Quy tắc ăn uống cho người đau dạ dày
Trong các bệnh về đường tiêu hóa thì bệnh đau dạ dày là căn bệnh phổ biến nhất. Bệnh thường có những biểu hiện đáng lưu ý đầu tiên như khó tiêu, ợ chua, đầy bụng, chướng hơi. Bên cạnh đó, bệnh còn có những triệu chứng khác như đau thượng vị, buồn nôn hoặc chảy máu tiêu hóa, chán ăn...
Người bị đau dạ dày thường gặp nhiều khó khăn trong chế độ ăn uống. Nếu ăn không đúng cách, thực phẩm không phù hợp có thể gấy đau đớn và khiến tình trạng bệnh tồi tệ thêm. Để bảo vệ sức khỏe, chế độ ăn cho người đau dạ dày cần đảm bảo những quy tắc sau:
Hạn chế đồ sống, lạnh: Đồ này có thể kích thích khá mạnh lên niêm mạc đường tiêu hóa, đặc biệt là niêm mạc dạ dày, dễ dẫn đến viêm dạ dày hoặc tiêu chảy. Nên dùng đồ ăn ấm ở mức 40-50 độ C.

Tránh các chất kích thích: Không út thuốc và uống rượu bia cùng đồ ăn cay nóng như ớt, hạt tiêu để bảo vệ dạ dày. Các chất kích thích này có thể khiến mạch máu hệ tiêu hóa co lại, ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho tế bào thành dạ dày, từ đó làm giảm sức đề kháng của niêm mạc dạ dày.
Đồ ăn cần thái nhỏ, nấu kỹ: Người đau dạ dày nên ăn những món ăn mềm, đã được thái nhỏ và nấu kỹ để không gây áp lực lên hệ tiêu hóa.
Hạn chế đồ chiên rán, xào: Đây là những đồ nhiều dầu mỡ, không dễ tiêu hóa nên sẽ gây áp lực lên dạ dày.
Hạn chế thực phẩm ngâm muối: Những thực phẩm ngâm muối như mắm, cá khô, tép khô, dưa muối, cà muối... cũng gây áp lực lên dạ dày. Những món này còn chứa một số chất gây ung thư, có hại cho cơ thể.
Ăn đủ lượng, đúng giờ: Dù đói hay không thì vẫn phải ăn đủ ít nhất 3 bữa một ngày và ăn đúng giờ, không để dạ dày quá đói hoặc quá no. Sau khi ăn không nên chạy nhảy hoặc làm việc ngay.
Ăn chậm nhai kỹ: Việc này giúp gia tăng sự bài tiết của nước bọt, giúp trung hòa tính axit trong dạ dày. Nên chia bữa ăn lớn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để dạ dày thường xuyên có thức ăn để trung hòa axit. Không ăn thức ăn khô, ăn cơm chan canh để tránh việc nhai không kỹ.

Uống nước đúng cách: Nên uống nước ngay lúc ngủ dậy sáng sớm và một giờ trước khi ăn. Không uống nước ngay sau bữa ăn vì có thể làm loãng dịch vị dạ dày, dễ gây ra đau dạ dày. Ăn cơm quá nhiều nước canh cũng dẫn đến tình trạng tương tự.
Người đau dạ dày nên ăn gì?
Người bị đau dạ dày nên tiêu thụ những loại thực phẩm có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, chữa lành các vết loét hoặc giúp giảm tiết axit, bổ sung vitamin và khoáng chất thiết yếu.
Chuối: Đây là loại quả có khả năng trung hòa hàm lượng axit vượt ngưỡng cho phép xuất hiện trong dịch dạ dày, làm giảm nguy cơ sưng phồng hoặc viêm tấy đường ruột. Lượng kali trong chuối còn giúp giảm huyết áp, khống chế natri. Chuối còn chứa pectin, một loại chất xơ hòa tan có lợi với những người bị rối loạn tiêu hóa, mắc tiêu chảy và táo bón.
Các loại thực phẩm thô: Các loại thực phẩm này gồm các loại hạt toàn phần như: Bắp, gạo lứt, nếp lứt, các loại đậu,...; một số loại hạt chứa chất béo như hạt mè, hạt điều... Những loại thực phẩm này chứa nhiều chất xơ, chất khoáng, các chất nhóm B tốt cho nhu cầu chuyển hóa các chất và tiêu hóa thức ăn. Chúng còn chứa các chất có khả năng chống oxy hóa, bảo vệ lớp màng tế bào của thành trong dạ dày.
Táo, hành tây và cần tây: Những loại thực phẩm giàu flavonoid như táo, hành tây, cần tây, việt quất, anh đào chứa chất chống oxy hóa, ngăn chặn sự tiến triển của nhiễm trùng H. pylori.
Canh/súp: Những món ăn này thường đường nấy loãng, mềm, dễ tiêu hóa và không gây áp lực lên dạ dày.

Bánh mì nướng: Thực phẩm này có khả năng tạo thêm các chất axit trong dạ dày, lại không chứa quá nhiều chất béo, khi ăn vào có cảm giác dễ chịu.
Trà thảo dược: Trà thảo dược loại không chứa caffein có tác dụng điều hòa hệ thống tiêu hóa, ngăn ngừa khó chịu, đầy bụng. Uống trà thảo dược hoa cúc hàng ngày chính là một lựa chọn tuyệt vời.
Nước dừa: Nước dừa rất giàu các hoạt chất điện phân, Ca, Ka, Mg ... và các chất khoáng có lợi cho cơ thể, giảm các vấn đề về tiết niệu và có khả năng tiêu diệt được các vi khuẩn đường ruột.
Gừng, tỏi: Gừng rất có tác dụng trong điều trị đầy hơi, khó tiêu và đau dạ dày. Trong khi đó, tỏi giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa, giảm gánh nặng cho dạ dày.
Sữa chua: Sữa chua giàu probiotic tốt cho đường ruột, giúp tiêu diệt vi khuẩn gây hại và cải thiện chức năng tiêu hóa.
Cây bạc hà: Bạc hà có tác dụng giảm đau họng, điều trị đau bụng, khó tiêu, ợ nóng, đầy hơi. Nó còn kích thích sự ngon miệng và giảm đau đầu.
Cây thì là: Loại cây này chứa nhiều anethole, có thể kích thích tiết dịch vị và dịch tiêu hóa. Nó còn chứa axit aspartic có tác dụng chống đầy hơi.
Đậu bắp: Đậu bắp chứa nhiều carotene, vitamin B, C, E cùng pectin và các hoạt chất có lợi khác rất có lợi cho dạ dày. Đặc biệt chất nhầy đặc trưng trong đậu bắp chính là chất protein kết dính, cùng với polysaccharides, pectin và một số chất khác giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày, làm lành các vết viêm loét trong dạ dày một rất cách tuyệt vời.
Thùy Nguyễn (t/h)