'Vỡ mộng' freelancer

Hơn tháng nay, Hồng Thúy bị ám ảnh bởi suy nghĩ "có nên quay lại văn phòng" sau gần một năm làm việc tự do (freelance) bởi nghề này không lung linh như cô tưởng.

Trước năm 2022, Thúy, 30 tuổi, là nhân viên truyền thông ở Hà Nội với mức lương 8 triệu đồng mỗi tháng. Công việc ngốn của cô 12 tiếng mỗi ngày chưa kể thường xuyên phải đi công tác và nhận yêu cầu làm việc lúc nửa đêm. Tình trạng này kéo dài khiến Thúy căng thẳng, mệt mỏi và xin nghỉ việc.

Tháng 1/2022, cô chuyển sang làm content social (sáng tạo nội dung tiếp thị trên Internet) tự do. Quyết định này không được gia đình ủng hộ bởi thu nhập bấp bênh, không được đóng bảo hiểm và mất toàn bộ chế độ đãi ngộ dịp lễ Tết. "Nhưng con cũng không thể làm việc như một cái máy", Thúy trả lời bố mẹ.

Tháng đầu tiên, cô nhận cùng lúc 5 jobs (hợp đồng) vì nghĩ có thể sắp xếp thời gian. Nhưng mọi thứ dần vượt qua tầm kiểm soát bởi số lượng bài viết lớn, khách hàng liên tục đòi chỉnh sửa bất kể giờ giấc. Nhiều hôm cô làm đến 20 tiếng mỗi ngày. "Cứ ngỡ bỏ ra ngoài để được thoải mái giờ giấc nhưng cuối cùng tôi lại bận hơn cả lúc làm văn phòng. Không làm thì mất thu nhập và mang tiếng xấu, khách khác không dám đặt nữa", Thúy nói.

Hồng Thúy khi còn làm việc ở văn phòng hồi tháng 6/2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hồng Thúy khi còn làm việc ở văn phòng hồi tháng 6/2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Quen làm việc từ xa sau hai năm dịch bệnh và không hợp sếp, Thế Anh, 28 tuổi, ở TP HCM, cũng từ bỏ công việc thiết kế đồ họa với lương 20 triệu đồng sang làm freelance.

Ngày còn đi làm, công việc của anh là sáng tạo nội dung, khâu tìm khách hàng, thỏa thuận giá cả đều có bộ phận chuyên trách. Nhưng khi làm độc lập, Thế Anh kiêm cả nhiệm vụ của CEO, kế toán, marketing, giám đốc kinh doanh để chăm sóc thương hiệu bản thân.

"Toàn việc không tên nhưng nhiều khi mất cả ngày bởi tôi không có kinh nghiệm. Việc tồn đọng lại phải thức đêm làm", anh nói.

Vô vàn lời ca tụng về sự tự do, "nhiều việc, tháng kiếm trăm triệu đồng" với nghề freelance cũng khiến Mai Phương, 24 tuổi, ở quận Ba Đình (Hà Nội) chuyển việc cuối năm 2022.

Lý do của cô gái trẻ đưa ra là có căn cứ, bởi trên mạng xã hội hiện có hàng trăm hội nhóm tuyển freelancer, nhóm đông nhất có hơn 300.000 thành viên. Dưới các bài tuyển nhân sự part-time có hàng chục bình luận "nhận việc".

Thiếu kiến thức và kinh nghiệm làm việc khiến Phương bị khách ép giá, quỵt tiền công, nhiều đối tác đòi hủy hợp đồng do sản phẩm không đạt yêu cầu. "Có quá nhiều rủi ro tiềm ẩn mà tôi không thể lường trước. Đây không phải việc nhẹ lương cao như nhiều người chia sẻ", cô nói.

Số người rời bỏ công việc cố định (full-time) để làm tự do như Thúy, Thế Anh hay Mai Phương sau dịch không ít. Khảo sát đầu năm 2022 của công ty tuyển dụng Anphabe tại Việt Nam, với hơn 500.000 thành viên, cho thấy xu hướng chuyển sang làm tự do tại Việt Nam đang tăng. Theo đó, 14% nguồn nhân lực tri thức Việt Nam hiện là lao động tự do toàn thời gian, 26% làm tự do bán thời gian, 13% làm song song công việc cố định và bán thời gian.

Khảo sát gần 800 độc giả của VnExpress hôm 16/11 cũng cho kết quả tương tự. 85% người chọn làm freelance với câu hỏi "Bạn muốn làm việc tự do hay văn phòng?".

Được chủ động lựa chọn việc yêu thích; thoải mái thời gian; không cần giao tiếp; tránh các mối quan hệ độc hại ở công sở; kiếm tiền không giới hạn; và được nghỉ ngơi là những lý do khiến công việc này được ưa chuộng.

Tuy nhiên, mọi ngành nghề đều có hai mặt. Khi làm tự do các lao động sẽ mất thời gian xây dựng mối quan hệ với khách hàng; không được trả lương nếu nghỉ; tự chịu trách nhiệm với chế độ phúc lợi; công việc không đảm bảo; tiềm ẩn việc bị ăn quỵt tiền.

