Khi bệnh khớp “bắt tay” với thời tiết
Theo y học hiện đại,
bệnh khớp thường trở nên nghiêm trọng hơn khi thời tiết chuyển mùa là do áp suất khí quyển thấp. Trong điều kiện bình thường, các thành phần của xương khớp luôn duy trì trạng thái cân bằng với môi trường xung quanh. Khi thời tiết thay đổi, áp suất khí quyển giảm, các mô nở ra tạo áp lực lên các khớp. Khi áp suất khí quyển hoặc nhiệt độ tăng hoặc giảm, chất lượng dịch khớp cũng thay đổi, phản ứng của các mô xung quanh khớp với nhiều quá trình lý hóa phức tạp, làm gia tăng tình trạng viêm, biểu hiện bởi hiện tượng sưng, đau tại khớp. Không những thế, tiết trời thay đổi còn làm sức đề kháng của cơ thể giảm, khiến bệnh nhân càng khó chịu đựng tình trạng đau khớp. Bệnh gây cản trở khả năng đi lại và làm xuất hiện những cơn đau đớn dai dẳng tại các khớp xương.

Triệu chứng đau khớp có biểu hiện rất đa dạng. Có trường hợp “cứ thay đổi thời tiết là khớp đầu gối, cổ tay và ngón tay bị sưng vù, đỏ ửng, tê cứng và đau buốt không thể làm gì được”, người khác lại “đầu gối nhức nhối, có cảm giác như kiến bò và phát ra tiếng lục cục” mỗi khi trở trời. Tình trạng cứng khớp cũng liên tục được đề cập đến, “mỗi sáng ngủ dậy, có cảm giác như chân của mình bị cứng lại, co duỗi rất khó khăn, cứ phải xoa bóp một lát mới đi lại bình thường được”. Đặc biệt đối với những bệnh nhân khớp mạn tính, lớp sụn khớp bị bào mòn trơ ra đầu xương lồi lõm, các dây thần kinh cũng nhạy cảm hơn nên sẽ cảm nhận các cơn đau nhức, cứng khớp rõ hơn.
Với những người bị
thoái hóa khớp, các cơn đau khớp khi thời tiết thay đổi thường biểu hiện rõ rệt ở hông, đầu gối, khuỷu tay, vai, cổ... Đây là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh về khớp mà nguyên nhân chủ yếu là do lớp sụn khớp bị tổn thương, bào mòn dần. Sụn khớp bị hủy hoại thường là khởi đầu của quá trình thoái hóa tại khớp. Đây cũng là nguyên nhân gây đau đớn của bệnh nhân khớp. Khi phần sụn bao bọc các đầu xương bị hủy hoại, chức năng bảo vệ khớp cũng dần mất đi và làm lộ ra phần đầu xương dưới sụn. Lúc vận động, hai đầu xương cọ vào nhau, người bệnh sẽ có cảm giác lạo xạo và đau đớn. Do đó, việc bảo vệ để có sụn khớp nói riêng và toàn bộ khớp nói chung được khỏe mạnh là rất cần thiết nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của thời tiết, đặc biệt với người mắc bệnh thoái hóa khớp.
Mẹo phòng tránh bệnh khớp khi trời lạnh
Hệ xương, khớp đóng một vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của con người. Nếu bạn muốn khớp xương khỏe mạnh và ít bị đau nhức, bạn cần thường xuyên vận động, đặc biệt là trong thời điểm giao mùa. Những bài tập đơn giản tại chỗ bạn có thể thực hiện như xoay khớp cổ tay, cổ chân, mắt cá chân, vai, vặn người… để giúp các khớp xương dẻo dai. Ngoài luyện tập xương, bạn cũng nên thực hiện những bài tập hỗ trợ phát triển cơ bắp như nâng tạ, gập bụng… Việc rèn luyện cơ bắp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các khớp xương được rèn luyện một cách tốt hơn và thường xuyên hơn. Tuy nhiên, tùy theo lứa tuổi mà bạn có những bài tập và hình thức tập phù hợp.
Rèn luyện xương khớp

