Theo Đông y, các bệnh lý về phổi là do chính khí hư. Một số thảo dược có thể chế thành món ăn bổ dưỡng có lợi cho phổi, giúp phòng bệnh hô hấp hiệu quả.
Phổi bảo vệ cơ thể từ những độc hại bên ngoài, những thứ không tốt từ bên ngoài sẽ được đào thải thông qua phổi. Bởi vậy, ăn gì để bổ phổi, giúp phổi khỏe mạnh chống lại các tác nhân có hại cũng là thắc mắc của nhiều người. Dưới đây là một số món ăn bài thuốc bổ phổi, giúp phòng chữa bệnh hô hấp hiệu quả.
Chè bách hợp ngân nhĩ
Nguyên liệu: 100g hạt sen, 5 chỉ bách hợp, ngân nhĩ (nấm tuyết), đường phèn. Cách nấu rất đơn giản, đầu tiên rửa sạch nguyên liệu rồi ngâm cho nở ra, sau đó cho vào nồi, đun trong lượng nước vừa phải rồi cho đường phèn vào. Các nguyên liệu này đều có màu trắng, có công dụng bảo vệ phổi, phòng ngừa cảm mạo rất tốt. Khi nấu chè nên nấu lâu một chút để chất nhờn trong nấm tuyết hòa vào trong nước, như vậy thì mới có đủ tác dụng nhuận phổi.
Cháo bách hợp
Bách hợp tươi 30g, gạo tẻ 50g, đường phèn vừa đủ, nước 400ml cùng nấu cháo. Ngày 2 bát chia ăn 2 lần vào sáng và tối. Tác dụng bổ phế kiện tỳ, chỉ khái định suyễn. Thích hợp dùng trị các chứng viêm phế quản mạn, phế nhiệt hoặc phế táo gây ra ho khan, cùng với lao phổi, ho lâu không khỏi, chán ăn ngủ kém...
Cháo bách hợp, tang bạch bì
Bách hợp 3g, tang bạch bì 3g, khoản đông hoa 3g, hạt củ cải 2g, gạo 100g, nước 400ml, đường phèn vừa đủ nấu cháo. Ngày 2 bát chia ăn 2 lần vào sáng và tối. Tác dụng mát phổi giảm ho, trị viêm phổi trẻ em, ho có đờm, họng đau mũi khô.
Cháo bách hợp, hạt sen
Bách hợp, hạt sen, đường phèn mỗi thứ 30g, gạo tẻ 100g, nấu cháo. Tác dụng tư âm nhuận phế, dưỡng tâm an thần; tốt cho các trường hợp ho kéo dài, người mệt, ăn ngủ kém.
Bách hợp hấp bí ngô
Bí ngô 600g, bách hợp 100g, đường phèn vừa đủ. Gọt vỏ bí ngô thái lát theo chiều dọc, rửa sạch bách hợp xếp vào giữa bí ngô, cho đường phèn vào hấp lên.
Lê chưng đường phèn
Lê là loại thực phẩm trị ho rất tốt. Để làm lê chưng đường phèn, đầu tiên hãy lấy phần ruột lê ra, xay nhuyễn phần ruột, cho thêm đường phèn, xuyên bối mẫu, hạnh nhân nấu trong nồi khoảng 40–50 phút, đến khi đường phèn tan hết, lê đã chín thì có thể dùng. Bản thân đường phèn có tác dụng nhuận phổi tiêu đờm, thêm vào xuyên bối mẫu và hạnh nhân để tăng thêm hiệu quả. Ăn lê chưng đường phèn có thể hỗ trợ trị ho rất tốt bởi vì chỉ cần giải quyết được vấn đề về đờm thì ho sẽ tự khỏi.
Canh lê tổ yến
Nguyên liệu gồm: Tổ yến 3g, lê 1 quả, đường phèn 10g. Cách làm: Lê rửa sạch, bỏ hạt và cắt miếng; Tổ yến rửa sạch. Sau đó cho lê cắt miếng, tổ yến và đường phèn vào bát, đem hấp cách thủy đến khi chín là có món canh lê tổ yến thơm ngon, bổ dưỡng. Món canh lê tổ yến giúp dưỡng dương, nhuận táo, bổ khí huyết, bổ phổi, trị ho tiêu đờm. Thường xuyên ăn món canh lê tổ yến hỗ trợ rất tốt cho việc làm sạch phổi, hỗ trợ điều trị bệnh ho ít đờm, miệng khô, họng khô, mệt mỏi.
