Ăn rượu nếp trong Tết Đoan Ngọ, vừa `diệt sâu bọ` vừa ngừa ung thư

Theo truyền thống từ xa xưa, rượu nếp là món không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ. Theo quan niệm, ăn rượu nếp có thể giúp "diệt sâu bọ" nhưng ít ai biết rượu nếp còn có thể ngừa ung thư nữa.
Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết Đoan Dương diễn ra vào ngày 5/5 Âm lịch. Đây là thời điểm khí dương thịnh nhất trong năm, có thời gian mặt trời chiếu sáng dài nhất.
 
Theo quan niệm của người xưa, vào Tết Đoan Ngọ người dân phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt các loài gây hại để mùa màng bội thu. Ngoài ra khi mới ngủ dậy sẽ ăn mận, vải, dứa, bánh gio, rượu nếp để giết sâu bọ, giun sán trong cơ thể.

Vậy tại sao lại ăn rượu nếp trong Tết Đoan Ngọ

 
Theo quan niệm dân gian, cơm rượu nếp có thể giúp "diệt sâu bọ" trong cơ thể. - Ảnh minh họa.

Trong hệ tiêu hóa có nhiều loại sâu bọ trú ngụ, theo quan niệm xưa. Vậy nên cần phải triệt bớt đi, nhất là vào dịp mùng 5/5 Âm Lịch.

Cơm rượu nếp có đủ vị cay, nóng, ngọt, chua đắng sẽ giúp "diệt sâu bọ" là những loại giun sán trong cơ thể. Người xưa còn cho rằng, ăn rượu nếp, nhất là khi bụng đoi đói sẽ làm cho các chú sâu trong bụng dễ say rồi chết. 

Lợi ích của việc ăn rượu nếp

Ăn cơm rượu nếp rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là có thể phòng ngừa ung thư. - Ảnh minh họa

Lớp cám của vỏ gạo nếp rất giàu chất dinh dưỡng, bao gồm cả gluxit, protit, lipit, các muối khoáng. Trong đó, vitamin nhóm B và chất xơ là có nhiều hơn hết. Do đó, khi ăn cả nước lẫn cái của cơm rượu nếp không những có tác dụng bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng mà còn có thể ngăn ngừa các bệnh tim mạch, đột quỵ và cao huyết áp.
 
Theo BS CK II Dương Thị Kim Loan, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế BV Thống Nhất (TP.HCM), cơm rượu nếp là loại thực phẩm được làm từ nếp trộn với men rượu, trong thành phần ngoài rượu, nếp còn chứa nhiều đường glucose, hàm lượng rượu tùy theo thời gian ủ. Đây là thực phẩm giàu tinh bột, giàu vitamin nhóm B, B1 và chứa nhiều có năng lượng. Đặc biệt cơm rượu được làm từ nếp than có màu đen còn chứa chất chống oxy hóa anthrocyamin có tác dụng phòng chống bệnh lý ung thư.

Có những loại rượu nếp nào?

 
Cơm rượu nếp ở ba miền có sự khác biệt. - Ảnh minh họa

Cơm rượu nếp miền bắc được nấu bằng gạo nếp với men rượu, ủ khoảng 2-3 ngày cho ngấm.
Cơm gạo nếp miền Trung là những viên nếp được vo nguyên miếng, thơm ngọt. Cơm gạo nếp miền Nam không để rời mà viên thành viên tròn trước khi ủ.

Ăn cơm rượu nếp có dễ say như uống rượu không?

 
Vì chứa lượng cồn rất thấp nên ăn rượu nếp không say như uống rượu. - Ảnh minh họa

Rượu nếp được lên men hoàn toàn từ gạo nếp trong khoảng 3 ngày. Gạo nếp dùng làm rượu là nếp cẩm, nếp cái hoa vàng còn nguyên vỏ lụa và lớp cám nên giàu dinh dưỡng, đặc biệt là protein, lipid, các nguyên tố vi lượng và vitamin (nhất là vitamin B1).

Men dùng làm rượu nếp làm từ nhiều loại thảo dược có đặc tính cay nóng. Men rượu là hỗn hợp các vi sinh vật có khả năng thủy phân tinh bột thành đường và lên men dịch đường thành rượu.
Cơm rượu nếp chứa lượng cồn rất thấp, khó gây cảm giác say xỉn như các loại rượu bia.

Lưu ý khi ăn rượu nếp

 
Tuy có nhiều lợi ích là thế nhưng không phải ai cũng có thể ăn rượu nếp. - Ảnh minh họa

- Cơm rượu chứa một hàm lượng etanol, không phù hợp với trẻ nhỏ.

- Thực phẩm chứa lượng đường hấp thu nhanh không phù hợp với những người có bệnh lý đái tháo đường.
 
- Những người có bệnh lý viêm dạ dày, viêm gan, những người đang nổi mụn, dị ứng, chàm cũng hạn chế thực phẩm lên men tránh tình trạng nặng hơn.

- Chỉ nên ăn 1-2 viên, cơm rượu được sử dụng phải là loại được lên men trong vòng 3-4 ngày, tránh để lâu, lên men quá mức vì ngoài men rượu còn có men tạp.

- Trong cơm rượu còn có chất chua, lên men lastic tạo ra ra axit làm rối loạn tiêu hóa nếu ăn quá nhiều.

- Nên ăn sau bữa ăn như một món tráng miệng, tránh ăn lúc đói vì không tốt cho dạ dày.

- Nên ăn cơm rượu nhà làm hoặc chỉ mua ở những cơ sở uy tín, có chất lượng.

Thanh (t/h)