Ám ảnh bé trai 17 tháng tuổi nhiễm trùng nặng hai bàn chân vì cha mẹ đắp lá chữa bỏng

Bé trai 17 tháng tuổi bị bỏng nước sôi cả hai bàn chân nhưng cha mẹ không đưa bé tới bệnh viện điều trị mà tự đắp thuốc lá ở nhà dẫn tới nhiễm trùng nặng.
Bé trai 17 tháng tuổi được đưa vào khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viên Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), trong tình trạng quấy khóc, chân bị bỏng, sưng nề, chảy dịch đục, trợt da, nhựa lá cây dính bết vào vết bỏng, cử động cổ chân hạn chế.
 
Theo lời kể gia đình, cháu bé bị bỏng nước sôi hai bàn chân cách đây 6 ngày. Thay vì đưa con tới bệnh viện thì cha mẹ bé lại đắp thuốc nam chữa bỏng. Hậu quả là vết bỏng ngày càng sưng to, nóng, chảy dịch, trẻ sốt, quấy khóc lúc gia đình mới hốt hoảng đưa con vào viện.

Các bác sĩ đã nhanh chóng sát khuẩn, chuyển phẫu thuật để làm sạch vết thương cho bệnh nhi. Trẻ được chẩn đoán bị bỏng ở mức độ II, III.
 
Đắp thuốc nam chữa bỏng cho trẻ để lại di chứng kinh hoàng
Hai chân của bé trai bị nhiễm trùng nặng

Các bác sĩ nhận định, nếu được đưa tới bệnh viện điều trị từ đầu thì cháu bé đã hồi phục nhanh, không chịu đau đớn hay để lại di chứng nguy hiểm. Còn vết bỏng của trẻ không được điều trị đúng cách, gây nhiễm trùng nặng cả hai bàn chân, nguy cơ nhiễm trùng huyết, thậm chí ảnh hưởng tính mạng.
 
Hiện, bé trai này được theo dõi và điều trị tại bệnh viện. Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tự ý dùng lá thuốc để điều trị vết bỏng, tránh xảy ra tính trạng nhiễm trùng, hoại tử sâu.
 
Khi không may gặp tai nạn, người nhà cần đưa bệnh nhân tránh xa nguyên nhân gây bỏng, băng nhẹ hoặc che phủ vết thương bằng gạc, vải sạch, sau đó nhanh chóng đưa tới bệnh viện cấp cứu.
 
Cách đây không lâu một trường hợp tương tự cũng được ghi nhận tại Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Đó là bé Đ.N.A (13 tháng tuổi, trú tại huyện Diễn Châu, Nghệ An) nhập viện vì bị bỏng nước sôi vùng bụng ngày thứ 5.

Cháu bé bị bỏng nước sôi nhưng gia đình không đưa nhập viện mà nghe lời người quen mách thầy lang chữa bỏng về đắp cho con. Sau nhiều ngày đắp thuốc lá chữa bỏng của thầy lang, cha mẹ nhận thấy vết bỏng không đỡ mà sưng to và đau, trẻ sốt cao không dứt nên mới đưa đến bệnh viện chữa trị.

Các bác sĩ liên tục đưa ra lời cảnh báo đến người dân về các trường hợp bệnh nhân nhập viện điều trị trong tình trạng nhiễm trùng nặng vết bỏng do đắp lá thuốc điều trị, tuy nhiên do sự thiếu hiểu biết hoặc hoàn cảnh khó khăn nên nhiều người vẫn còn tin vào tác dụng kỳ diệu của đắp thuốc nam.

Không ít trường hợp đắp thuốc lá chữa bỏng khiến trẻ chịu đau đớn dài ngày và cả những di chứng nặng nề hơn về thể xác, khiến việc điều trị vô cùng phức tạp.
 
Các bác sĩ khuyến cáo tới người dân, khi bị bỏng trước tiên cần cách ly nạn nhân tránh xa tác nhân gây bỏng, băng nhẹ hoặc che phủ vết thương bằng gạc, vải sạch rồi nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.
 
ThS.BS Nguyễn Hữu Nhân - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khi bị bỏng cần sơ cứu đúng, đưa ra khỏi nguồn nhiệt, làm nguội vết phỏng. Uống nhiều nước khi phỏng nặng. Hạn chế vô khuẩn, đắp gạc vô trùng lên vết phỏng, thoa kem chống phỏng. Phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng sung, đỏ, có mũ cần dùng kháng sinh.
 
Khi bị bỏng, tuyệt đối không thoa kem đánh răng lên vết phỏng, đổ nước mắm lên vết bỏng, chọc hút dịch bỏng, đặc biệt với trẻ em làn da mỏng dễ tổn thương cần được nhập viện điều trị sớm.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/08/12/Cách sơ cứu khi bị bỏng_12082019152534.mp4[/presscloud]
Cách sơ cứu khi bị bỏng. Video: Youku/Vietnamnet
 
 
Theo Hà Ly/SKCĐ