Tỏi không chỉ là loại gia vị thiết yếu trong nhà bếp, giúp làm tăng hương vị cho món ăn mà còn có nhiều tác dụng trong việc phòng, điều trị bệnh tim mạch, ung thư, nhiễm trùng, xương khớp.
Từ bao đời nay, y học cổ truyền đã biết dùng tỏi để phòng, chống nhiều bệnh nguy hiểm. Các nhà khảo cổ học phát hiện, người Ai Cập cổ xưa dùng tỏi để làm thuốc, cụ thể là những đơn thuốc từ tỏi được tìm thấy trong các lăng mộ cổ. Riêng ở Nga vào thế kỷ 19, người dân nơi đây cũng coi tỏi là một loại thần dược, có thể chữa được bách bệnh.

Tỏi rất giàu chất dinh dưỡng. Theo nghiên cứu, trong 100g tỏi có chứa 6,36g protein, 33g carbohydrates, 150g calo và các dưỡng chất như vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6), sắt, canxi, kali, mangan, magie, photpho,... Thành phần công hiệu chính trong tỏi là hợp chất hữu cơ sulfur và glycosides. Ngoài ra, trong tỏi còn có hàm lượng cao germanium và selen. Đặc biệt, hàm lượng germanium trong tỏi cao hơn so với các dược liệu như nhân sâm, trà xanh, trà đỏ,...Tác dụng cơ bản của tỏi chủ yếu đến từ allicin. Trong tỏi tươi không có allicin tự do, chỉ có tiền chất của nó là alliin. Khi tỏi được băm nhuyễn, enzyme trong tỏi bị kích hoạt sẽ kích thích alliin hình thành allicin.
Ăn tỏi sống hàng ngày có tác dụng gì?
Tỏi có nhiều công dụng đối với sức khỏe, đặc biệt là khi ăn sống.
Phòng và điều trị cảm cúm

Hợp chất sulfur có trong tỏi có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm cực mạnh. Sử dụng tỏi hằng ngày giúp dự phòng cảm cúm và các bệnh do vi khuẩn, virus gây ra. Việc ăn tỏi sống mỗi ngày giúp giảm 63% nguy cơ bị cảm cúm. Bên cạnh đó, việc ăn tỏi còn giúp rút ngắn 70% thời gian bị cảm, cho phép người bệnh phục hồi
sức khỏe nhanh hơn.
Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư
Theo nhiều nghiên cứu, tỏi có công dụng đáng kể trong việc giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư, nhất là ung thư đường ruột. Cụ thể, tỏi ức chế quá trình nitrat biến thành nitrite trong dịch vị, ngăn cản sự hình thành nitrosamine, giúp phòng ngừa ung thư dạ dày. Bên cạnh đó, tỏi còn có thể ngăn cản sự xâm hại của độc tố, kim loại nặng, chất gây ung thư đối với cơ thể. Đồng thời, thành phần germanium và selen trong tỏi giúp cơ thể chống đột biến tế bào, ngăn ngừa sự hình thành của các gốc tự do, hỗ trợ
phòng ngừa ung thư hiệu quả.
Về khả năng hỗ trợ điều trị ung thư, các hoạt chất trong tỏi như diallyl disulphide, s-allystein và ajoene có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng của khối u, giảm kích thước của khối u tới 50%. Tỏi có công dụng ngăn ngừa, hỗ trợ kiểm soát sự phát triển của các loại ung thư như: ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư vòm họng, ung thư đại tràng, ung thư thực quản, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư gan, ung thư bàng quang,...
Tỏi giúp giảm huyết áp

Tỏi được xem là dạng thuốc kháng sinh tự nhiên có tác dụng giảm huyết áp cao hiệu quả như một số loại thuốc chuyên dùng khác. Theo ước tính của các nhà khoa học, khoảng 600 đến 1500 mg chiết xuất từ tỏi giúp mang lại hiệu quả cho giảm huyết áp cao trong 24 tuần. Bên cạnh đó, chất polysulfides và các phân tử lưu huỳnh có tác dụng làm giãn cơ trơn, kích thích sản xuất xác tế bào nội mạc và giãn mạch máu từ đó kiểm soát huyết áp hiệu quả.
Ăn tỏi giúp cải thiện chức năng xương khớp
Các chất dinh dưỡng trong tỏi như vitamin C, vitamin B6, mangan, kẽm vùng với chất chống oxy hóa và enzyme,… có tác dụng rất tốt trong việc hình thành các mô liên kết và chuyển hóa xương, đồng thời nâng cao sự hấp thụ canxi giúp xương chắc khỏe hơn. Với phụ nữ, tỏi giúp làm chậm quá trình loãng xương bằng cách tăng cường lượng nội tiết tố estrogen. Ăn tỏi nhiều giúp phụ nữ trung tuổi giữ hệ
xương khớp khỏe mạnh.
Tỏi giúp cải thiện vấn đề sinh lý nam giới

