôi tại một khu đảo riêng biệt và theo dõi sức khỏe hàng ngày.
Sau 1 tháng kể từ mũi tiêm cuối, các chuyên gia sẽ đánh giá đáp ứng miễn dịch trên nhóm khỉ được tiêm nhằm so sánh với nhóm không được tiêm.
Ông Đạt nhấn mạnh, thử nghiệm vắc xin trên khỉ chỉ là một phần của thử nghiệm tiền lâm sàng. VABIOTECH sẽ tiến hành thử nghiệm song song trên các động vật khác, đồng thời tiến hành phân tích trong phòng thí nghiệm trước khi thử nghiệm lâm sàng.
Nếu kết quả thử nghiệm trên khỉ về tính sinh miễn dịch, hiệu quả bảo vệ thành công, khoảng 4 tháng nữa, công ty này sẽ trình lên Hội đồng đạo đức của Bộ Y tế.
VABIOTECH lựa chọn kỹ thuật sản xuất vắc xin vector virus. Đây là hệ thống được cài đặt một hoặc nhiều vùng gene mã hóa vùng kháng nguyên mong muốn. Khi tiêm chủng, kháng nguyên protein sẽ được biểu hiện tương tác với vật chủ để tạo ra đáp ứng miễn dịch phòng tác nhân gây bệnh.
Trong quá trình thử nghiệm đầu tiên, VABIOTECH đã dùng chuột làm mô hình đánh giá vật chủ. Sau khi thử nghiệm thành công trên chuột, đơn vị tiến hành thử nghiệm trên các động vật khác.
Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) là một trong số 4 đơn vị tại Việt Nam tham gia sản xuất vắc xin COVID-19. Ngoài ra còn có 3 đơn vị khác là Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NANOGEN.