Ba ba hầm thục địa kỷ tử
Ba ba 1 con, kỷ tử 30g, thục địa 20g, có thể thêm nữ trinh tử 15g, thêm nước sạch vừa đủ; nấu chín nhừ, bỏ bã dược liệu, thêm gia vị. Dùng cho các trường hợp lao phổi, viêm khí phế quản mạn tính, suy nhược cơ thể, biếng ăn, thiếu máu,
xơ gan, viêm gan mạn, hồi hộp khó thở, tim đập mạnh
Canh củ cải trắng
Dùng củ cải trắng và hành tươi cắt thành lát mỏng, thêm một vài miếng lê. Đem các nguyên liệu trên đun với nước thành canh để uống. Thường xuyên uống canh củ cải trắng có tác dụng kiện tỳ, tiêu hóa thức ăn, làm ấm, bổ phổi, chống ho hóa đờm. Món ăn này đặc biệt tốt cho người bị
viêm phế quản.
Canh ngó sen cá chép
Nguyên liệu: Ngó sen 500g, cá chép 1 con khoảng 500g, gừng tươi 3 lát và thêm chút muối đủ ăn. Đem ngó sen rửa sạch, cắt khúc. Cá chép bỏ mang, vẩy và nội tạng, rửa sạch và cho vào chảo, thêm dầu ăn rán vàng đều 2 mặt. Tiếp đó cho các nguyên liệu gồm ngó sen, cá đã rán vàng và gừng vào nồi, thêm 2,5 lít nước, đun to lửa cho đến khi sôi thì đun nhỏ lửa, ninh khoảng 2 giờ đồng hồ, thêm muối vừa ăn là được. Canh ngó sen cá chép có tác dụng tẩm bổ khí huyết, bổ phổi, tẩm âm, bổ thận. Món canh này rất thích hợp cho người bị đái tháo đường, cơ thể suy nhược. Tuy nhiên, những người bị cảm mạo nên tránh món canh ngó sen cá chép.
Canh vịt
Nguyên liệu: Vịt trắng 1 con (khoảng 1.500g), ý dĩ tươi 50g, hạnh nhân 30g, đào nhân 30g, muối, hành, gừng, rượu trắng. Chế biến: Vịt làm sạch, bỏ phủ tạng; các vị khác giã nhỏ để riêng từng thứ nhồi vào bụng vịt, đặt vào nồi, cho rượu, gừng, hành, nước vừa đủ, đun to lửa cho sôi rồi nhỏ lửa hầm tới chín nhừ cho muối gia vị là được. Ăn kèm trong bữa ăn. Món ăn là bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh viêm phổi này có tác dụng thanh nhiệt trừ ho, trị viêm phổi.
Canh bí đỏ thịt ếch
Món canh bí ngô thịt ếch là sự kết hợp "ăn ý" giữa hai nguyên liệu cực bổ dưỡng cho cơ thể nói chung và lá phổi nói riêng. Món ăn có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu đờm, trị
viêm phổi và giãn phế quản gây đau trong ngực. Ếch mua về lột da, loại bỏ ruột, rửa sạch rồi xắt miếng vừa ăn. Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch, xắt miếng mỏng. Phi thơm hành tỏi rồi cho ếch vào, xào nhanh khoảng 1-2 phút cùng một ít gia vị. Sau đó, trút thịt ếch ra đĩa. Dùng ngay xoang xào thịt ếch, thêm bí đỏ và khoảng 700ml nước. Khi nước sôi, vớt sạch bọt, tiếp tục nấu đến khi bí đỏ mềm nhừ thì thêm ếch đã xào vào. Khuấy đều, nếu đến khi canh sôi thì nêm nếm gia vị vừa ăn. Múc canh bí đỏ thịt ếch ra tô, rắc hành lá, ngò rí và một ít tiêu xay để món ăn dậy hương thơm. Thưởng thức món canh ngay khi còn nóng cùng cơm trắng. Nên bổ sung món canh bí đỏ thịt ếch vào bữa ăn hàng ngày để tăng cường sức đề kháng, giúp lá phổi luôn khỏe mạnh.
Nguyễn Dung (t/h)