Xả rác nhựa ra biển mùa Vu lan: Báo hiếu cha mẹ hay hủy hoại tương lai của con cháu?

Sau Đại lễ Vu lan và Đêm hội hoa đăng Cát Bà năm 2019 đã xuất hiện nhiều thông tin về việc có tới hơn ba vạn đèn hoa đăng làm bằng nhựa thả xuống biển gây ô nhiễm môi trường.
Sau vài ngày kể từ khi diễn ra Đại lễ Vu lan và Đêm hội hoa đăng Cát Bà năm 2019 nhưng thông tin về việc có tới hơn ba vạn đèn hoa đăng làm bằng nhựa thả xuống biển gây nguy hại đến môi trường cùng nhiều hình ảnh về rác thải từ buổi lễ trôi nổi khắp mặt biển vẫn đang tràn lan trên mạng xã hội...
 

Vào dịp Rằm tháng 7 hàng năm, mọi người lại thả đèn hoa đăng. Hàng trăm ngọn hoa đăng được thắp lên đỏ rực, lấp lánh dưới mặt nước, thể hiện lòng thành kính của người dân gửi đến những người đã khuất. Tuy nhiên, hiện nay, cách thức tổ chức của không ít người dân có biểu hiện lệch lạc, biến tướng, gây ô nhiễm môi trường.
 
Từ lâu, lễ Vu Lan báo hiếu đã trở thành một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt trong đời sống của dân tộc Việt Nam. Đây được coi là một tập tục đẹp xuất phát từ đạo lý “uống nước nhớ nguồn” để báo hiếu cha mẹ, tổ tiên đã khuất và cầu siêu cho những cô hồn lang bạt không nơi nương tựa. Tuy nhiên, hiện nay cách thức tổ chức của không ít người dân đang có nhiều lệch lạc, biến tướng mà nổi cộm nhất chính thả đèn hoa đăng. Việc thả nhiều đen hoa đăng không chỉ tốn kém mà con gây nguy cơ hủy hoại môi trường sống.
 
Việc thả đèn hoa đăng trên sông nhằm cầu nguyện Quốc thái dân an, cầu nguyện siêu độ cho người đã khuất theo ánh sáng ấm áp mà xả bỏ oan khiên thù hận bước theo con đường giải thoát khổ đau. Hàng trăm chiếc đèn hoa đăng thắp nến sáng và thả xuống dòng sông, ngay lúc đó tạo nên một vẻ đẹp lung linh, huyền ảo.
 
 
 
Thế nhưng, đằng sau vẻ đẹp lung linh ấy là gì thì ít ai quan tâm đến… Đèn được thả trôi sông đa phần còn lại bã nến và xác đèn cháy dở, phần nến sẽ chìm xuống lòng sông, phần xác đèn theo gió trôi dạt tấp vào bờ gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước, hủy họai hệ sinh thái và mất mỹ quan đô thị.
 
Không những thế, thời gian gần đây người ta thường sử dụng túi nhựa tráng kẽm, túi nilon để sản xuất đèn hoa đăng. Những chất liệu nay khó phân hủy và được xếp vào danh mục chất thải nguy hại. Lượng rác thải từ việc thả đèn hoa đăng tồn đọng lại ở các con sông dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư, gia tăng gánh nặng bệnh tật…
 
Mùa lễ Vu Lan không nhất thiết phải thả đèn hoa đăng hay là đốt nhiều vàng mã. Có rất nhiều cách để con cháu tỏ lòng thánh kính biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
 
Trong ngày này, bạn có thể đi chùa để thắp hương và cầu phúc cho cha mẹ của mình. Với những ai không may cha mẹ đã qua đời thì cũng có thể lên chùa để cầu xin đức Phật giúp tìm đường chỉ lối cho cha mẹ được an nghỉ nơi suối vàng.
 
Vào ngày này, bạn nên làm một lễ cúng tạ ơn các thần linh và làm mâm cơm tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên để cầu nguyện cho các linh hồn sớm siêu thoát và cầu bình an cho gia đình.
Bạn hãy dành một ngày để ăn chay cầu xin cho cha mẹ được an lành. Ăn chay là một tập tục tín ngưỡng của Việt Nam, đưa con người về với chốn thanh tịnh, với bản ngã của mình. Ăn chay còn để thể hiện sự thành tâm, để bớt sát sinh, không những tốt cho sức khỏe mà bảo vệ cho môi trường sống của chúng ta.
 