Nhiều cuộc khảo sát thị trường lao động quốc tế ghi nhận trào lưu "đại bỏ việc" (great resign) bùng nổ sau đại dịch đang chuyển thành "đại hối hận". Nghiên cứu của trang tìm kiếm việc làm Muse (Mỹ) tháng 8/2022 với hơn 2.500 lao động cho thấy gần 3/4 cảm thấy "choáng ngợp hoặc hối tiếc" bởi công việc mới rất khác so với những gì từng làm. Thậm chí, gần một nửa (48%) đang cố gắng quay lại công việc cũ.

Tại Việt Nam, ông Lê Quang Trung, nguyên cục phó Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), cho biết xu hướng quay lại văn phòng sau khi làm tự do là có. Lý giải về xu hướng chuyển việc sau dịch, ông Trung cho rằng có ba nguyên nhân chính: doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm nhân sự; hai là người lao động không có việc làm; và ba là nhiều người mong muốn tìm công việc phù hợp, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.

Ông Trung khẳng định, với những người chuyển sang làm freelance đã xác định rõ mục tiêu, chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ đáp ứng được công việc mới sẽ có khả năng thành công. Nhưng ở chiều ngược lại, không ít người phải từ bỏ, quay trở lại công việc cũ vì nhiều nguyên nhân khác nhau. "Nhưng chắc chắn khi quay lại sẽ gặp nhiều khó khăn bởi không đáp ứng được yêu cầu hoặc đơn vị cũ đã đủ người", ông Trung nói.

Làm freelance không dễ như Thúy tưởng. Nhiều thời điểm cô từng suy nghĩ quay trở lại văn phòng vì áp lực tài chính. Thừa nhận làm việc từ xa giúp tiết kiệm tiền xăng xe, quần áo hay đồ trang điểm, nhưng khi khi thị trường lao động dần hồi phục, lượng freelancer tăng khiến cơ hội tìm được dự án tốt của Thúy cũng thu hẹp. "Kiếm chục triệu đồng mỗi tháng đã chật vật, mơ gì đến trăm triệu", cô thở dài.

Anh Đoàn Duy, quản lý gần 50 freelancer tại Hà Nội, cho biết khoảng một năm trở lại đây, nhu cầu tìm kiếm việc làm tăng mạnh, cung nhiều hơn cầu. "Nếu như trong dịch chúng tôi luôn trong tình trạng thiếu người và thuê với giá cao, thì nay đơn vị có nhiều sự lựa chọn, mức lương cũng hạ đáng kể", anh Duy nói.

Với Thế Anh, phải chủ động tìm kiếm, làm việc với khách hàng, tự kiểm duyệt nội dung và trau dồi kỹ năng mới khiến anh kiệt sức. Chưa kể, thiếu người đốc thúc, hướng dẫn khiến chàng trai rơi vào trạng thái buông lỏng, mất phương hướng và hoài nghi về năng lực. Sau 6 tháng làm tự do, anh quyết định đầu quân cho một công ty game nhưng được làm việc từ xa.

Tròn 4 tháng theo đuổi công việc mơ ước nhưng liên tục phải xin trợ cấp từ bố mẹ, Mai Phương được khuyên nên quay lại văn phòng. "Tôi đã gửi hơn 20 đơn xin việc nhưng chưa có hồi âm", Phương thở dài.

Trước thực trạng trên, ông Lê Quang Trung cho rằng những lao động muốn quay trở lại công việc cũ buộc phải tự trau dồi kiến thức; các đơn vị hỗ trợ việc làm cần tích cực kết nối với doanh nghiệp; và chính các nhà quản lý cũng nên tạo điều kiện cho người có nhu cầu nắm bắt thông tin. "Bắt đầu từ thời điểm này đến các tháng tiếp theo, khi kinh tế hồi phục, các dịch vụ phát triển, người lao động nếu tích hợp đủ kinh nghiệm, ắt tìm được công việc phù hợp", ông Trung nhận định.

Thừa nhận làm việc từ xa trở thành xu thế, nhưng PGS.TS Đỗ Minh Cương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, cho rằng để tránh trường hợp làm vài tháng rồi quay lại văn phòng, người lao động cần nghiên cứu kỹ tiềm năng của công việc, thế mạnh của bản thân thay vì chạy theo trào lưu.

"Như riêng với nghề freelance, họ phải xây dựng các mối quan hệ, tìm hiểu rõ năng lực của bản thân, liên tục trau dồi kiến thức, kỹ năng. Bên cạnh đó, người lao động cũng nên thử làm xem có phù hợp hay không trước khi đưa ra quyết định", ông Cương nói.

Thùy Trang, 29 tuổi, ở Hải Phòng, từng là quản lý dự án của một công ty xuất nhập khẩu. Xác định rõ bản thân muốn trở thành một travel blogger cô đăng ký các khóa học quay dựng, chụp hình vào buổi tối; tạo dựng thêm các mối quan hệ trong lĩnh vực trên nhưng vẫn duy trì công việc văn phòng.

Sau 2 năm chuẩn bị, cô gái 29 tuổi xin nghỉ việc và tập trung phát triển theo định hướng. Ngoài thời gian trải nghiệm, Trang cũng nhận viết bài quảng cáo để tăng thu nhập, nhưng tuân thủ quy tắc: phù hợp với thế mạnh - cân bằng được công việc. Hiện mỗi tháng cô bỏ túi khoảng 50 triệu đồng, sau khi trừ chi phí các chuyến đi, tiền ăn uống, sinh hoạt.

"Cần chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm rõ hướng đi, bạn có thể giàu có nhờ nghề freelance thay vì quay lại công việc cũ trong tiếc nuối", cô nói.