Nhiều người khi bị đau nhức xương khớp thường sợ đau nên không dám cử động khiến các khớp càng trở nên tê cứng. Tuy nhiên, thực chất, khi bị khớp, mọi người càng nên vận động thường xuyên nhưng nhẹ nhàng để giúp khí huyết lưu thông, mô sụn có điều kiện hấp thu dưỡng chất và tăng tiết dịch, bôi trơn các khớp. Tập luyện hợp lý để cải thiện chức năng của khớp, hoặc có thể masage, dùng phương pháp trị liệu. Thay vì ngồi một chỗ, mỗi ngày bạn chỉ cần dành khoảng 30 phút – 1 tiếng để thực hiện những bài tập thể dục đơn giản như: Bơi lội, đạp xe, đá bóng, cầu lông, võ thuật, tập thái cực quyền, khí công dưỡng sinh,
Yoga…theo nguyên tắc nhẹ nhàng, mang tính cá thể và khi thực hành xong cảm thấy các khớp dễ chịu, giảm đau, vận động được cải thiện. Điều này rất hữu ích không chỉ cho hệ xương khớp mà còn tăng cường
sức khỏe, mang lại sự sảng khoái về tinh thần và làm việc có hiệu quả hơn.
Áp dụng phương pháp trị liệu
Khi thời tiết thay đổi, người hay đau nhức cũng có thể sử dụng biện pháp xông hơi tại nhà bằng các loại lá cây có tinh dầu. Khi xông xong phải lau khô, kín gió để tránh bị đau nhức nhiều hơn. Sau khi xông, người bệnh không được tắm nước lạnh, mà phải uống một tách trà chanh nóng hoặc trà gừng có ít đường. 2 giờ sau khi xông hơi mới nên tắm lại bằng nước lạnh.
Dùng ngải cứu trắng
Sử dụng lá ngải cứu trắng rửa sạch, cho lẫn muối vào rồi đổ nước nóng lên, hoặc lấy lá ngải cứu sao chung với muối rồi bọc tất cả vào khăn mỏng, sau đó chườm vào vùng khớp bị sưng đau sẽ giúp giảm đau, bớt sưng khớp. Khi ngải cứu nguội có thể sao lại và chườm như thế vài lần. Lưu ý: Không nên chườm quá nóng có thể gây bỏng, đặc biệt thận trọng khi sử dụng cho những người có bệnh lý làm giảm cảm giác ngoài da như bệnh nhân tiểu đường…
Trị đau nhức xương khớp từ lá lốt
Với bài thuốc này chúng ta cần chuẩn bị 5-10 g lá lốt phơi khô hoặc một nắm lá lốt tươi, có thể dùng cả thân và rễ cây lá lốt, sắc 2 bát nước, còn nửa bát, uống trong ngày. Uống khi thuốc còn ấm. Có thể kết hợp lá lốt với rễ cây bưởi, vòi voi, cỏ xước, xấu hổ, tất cả thái mỏng, sao vàng, sắc với ba bát nước, còn một bát, chia 3 lần uống trong ngày.
Dùng mật ong và bột quế
Bạn có thể uống một cốc nước nóng với hai thìa mật ong và một muỗng nhỏ bột quế, hai lần mỗi ngày. Lưu ý: Bài thuốc này có tính nóng, không nên sử dụng cho bệnh nhân có thể trạng nhiệt, bệnh nhân có tiền sử bệnh lý dạ dày.
Xoa bóp bấm huyệt
Ngoài cách dùng bài thuốc trị bệnh đau nhức xương khớp, người bệnh cũng có thể áp dụng một số phương pháp khác không cần thuốc, ví dụ như xoa bóp. Việc xoa bóp ngoài giúp làm giảm co cứng cơ, giảm đau xương khớp, giảm co cứng khớp. Để hiệu quả hơn, người bệnh có thể dùng rượu thuốc để xoa bóp. Lưu ý: Khi áp dụng phương pháp này chỉ nên xoa bóp vừa phải ở khu vực đau nhưng không có vết thương hở, tránh
xoa bóp bấm huyệt trực tiếp lên vùng khớp đang có dấu hiệu viêm như sưng, nóng…

Tắm nước nóng
Tắm nước nóng là một cách giảm đau nhức xương khớp khi trời lạnh rất hiệu quả. Việc tắm nước nóng còn có thể giúp tăng khả năng tuần hoàn ngoại vi, giúp thư giãn cơ, giảm cơn co cứng cơ và thực hiện luyện tập một số cử động của khớp trong nước… Đối với người bệnh bị viêm nhiều khớp thì nên tắm nước nóng toàn thân. Bên cạnh đó, nếu đau khớp cục bộ ở tay, chân, người bệnh có thể tắm nóng từng phần.
Bổ sung dưỡng chất nuôi sụn khớp
Sụn chứa 75% là nước, đóng vai trò như lớp đệm bảo vệ, giúp giảm chấn động và tránh sự cọ xát giữa hai đầu xương khi khớp cử động. Theo thời gian, phần sụn bao bọc các đầu xương sẽ dần bị lão hóa nên không còn trơn tru, mất khả năng đàn hồi và bị mòn đi. Phần đầu xương không còn được bao bọc và bảo vệ tốt nên khi vận động sẽ cọ xát, thậm chí bào mòn lẫn nhau khiến người bệnh đau nhức. Để xương khớp hoạt động trơn tru và không gây đau nhức khi thay đổi thời tiết, người bệnh cần bổ sung dưỡng chất cần thiết để bảo vệ sụn. Trong đó, trà được xem là thức uống lý tưởng nhờ chứa chất kháng viêm. Đồng thời nước cũng có tác dụng trong việc tái tạo lớp sụn giữa các khớp xương. Bệnh nhân nên bổ sung các loại
thực phẩm giàu canxi, Vitamin C, omega 3 như: rau quả, trái cây, trứng, hải sản, cá ngừ, cá thu… và hạn chế thực phẩm chứa nhiều muối, dầu mỡ, đồ ngọt, chất kích thích.
Phòng bệnh vẫn là tốt nhất
Khi thời tiết chuyển lạnh, để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh, nhất là ở những người cao tuổi, người có tiền sử mắc bệnh xương khớp thì việc phòng tránh từ sớm là rất cần thiết. Các chuyên gia khuyến khích bạn duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất, tham gia tập thể thao vừa phải, đồng thời cần đảm bảo chế độ
dinh dưỡng đủ chất, giữ ấm cho cơ thể khi có lạnh, đặc biệt là vùng chân, tay. Trường hợp bạn cảm thấy các khớp xương bị đau nhức khó chịu, hãy nhanh chóng tới các cơ sở khám chữa bệnh để được thăm khám, đánh giá và có phương hướng điều trị bệnh thích hợp nhất.