“Thiên hạ đệ nhất thần dược” của các bậc quân vương

Đông trùng hạ thảo (ĐTHT) đã nổi tiếng khắp thế giới là “thần dược của các loại thần dược” với tác dụng bồi bổ sức khỏe, chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ… và đặc biệt là cải thiện đời sống tình dục cho cả nam và nữ.

Loài Đông dược này khá đặc biệt, “có một không hai” trên thế giới bởi sinh ra từ sự kết hợp giữa động vật và thực vật. Mùa đông chúng là dạng côn trùng còn mùa hè lại ở dạng thảo mộc. Chính cấu tạo đặc biệt này đã làm nên sự quý hiếm của chúng mà không phải ai cũng được nhìn thấy và thưởng thức. Thời xưa chỉ những người có địa vị, quyền lực trong xã hội mới có cơ hội “mục sở thị” ĐTHT và hầu như đâu là vị thuốc không thể thiếu trong hầu hết các bài “xuân dược” tăng cường sinh lý của các vua chúa xưa.

Đông trùng hạ thảo được xem như thần dược, phát hiện lần đầu ở Trung Hoa từ trước thời Hán; dân tộc Tạng (Tây Tạng) là những người đầu tiên tìm ra loại động thảo dược đặc biệt này. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, ĐTHT thực chất là một dạng cộng sinh giữa một loài nấm túi có tên khoa học là Cordyceps sinensis với sâu non (ấu trùng) của một loài côn trùng thuộc chi Hepialus. Nấm bắt đầu ký sinh vào sâu non và làm chết sâu non vì ăn hết chất dinh dưỡng của chúng. Mùa hè ấm áp, nấm bắt đầu mọc ra khỏi sâu như một ngọn cỏ và vươn lên khỏi mặt đất. Đầu của ngọn nấm là một thể đệm (stroma) hình trụ thuôn nhọn. Một điều đặc biệt nữa là ĐTHT chỉ được phát hiện vào mùa hè ở một số cao nguyên cao hơn mặt biển từ 3.500 - 5.000m thuộc các vùng của Trung Quốc như Tây Tạng, Tứ Xuyên, Thanh Hi, Cam Túc, Vân Nam...

Đông trùng hạ thảo được phát hiện ở nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Ảnh minh họa.

Y học cổ truyền Trung Hoa rất chú trọng âm dương, cho rằng mùa đông là âm, mùa hè là dương; đất là âm, trời là dương; thực vật là âm, động vật là dương. Như vậy, quá trình sinh trưởng của trùng thảo đã trải qua 3 loại âm và dương này nên nó được cho là một chất “tam âm, tam dương”, phù hợp với lý luận cân bằng âm dương Trung y và có thể điều tiết sức khỏe con người rất tốt, nhất là trong chốn phòng the. Trong cuốn sách dược thảo “Bổn thảo cương mục” của của danh y Lý Thời Trân, vị danh y nổi tiếng thời Minh ghi nhận, trùng thảo có tác dụng “bổ phế ích can, bổ tinh điền tuỷ, chỉ huyết hoá đàm”, tức là xâm nhập vào hai kinh mạch phổi - thận, điều trị các chứng bệnh suy yếu tổn thương, có tác dụng điều trị và bảo vệ sức khỏe toàn diện. Hầu hết các sách y học cổ truyền Trung Hoa đều cho thấy ĐTHT có tác dụng rất tốt với thận – cơ quan ảnh hưởng lớn tới khả năng sinh lý của con người. Tương truyền, hai vị vua tại vị lâu nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc là Khang Hy và Càn Long thường sử dụng ĐTHT thường xuyên như một bí quyết để duy trì sức khỏe và sự sung mãn. Hầu như trong các món ăn, bài thuốc bồi bổ sức khỏe trước và sau những đêm “hao sức” chốn hậu cung của hai ông vua này đều không thể thiếu ĐTHT.

Đứng từ góc độ đông y, ĐTHT có tác dụng tư âm bổ dương, chính là bổ thận dương. Đứng từ góc độ Tây y, các nhà khoa học đã chứng minh dược tính của ĐTHT là do các chất chiết xuất từ nấm Cordyceps sinensis, tức là mọi dược liệu quý đều nằm trong phần hạ thảo chứ không có gì trong phần đông trùng. Các nhà khoa học đã tiến hành phân tích hoá học và thấy rằng trong sinh khối (biomass) của ĐTHT có 17 acid amin khác nhau, có D-mannitol, có lipid và nhiều nguyên tố vi lượng (Al, Si, K, Na...). Một điều đặc biệt nữa là trong số 7 loại hoạt chất chống lão hóa được giới y học công nhận, thì trong ĐTHT có đến 5 thành phần, cụ thể là: polysaccharides, axit amin, peptide (protein), axit nucleic, vitamin; hai loại nữa là flavonoid và saponin. Những hoạt chất này có tác dụng hoạt huyết, làm nở huyết quản, tăng sự tuần hoàn của máu dưới lớp biểu bì của da, làm tăng tốc lưu lượng máu, giãn nở mạch máu, tăng tuần hoàn máu đến bề mặt da và thúc đẩy sự trao đổi chất… Do đó, nó có tác dụng làm đẹp và chăm sóc da. Đây chính là lý do giải thích tác dụng chống lão hóa, giữ gìn sự tươi trẻ, kéo dài tuổi thọ của ĐTHT mà các “bà hoàng” xưa như Võ Tắc Thiên, Từ Hi Thái hậu… ưa dùng.

Dung Hà