Khu vực nhà máy xử lý chất thải nguy hại thuộc Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình nằm tại khu vực thông Đồng Phú, xã Đồng Tâm (H.Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình).
Những ngày đầu tháng 5, tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân thôn Đồng Tâm không dấu nổi sự bức xúc, lo lắng cho hay: Đã nhiều tháng qua họ không còn dám chăn thả gia súc, gia cầm, gieo trồng cấy hái trên những mảnh đất thửa ruộng nằm quanh khu vực có dòng nước suối dẫn từ thung – nơi có đặt nhà máy xử lý chất thải nguy hại thuộc Công ty cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình.
Mang trên mình con dao quắm, đeo đôi ủng lội bùn ngang đầu gối, ông Bùi Văn Dương (53 tuổi, ngụ ở thôn Đồng Phú, xã Đồng Tâm), đứng tần ngần nhìn cánh đồng chạy men dòng suối lấy nước từ thung lắc đầu, ngán ngẩm nói với chúng tôi: "Nhìn vậy thôi chứ giờ mấy ai còn dám trồng trọt, chăn thả ở đây, ô nhiễm hết rồi, ô nhiễm nặng là đằng khác. Mới chỉ vài tháng trước sáng dậy ra suối tôi thấy cá chết nổi trắng xóa còn dòng nước thì bốc mùi hôi thối có màu đen. Thấy hiện tượng lạ tôi liền lập tức gọi điện cho bà con trong xóm và cả trong xã ra xem cá chết”.
“Khi mấy anh em chạy đến chúng tôi cùng nhau đi ngược dòng nước. Càng đi vào phía gần nhà máy xử lý chất thải nguy hại thuộc Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình chúng tôi lại càng thấy nhiều cá chết nổi trắng. Chưa hết dòng nước cũng đen hơn và bốc mùi hôi nồng nặc, đến khu vực giáp bờ tường nhà máy chúng tôi không thể đi nữa, ở đây chúng tôi được những công nhân của nhà máy gạch liền ngay đó cho hay, đây chính là dòng nước bắt nguồn từ trong nhà máy Công nghệ cao Hòa Bình mà người dân vẫn quen gọi là nước trong thung”, ông Dương cho biết thêm.
Vẫn theo ông Dương, hiện tượng nước trong thung có màu đen bốc mùi hôi thối khiến cá dưới suối chết mới chỉ xảy ra hơn 1 năm trở lại đây. Trước đây xe chở chất thải về công ty ít thì hiện tượng bốc mùi hôi thối và cá chết thì ít khi xảy ra.
Ông Bùi Văn Dương bức xúc chia sẻ với phóng viên.
Cách khu vực ông Dương đứng không xa, ao nuôi thả hàng chục triệu tiền cá giống, rộng gần 8 sào của hộ gia đình bà Dương Thị Thơm (ngụ ở thông Đồng Nhất, xã Đồng Tâm) cũng chung số phận. Theo lời bà Thơm, thời điểm đầu năm 2019 gia đình bà có thường xuyên dùng máy bơm lấy nước từ dưới thung bổ sung cho ao nuôi cá, không lâu sau từ khi bổ sung nước vào ao thì cá nuôi trong ao của nhà bà có hiện tượng chết hàng loạt. “Những con cá chép, cá trắm, cá trôi to bằng bắp chân người lớn khỏe mạnh là vậy bỗng dưng chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Ông Phiệt chồng tôi lội xuống ao vớt xác cá chết, vệ sinh ao thì khi về khắp người nổi mẩn đỏ, ghẻ ngứa liên miên… Trước đây gia đình tôi dùng nguồn nước khác bơm vào ao thì không có hiện tượng cá chết, nhưng từ khi bổ sung nước từ dưới thung, hiện tượng cá chết xảy ra liên tục, thấy lạ gia đình tôi đi hỏi thì nhiều hộ dân chăn thả gia súc dưới suối cho hay, cá trong ao chết là do dùng nước bổ sung bị ô nhiễm thoát ra từ Công ty Cổ phẩn Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình”.
Chưa hết Bà Nguyễn Thị Yên (54 tuổi, thông Đồng Phú, xã Đồng Tâm) còn cho biết thêm: “Nước từ thung không chỉ gây ô nhiễm khiến cá chết mà đàn trâu bò nhà tôi chăn thả quanh khu vực đó cũng bị tiêu chảy nhiều ngày sau khi uống nước tại đây. Thời điểm cuối tháng 3 và tháng 4 tôi hay lội ruộng ở khu vực này khi về nhà thường bị đỏ rát, ngứa ở khắp bàn chân, hiện tôi cùng nhiều người dân trong thôn không dám đưa đàn gia súc tới đây chăn thả nữa”.
