Sang nhà hàng xóm chơi đùa, bé gái 2 tuổi bị chó cắn rách vùng đầu mặt, lộ sọ

Bé gái 2 tuổi ở Thanh Hóa sang nhà hàng xóm chơi đùa bất ngờ bị con chó cắn rách vùng da đầu và mặt. May mắn bé được các bác sĩ xử lý vết thương kịp thời.
Ngày 22/9, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho hay vừa xử lý một ca chấn thương cho bé gái 2 tuổi bị chó cắn. Đó là bé gái Ng.Kh.Th., 24 tháng tuổi, ở xã Đông Quang, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa). 
 
Theo thông tin từ gia đình, ngày 17/9 bé sang nhà hàng xóm chơi đùa, không may bị chó cắn với nhiều vết thương nặng ở vùng mặt. Ngay sau đó, bé được người thân và gia đình đưa nhập viện vào Khoa Răng Hàm Mặt – Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cấp cứu trong tình trạng vùng da đỉnh đầu rách, bong lóc lộ sọ. Bé có 3 vết cắn kích thước 3x8cm, rách da, mất tổ chức vùng má thái dương phải kích thước 2x9cm, lộ mạch máu, chảy máu đẫm gạc, rách da vùng cổ kích thước 2x2cm.
 
Vết thương của bé trước và sau mổ

Các bác sĩ tiến hành hội chẩn gấp, mổ cấp cứu với chẩn đoán đa vết thương hàm mặt do chó cắn. Sau 2 giờ đồng hồ phẫu thuật, bé gái nhanh chóng ổn định. Sau hơn 5 ngày điều trị, hiện tại bé đã tỉnh, vết mổ đã khô, ăn uống được, chơi ngoan, chuẩn bị xuất viện.

Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Thanh Hóa trung bình mỗi năm Khoa Răng Hàm Mặt tiếp nhận điều trị 20-30 ca bị chó cắn vùng đầu mặt.

Thực tế rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ 1-3 tuổi bị chó cắn dẫn tới chấn thương nặng. Bởi trẻ trong độ tuổi này còn nhỏ, thậm chí nhỏ bé hơn cả con chó, không có đủ khả năng phòng vệ khi bị chó tấn công. Do đó, bác sĩ cảnh báo các gia đình không cho trẻ lại gần chó, kể cả là chó nhà hay chó hàng xóm.

Tuyệt đói không trêu chọc chó khi chó đang ăn, đang ngủ và khi trẻ đang ăn. Tiêm phòng dại cho chó thường xuyên. Khi bị chó cắn cần đến ngay các Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Vì bệnh dại có thời gian ủ bệnh lâu nên tránh chủ quan bệnh có thể phát tác dù đã bị cắn từ rất lâu.
 
4 bước sơ cứu vết thương bị chó cắn
 
1. Làm sạch
 
Rửa vết thương dưới vòi nước chảy, loại bỏ tất cả mầm bệnh. Dùng bông, nước, xà phòng diệt khuẩn rửa nhẹ nhàng vết thương.
 
2. Thuốc sát trùng
 
Các loại thuốc sát trùng như cồn, nước ô xi già sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn có hại ở mức độ nhất định. Các loại thuốc này sẽ gây xót nên chỉ cần đổ một lượng nhỏ, thổi nhẹ vào vết thương.
 
3. Nâng cao vùng bị thương
 
Chó cắn thường gây chảy máu rất nhiều, vì vậy nếu bị cắn ở chân hay tay, bạn cần cố gắng giơ cao vùng bị thương lên. Cách này sẽ giúp hạn chế máu chảy.
 
4. Cầm máu
 
Nên rửa vết thương chứ không phải cầm máu ngay. Chỉ cầm sau 15 phút nếu máu vẫn tiếp tục chảy. Đặt lên vết thương 3 miếng gạc y tế và chờ trong vòng 7 phút. Nếu máu tiếp tục chảy thì đặt tiếp thêm vài miếng gạc lên trên. Chờ cho đến khi máu ngừng chảy thì băng vết thương lại.
Nếu vết thương sâu và chảy nhiều máu, máu phun thành tia thì phải dùng dây thun sạch cố định băng lại.

 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/09/14/tu-vong-sau-3-thang-bi-cho-can_14092019220439.mp4[/presscloud]
Tử vong sau 3 tháng bị chó cắn. Video: VTC14
 
 
Theo Hà Ly/SKCĐ