Sáng ngày 25 tháng 8, ông Phạm Quang Hiển - Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, TP.Hải Phòng cho biết, ngay sau kết thúc Đại lễ Vu lan, số đèn hoa đăng đã thả được tổ chức thu gom luôn và ngay sáng hôm sau đã không còn gì trôi nổi trên mặt biển.
 
Theo ông Phạm Quang Hiển, tại Đại lễ sẽ có hơn ba vạn đèn hoa đăng bằng nhựa được thả xuống biển, nên chính quyền đã tính toán trước vấn đề và đưa nội dung thu gom rác thải vào danh mục tổ chức chương trình. Nhận thức được cần phải giảm thiểu xả thải rác nhựa ra môi trường, hơn nữa đây còn là hoạt động ý nghĩa, mang tính chất truyền đạt những răn dạy tốt đẹp nên càng phải chú trọng, không được để những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Chính vì thế, khi triển khai hoạt động, huyện đã phối hợp với Giáo hội Phật giáo để họp bàn kỹ lưỡng, chỉ đạo các lực lượng và Ban quản lý vịnh đã cùng người dân lập tức thu gom hoa đăng ngay sau khi kết thúc Đại lễ.
 
Có câu hỏi đặt ra về việc tại sao không thả tượng trưng để không phải tổ chức thu gom và thậm chí việc những đèn nhựa này thả ra biển với số lượng lớn mặc dù được thu về ngay nhưng cũng không thể tránh khỏi những hậu quả cho môi trường hoặc nếu thu gom không hết có thể gây tác hại lớn, ảnh hưởng cảnh quan. Ông Hiển phân tích, đây cũng là vấn đề tâm linh và ý nguyện, mong muốn của các sư thầy cùng người dân.
 
“Còn việc thu gom rác thải gần như triệt để vì huyện đã điều tàu đi vớt trên toàn khu vực”, ông Hiển nói.
 
Một lãnh đạo khác của huyện Cát Hải cũng chia sẻ những hình ảnh đang lan truyền trên mạng xã hội đều là hình ảnh cũ. Ngay sau lễ Vu lan huyện đã tổ chức thu gom hết số hoa đăng đã thả. Vị lãnh đạo này cũng cho rằng đèn được tập trung thả ở vùng nước trên nên sẽ không thể trôi được xa, vì vậy việc thu gom không quá khó khăn.

Trước đó vào tối 10/8, Đại lễ Vu lan báo hiếu và đêm hội hoa đăng Cát Bà 2019 do Ban Trị sự Hội Phật giáo huyện Cát Hải tổ chức đã diễn ra tại khu vực cầu Cảng thuộc đảo Cát Bà, huyện Cát Hải thành phố Hải Phòng. Hàng ngàn tăng ni, phật tử cùng người dân và rất nhiều du khách nước ngoài đã đến dự. Chương trình gây ấn tượng và truyền được nhiều thông điệp ý nghĩa với hơn 3 vạn đèn hoa đăng được thả xuống biển.
 
Mặc dù Đại lễ kết thúc đã nhiều ngày nay nhưng trên mạng xã hội Feacebook vẫn xuất hiện nhiều hình ảnh thể hiện đèn hoa đăng trôi nổi trên khắp mặt vịnh. Nhiều tấm ảnh chụp được còn cho thấy, thậm chí đèn hoa đăng còn trôi xung quanh các con thuyển nhỏ và khu vực cầu tàu do gió thổi đi xa.
 
Kèm theo nhưng hình ảnh này là rất nhiều ý kiến lo lắng về việc thả hoa đăng bằng nhựa với số lượng lớn như vậy sẽ không thể tránh khỏi gây nguy hại đến môi trường.

Cùng với đó, trong nhiều năm tại rất nhiều địa phương thì tình trạng xả rác thải ra môi trường sau dịp lễ Vu Lan vẫn còn xảy ra mà chưa có biện pháp xử lý. Cộng thêm hàng ngàn các nguyên nhân khác từ sự vô ý thức của con người đã và đang làm ô nhiễm môi trường sống và góp phần vào phá hủy hệ sinh thái trái đất.
Trang Trang (T/h)