Bà Dương Thị Thơm ngồi bần thần nói về việc cá chết nổi trắng ao.
Nghi vấn cấm dùng điện thoại trong khu vực nhà máy?
Tiếp tục trao đổi với chúng tôi về thực trạng nước từ nhà máy xử lý chất thải nguy hại của Công ty Cổ phẩn Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình gây chết cá, ảnh hưởng đến gieo trồng mùa vụ, cuộc sống của bà con. Ông Bùi Văn Dương, người thôn Đồng Phú cho biết: “Tôi khẳng định nguồn nước dẫn từ thung nơi có nhà máy xử lý chất thải là ô nhiễm. Và họ không muốn sự việc trên bị phơi bày nên tất cả những người khi vào nhà máy kể trên đều phải để lại điện thoại có chức năng chụp ảnh, ghi hình. Mới đây tôi có chở đường ống nước vào trong đó cho công nhân, khi qua cổng thì bảo vệ nói bỏ lại điện thoại và nói đó là quy định. Chắc là phải có vấn đề thì nhà máy mới đưa ra quy định trên, không những tôi mà nhiều người khác cũng tỏ ý thắc mắc”.
Một người khác làm ở tại xã Đồng Tâm (xin được dấu tên) khi được hỏi về quy định này cũng không ngần ngại cho biết: “Dịp tết nhiều người làm việc ở xã được mời vào nhà máy gặp mặt cuối năm vui xuân, thì cũng bị yêu cầu bỏ lại điện thoại có chức năng chụp ảnh, ghi hình”.
Ở một khía cạnh khác cũng liên quan đến hoạt động của nhà máy Công ty Cổ phẩn Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình, bà Nguyễn Thị Yên tiết lộ: "Một buổi trưa đầu tháng 4 chếc xe thùng chở chất thải nguy hại của công ty này khi lưu thông tới đầu thôn đã làm đổ một khối lượng lớn chất thải trên xe xuống đường.". Theo lời bà Yên, chất thải này khi bị đổ xuống đường lênh láng thì xủi bọt trắng, bốc mùi hôi và hắc rất khó chịu. Cũng gần như ngay lập tức phía nhà máy liền cho công nhân tới xóa bỏ những dấu vết do sự cố từ xe chở chất thải trên gây ra.
Bà Nguyễn Thị Yên nói về việc xe chở chất thải nguy hại đổ dọc trên đường về nhà máy.
Vẫn theo bà Yên, thời điểm cuối tháng 3 đầu tháng 4 xe chở chất thải nguy hại của Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình còn làm đổ thứ chất lỏng như thể axít dọc trên đường về nhà máy, địa điểm chất thải nguy hại tràn ra thuộc khu vực thị trấn Chi Lê (H.Lạc Thủy, Hòa Bình). Theo bà Yên vụ việc trên đã bị cơ quan chức năng huyện Lạc Thủy lập biên bản xử phạt.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân tại xã Đồng Tâm tỏ ý nghi ngờ: Thời điểm gia súc gia cầm chết cũng là lúc những chuyến xe chở chất thải nguy hại lui về nhà máy thuộc Công ty Cổ phẩn Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình ngày một nhiều hơn. Đó là thời điểm từ những tháng đầu năm 2018 kéo dài cho đến nay. Hai sự việc trên có liên quan gì đến nhau?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhà máy xử lý chất thải nguy hại thuộc Công ty Cổ phẩn Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình có địa chỉ tại thôn Đồng Phú, xã Đồng Tâm (H.Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại lần đầu vào ngày 16/8/2018. Mã số QLCTNH: 1-2-3-4-5-6. 120.VX.
Xe chở chất thải liên tục ra vào khu vự nhà máy thuộc Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại nhà máy xử lý chất thải nguy hại thược Công ty Cổ phẩn Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình được cấp phép và đi vào hoạt động chưa được một năm nhưng đã rất nhiều lần người dân trong xã phải khốn khổ đối phó cũng như hứng chịu thiệt hại từ dòng nước ô nhiễm từ nhà máy xả ra môi trường.
Trước thực trạng trên nhiều người dân trong xã đặt ra câu hỏi? Về năng lực công nghệ xử lý chất thải nguy hại của nhà máy, người dân cũng mong cơ quan các cấp sớm vào cuộc làm rõ thực trạng trên, trả lại môi trường xanh, sạch đẹp cho bà con để ổn định hơn trong cuộc sống.
Chúng tôi sẽ tiếp tục liên lạc với các cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề này.
Minh Quân