Bà bầu ăn rau muống tốt không?
Rau muống được biết đến là loại rau dân dã và vô cùng đặc trưng ở hầu hết các miền quê Việt Nam. Đây là loại rau có giá thành rẻ, lại dễ ăn, dễ chế biến. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, 100g rau muống chứa khoảng 90% nước, 3g chất xơ, 3g protein cùng lượng vitamin E, C, chất béo và các khoáng chất dồi dào (sắt, kẽm, magie...)
Trong Đông y, rau muống có tính mát, vị ngọt nhạt, nên có tác dụng thông đại tiểu tiện, giải độc, chữa đái rắt và táo bón. Ngoài ra, tiêu thụ loại rau này thường xuyên còn tốt cho người loãng xương, người mắc bệnh thiếu máu, bệnh nhân huyết áp thấp và phụ nữ mang thai.

Do đó, một số ý kiến cho rằng bà bầu ăn rau muống có thể khiến cơ thể mệt mỏi, suy giãn tĩnh mạch chính là sai lầm. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, nếu ăn uống điều độ thì rau muống có thể mang lại nhiều lợi ích cho bà bầu.
Rau muống tốt cho bà bầu như thế nào?
Ngăn ngừa thiếu máu: Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, rau muống là một nguồn cung cấp canxi, vitamin B và C, sắt, amino axit... dồi dào. Hàm lượng sắt trong rau muống giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu máu do thiếu sắt ở bà bầu.
Điều trị táo bón: Rau muống chứa nhiều chất xơ, nếu tiêu thụ thường xuyên có thể kích thích tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón ở mẹ bầu.
Phòng ngừa tiểu đường thai kỳ: Rất nhiều bà bầu có nguy cơ mắc tiểu đường. Do đó, hãy bổ sung rau muống vào chế độ ăn hàng ngày để cải thiện tình hình. Nguyên nhân bởi trong rau muống có chứa chất tương tự như là insulin, rất hiệu quả để điều trị tiểu đường thai kỳ.

Bổ sung vitamin: Như đã nói ở trên, rau muống có chứa các loại vitamin B, C, sắt, canxi và amino axit… giúp bổ sung nguồn dinh dưỡng cho bà bầu. Khi luộc rau, bà bầu có thể cho thêm một chút muối, luộc trong thời gian ngắn rồi vớt ra là có thể giữ được trọn vẹn chất dinh dưỡng.
Lưu ý khi ăn rau muống dành cho bà bầu:
Do sinh trưởng ở môi trường ao hồ, rau muống rất hay bị nhiễm các loại ký sinh trùng. Bà bầu nên hạn chế tiêu thụ rau muống tươi sống chưa qua chế chiến vì nó có thể dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh đường ruột như nhiễm sán lá gan, ký sinh trùng Fasciolopsis buski gây khó tiêu, đầy bụng, dị ứng. Trước khi ăn rau muống cần phải rửa sạch, ngâm muối cẩn thận, nấu chín kỹ.
Bà bầu bị gout, đau nhức, viêm khớp, viêm đường tiết niệu, huyết áp cao nên tránh ăn rau muống để không ảnh hưởng đến thai nhi.
Không ăn quá nhiều rau muống một lần, chọn nguồn rau an toàn.
Thùy Nguyễn (t/h)