Sắp xuất hiện áp thấp nhiệt đới
Tại TP.HCM và các tỉnh thành Nam bộ, trong 3 ngày qua, mưa xuất hiện từ sáng sớm kéo dài đến chiều tối, xen kẽ là những đợt mưa vừa và mưa to ảnh hưởng đến sinh hoạt thường nhật của người dân.
Chị Nguyễn Thùy Dương (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) mệt mỏi vì những ngày qua việc sử dụng các dịch vụ gọi xe Công nghệ, gọi thức ăn qua ứng dụng rất khó khăn khi phải mất nhiều thời gian hơn và phí dịch vụ tăng 20 - 40% so với bình thường. Bên cạnh đó, những rủi ro về tai nạn vẫn là mối đe dọa mỗi khi phải ra đường. Mới nhất, ngày 20.9, trong cơn mưa kèm gió lớn, một cây me trên đường Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) bị bật gốc đè lên nhiều xe máy đậu trên vỉa hè. "Cây ngã đổ vẫn là nỗi ám ảnh với người dân thành phố trong những ngày mưa giông như hiện nay", chị Dương lo lắng.
Mưa lớn ở khu vực Tây nguyên và Nam bộ cũng khiến mực nước trên sông Đồng Nai duy trì mức báo động 2; cảnh báo nguy cơ gây ngập lụt, sạt lở bờ sông, suối ở các vùng trũng thấp của các huyện Định Quán và Tân Phú (Đồng Nai) cũng như các địa phương lân cận.
Cụ thể, ngày 22.9, cục bộ có nơi mưa to đến rất to, lượng mưa có nơi trên 100 mm ghi nhận tại một số địa phương như: Lũng Vân (Hòa Bình) 129,4 mm, Hải Triều (Hưng Yên) 123 mm, Mỹ Đức (Hà Nội) 102,6 mm, Bát Mọt (Thanh Hóa) 153,6 mm…, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sụt lún.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nguyên nhân xảy ra mưa vừa, mưa to trên diện rộng là do dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 17 - 20 độ vĩ bắc nối với vùng áp thấp có vị trí ở vào khoảng 19,5 - 20,5 độ vĩ bắc và 110,5 - 111,5 độ kinh đông. Hình thái thời tiết này gây thời tiết xấu ở các tỉnh Trung bộ, đặc biệt từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40 - 90 mm, có nơi trên 150 mm; riêng Thừa Thiên-Huế 30 - 60 mm, cục bộ có nơi trên 120 mm. Ngoài ra, vùng biển vịnh Bắc bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8 biển động; sóng biển cao từ 2 - 3 m. Vùng biển phía nam của khu vực bắc Biển Đông bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió tây nam mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8; biển động sóng biển cao 2 - 4 m.
Cũng theo cơ quan này, từ ngày 17 - 20.9 do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới và hoàn lưu cơn bão số 4, khu vực Bắc bộ và Trung bộ có mưa diện rộng, đặc biệt khu vực phía nam của đồng bằng Bắc bộ phía bắc và trung Trung bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 150 - 300 mm, khu vực trung Trung bộ phổ biến từ 300 - 400 mm, có nơi cao hơn. Tại khu vực Tây nguyên và Nam bộ, xuất hiện nhiều ngày có mưa rào và giông rải rác, đặc biệt xảy ra mưa vừa, mưa to.
Đáng chú ý, từ nay đến ngày 20.10, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện 2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, trong đó có 1 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Ảnh hưởng của bão và không khí lạnh khiến cả nước có mưa vừa, mưa to xuất hiện trên diện rộng, đặc biệt khu vực Trung bộ có khả năng xuất hiện mưa lớn diện rộng.
Nguy cơ bão mạnh trên Biển Đông, ĐBSCL lũ lên nhanh
Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, cho biết: Vùng áp thấp này có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong một vài ngày tới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của không khí lạnh ở phía bắc tràn xuống làm cho nhiệt độ mặt nước biển và không khí giảm nên vùng áp thấp không có khả năng mạnh lên thành bão. Dù vậy, ảnh hưởng của dải hội tụ và vùng áp thấp có khả năng mạnh lên sẽ gây mưa tầm tã trên khắp cả nước. Đặc biệt ở các tỉnh miền Bắc và Trung, ảnh hưởng của không khí lạnh có thể xuất hiện mưa to; các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Bình có khả năng xuất hiện mưa to diện rộng, cục bộ có mưa rất to. Đợt mưa này có khả năng kéo dài đến ngày 26 - 27.9.
"Đáng chú ý, theo các trung tâm dự báo trên thế giới, từ đầu tháng 10 trên Biển Đông có khả năng đón một cơn bão rất mạnh gây mưa to, lũ lớn cho các tỉnh miền Trung. Bà con ngư dân, tàu thuyền hoạt động trên biển và người dân miền Trung cần tiếp tục theo dõi tiếp các bản tin thời tiết và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó các tình huống thời tiết xấu, diễn biến bất ngờ", Th.S Lan khuyến cáo.
Theo MDM (dự án giám sát hoạt động của các đập thủy điện sông Mê Kông), bão số 3 (Yagi) đã gây ra trận lũ lụt có quy mô và cường độ lớn nhất từng được ghi nhận trong 30 năm qua ở lưu vực sông Mê Kông tại Thái Lan, Myanmar và Lào. Còn Viện Quy hoạch thủy lợi Nam bộ thông tin: Tính đến ngày 19.9, mực nước tại trạm Kratie là 20,65 m, cao hơn đến 1,73 m so với trung bình nhiều năm cùng kỳ và cao hơn năm 2023 là 0,63 m. Tại vùng đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước có xu thế tăng nhưng còn chậm. Tại trạm Tân Châu trên sông Tiền vào ngày 18.9 đạt 2,81 m, vẫn còn thấp hơn trung bình nhiều năm 0,61 m nhưng cao hơn năm 2023 là 0,16 m. Còn tại Châu Đốc trên sông Hậu là 2,66 m vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm 0,35 m nhưng cao hơn năm 2023 là 0,23 m.
Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái học ĐBSCL, cho biết: Đặc biệt ở trạm Nong Khai (đông bắc Thái Lan) mực nước hôm 15.9 đã vượt hơn trung bình nhiều năm đến 4,5 m. Mực nước tại đây vào ngày 18.9 đã giảm còn trên trung bình nhiều năm chỉ khoảng 2,7 m, chứng tỏ khối nước đã bắt đầu di chuyển về hạ lưu. Mất khoảng 2 tuần và tới khoảng đầu tháng 10, khối nước này về đến ĐBSCL; thời điểm này trùng với đợt triều cường đầu tháng 9 âm lịch. Khi nước sông Mê Kông từ trên đổ về gặp nước thủy triều từ hướng biển lên sẽ gặp nhau ở vùng giữa ĐBSCL và gây ngập cho dãy đô thị phía đông quốc lộ 1A như Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Ngã Bảy.