Các nhà khoa học đã phát hiện rất nhiều công dụng của tỏi đối với nam giới như: Giúp tăng khả năng tình dục ở nam giới, đặc biệt là quý ông mắc chứng liệt dương. Do vậy, nam giới nên ăn 4 nhánh tỏi tươi hàng ngày giúp giảm cholesterol và tăng cường khả năng lưu thông máu đi nuôi dưỡng cậu nhỏ. Đàn ông có ít tinh trùng nên ăn từ 1 tới 2 nhánh tỏi 1 lần/ngày liên tục trong khoảng 2 tháng để tăng cường lượng tinh trùng. Chất Creatinine, Allithiamine được tạo bởi Vitamin B1 và Allicin là thành phần chính tham gia vào hoạt động cơ bắp giúp loại bỏ tình trạng mệt mỏi và nâng cao thể lực cho nam giới.
Giúp lọc độc tố trong máu
Tỏi chính là một trong những giải pháp tự nhiên giúp bạn thanh lọc, giải độc cơ thể một cách hiệu quả. Các chuyên gia cho biết, trong tỏi có chứa chất hóa học có tên là allicin, thành phần này giúp cơ thể chúng ta loại bỏ những chất độc hại, đồng thời tăng cường các tế bào bạch cầu thêm khỏe mạnh. Ngoài ra, allicin còn giúp loại bỏ nicotine để thanh lọc máu và làm sạch hệ hô hấp.
Ăn tỏi sống mỗi ngày giúp ngăn ngừa Alzheimer
Tỏi chứa chất chống oxy hóa nên có thể hỗ trợ bảo vệ cơ thể chống lại thiệt hại do bị oxy hóa. Việc sử dụng tỏi với liều cao không những có thể giúp tăng enzyme chống oxy hóa ở người, mà còn giảm đáng kể stress oxy hóa ở những người có huyết áp cao. Stress oxy hóa được hiểu đơn giản là tình trạng các chất oxy hóa chiếm ưu thế hơn so với các chất chống oxy hóa bảo vệ trong cơ thể.
Món ăn bài thuốc từ tỏi
Tỏi là loại gia vị được dùng nhiều nhất trong chế biến món ăn của người Việt vừa ngon miệng lại phòng chữa nhiều bệnh.
Tỏi ngâm dấm: Dấm ăn 200ml, tỏi già 10 củ, đường trắng 100g. Tỏi bóc vỏ già đập giập, cho dấm vào khuấy đều, thêm đường, đem ngâm sau 3 ngày đêm dùng uống, ngâm càng lâu càng tốt. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần nửa thìa canh. Dùng cho người bị hen phế quản, lao phổi, đau quặn vùng bụng ngực do lạnh, huyết áp cao, bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch. Lưu ý: Dấm ngâm tỏi, rượu ngâm tỏi dùng chữa nhiều chứng bệnh (ngâm để hàng năm, còn chôn xuống đất hoặc đặt trong hầm sâu) có ghi chép trong nhiều tài liệu (Y học cổ đại Ấn Độ, sách Tần Hồ tập giản phương…).
Tỏi xào bún, thịt lợn: Tỏi 10 củ, thịt lợn ba chỉ 100g, bún hoặc mì sợi 200g. Tỏi bóc bỏ vỏ giã nát, thịt lợn thái lát. Đem thịt xào chín, cho bún xào tiếp, đảo đều thêm gia vị, cho tỏi vào sau cùng đảo nhanh tay và tắt bếp. Ăn nóng. Món này rất tốt cho người bị
viêm phế quản ho dài ngày.
Rau sam tỏi dấm: Tỏi 1 – 2 củ, rau sam 100g, dấm ăn 10ml, muối ăn 3g. Tỏi bóc vỏ ngoài, giã nát trộn với dấm và muối, khuấy đều thêm chút gia vị khác phù hợp (tương ớt…). Rau sam rửa sạch, nhúng qua nước sôi, chấm với tỏi dấm ăn ngày 1 lần, liên tục 5 – 6 ngày. Món này thích hợp cho người mụn nhọt chốc lở, đặc biệt là các thể mụn nhọt mưng mủ có ngòi thường gặp ở người lớn, người bị tiểu đường.
Cháo tỏi: Tỏi 30g, gạo tẻ 100g. Tỏi bóc bỏ vỏ ngoài, cho vào nước sôi đảo qua trong khoảng 1 phút, vớt ra. Gạo tẻ nấu cháo, khi nước sôi, cho tỏi vào cùng nấu cho chín nhừ, cho ăn nóng sáng và tối. Món này rất thích hợp cho bệnh nhân có hội chứng lỵ cấp. Kiêng kỵ: Người âm hư hỏa vượng và các trường hợp có viêm tấy ở mắt, miệng lưỡi, răng cần thận trọng. Không dùng tỏi với bệnh nhân bị bệnh dạ dày
Mặc dù tỏi rất tốt cho sức khỏe nhưng không phải đối tượng nào cũng sử dụng loại dược liệu này một cách dễ dàng. Tỏi là một gia vị tuyệt vời để thêm hương thơm, hương vị và dinh dưỡng vào món ăn của bạn. Ăn tỏi mỗi ngày có thể phòng chống nhiều
bệnh mãn tính. Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều, chỉ cần 2 tép là đủ.
Nguyễn Dung (t/h)