Cá ngựa từ lâu đã được biết đến là vị thuốc quý cho cánh mày râu trong việc tăng cường chức năng tình dục. Tuy nhiên sự thực thì nó còn là "xuân dược" cải thiện đời sống phòng the cho phái nữ.
Viagra không chỉ của nam giới
Cá ngựa (hải mã) là tên gọi chung của một chi động vật sống ở đại dương các vùng biển nhiệt đới. Các công dụng chữa bệnh của loài vật này được liệt kê rất đa dạng nhưng nổi bật nhất là điều trị tình trạng suy giảm khả năng tình dục. Về công dụng này thì từ lâu đã lưu truyền trong dân gian và vẫn được áp dụng đến bây giờ. Theo Đông y, hải mã có vị ngọt, mặn, mùi tanh (nếu không sao tẩm), tính ấm, không độc có tác dụng làm ấm thận, tráng dương, gây hưng phấn, kích thích sinh dục.
Vài năm trở lại đây, các nhà khoa học Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu thành phần phân tử các hợp chất trong cá ngựa ở cấp độ gène và protein. Một điều đáng nói nữa là cá ngựa có chứa một enzym sinh tổng hợp chất prostaglandin, một chất đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa thần kinh, hormon và hệ miễn dịch. Chất prostaglandin và tiền chất của nó có khả năng kích thích sự tiết ra hormon oxytocin hay còn gọi là “hormone tình yêu” - nội tiết tố có liên quan đến hoạt động tình dục ở cả nam giới và nữ giới. Đặc biệt ở phái đẹp, tác dụng của chất này còn được nhân lên gấp nhiều lần do có sự hỗ trợ của hormon estrogen. Như vậy, có thể thấy rằng tác dụng của cá ngựa đối với chị em có phần nhiều hơn đối với phái mày râu – điều mà trước đây nhiều người ít ngờ tới.
Cá ngựa được mệnh danh là “viagra động vật” cho cả hai giới. Ảnh minh họa.
Các bài thuốc hữu dụng từ cá ngựa
Ở Việt Nam, loài động vật biển này thường gặp ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và dọc bờ biển các tỉnh phía nam từ Quảng Nam – Đà Nẵng đến Kiên Giang; nhiều nhất là ở vịnh Hạ Long, Bình Thuận, Khánh Hòa. Có hai cách sử dụng cá ngựa truyền thống là dùng dạng bột hoặc ngâm rượu. Tuy nhiên, trước hết là phải chế biến để đảm bảo an toàn và vệ sinh.
Để sử dụng bột cá ngựa, người ta đem cá ngựa khô bẻ thành miếng nhỏ, sao vàng tới thơm sau đó tán bột mịn dùng trong thời gian nhất định. Ngày 3 lần, mỗi lần 1-3 g; dùng 2-3 tuần liền, trước bữa ăn. Tuy nhiên, cách này không được ưa chuộng nhiều bằng cách ngâm rượu bởi khi ngâm rượu cùng một số vị thuốc khác, cá ngựa sẽ cho tác dụng gấp nhiều lần. Trong dân gian, người ta hay ngâm rượu cá ngựa với chim bìm bịp, tắc kè và một số dược liệu nguồn gốc thực vật như các loại sâm rừng, nhất là củ sâm cau (một dược liệu có tác dụng kích thích sinh lý mạnh).
Trao đổi về tác dụng của cá ngựa, Thạc sĩ - lương y đa khoa Vũ Quốc Trung, phòng chẩn trị Y học cổ truyền chùa Cảm Ứng, Hà Nội (Hội Đông y Hà Nội) gợi ý một số bài thuốc tốt cho “chuyện ấy” như sau: Đối với nam giới mắc chứng liệt dương, phụ nữ chậm có con do dương khí suy thì sử dụng 30g cá ngựa 30g, 30g nhân sâm, 20g cốt toái bổ, 20g long nhãn; tất cả cắt nhỏ, ngâm với 1 lít rượu trong 7 - 10 ngày, càng lâu càng tốt; ngày uống 20 - 40ml, có thể pha thêm mật ong.
Đối với các trường hợp liệt dương, di tinh, tảo tiết, bạch đới khí hư (huyết trắng) thì sử dụng 2 con cá ngựa, 1 con gà sống non, nấm hương ngâm nước cho nở; gà luộc, rút bỏ xương, đặt cá ngựa, nấm hương, hành hoa hoặc hành củ thái lát, gừng tươi thái lát lên trên và xung quanh, thêm muối, rượu, gia vị hầm nhừ trong khoảng 30 phút, gắp bỏ hành, gừng, thêm tiêu, ớt, gia vị. Nếu ngâm thì dùng một đôi cá ngựa, 6g đại hồi, 10g dâm dương hoắc, 12g kỷ tử, 20g dương quy và 1 lít rượu trắng; ngâm trong 1 tháng là dùng được. Mỗi ngày uống 30ml, dùng cho trường hợp di tinh, liệt dương, yếu sinh lý.
Dung Hà