Đậu mùa khỉ tại Việt Nam lây lan trong cộng đồng?

Admin
Sau khi phát hiện ca đậu mùa khỉ đầu tiên, TP.HCM tiếp tục siết chặt công tác kiểm dịch y tế, sẵn sàng lên phương án phòng dịch có thể xảy ra trong cộng đồng.

Theo BS Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm TP.HCM, khả năng bệnh đậu mùa khỉ lây ra cộng đồng ở TP.HCM là khó. Ở các nước khác thi thoảng cũng xuất hiện ca đậu mùa khỉ xâm nhập và phát hiện được nên nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất thấp.

Với dịch đậu mùa khỉ, bác sĩ Khanh cho biết, đã diễn ra ở trên thế giới khoảng 6, 7 tháng nhưng việc lây nhiễm vẫn thấp hơn so với các virus khác. Đây là virus không có khả năng đột biến, lây qua giọt bắn rất thấp.

Theo các nghiên cứu nồng độ virus trong giọt bắn của bệnh nhân thấp. Nồng độ virus ở bóng nước cao hơn vùng hầu họng nên chỉ khi cọ sát với bóng nước của người bệnh mới có nguy cơ lây nhiễm. Vì vậy, khả năng lây nhiễm khi quan hệ tình dục với người mắc bệnh rất cao.

dau-mua-khi
Ảnh minh họa

Bác sĩ Khanh cho rằng nếu bạn nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ nên liên hệ cơ quan y tế theo dõi. Thời gian ủ bệnh là 21 ngày, trong thời gian này nên đeo khẩu trang. Nếu có nốt bóng nước, sốt thì bạn có thể đi khám xem nốt đó do virus gì. Nếu qua 21 ngày bạn không có biểu hiện gì thì nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng không còn.

Bệnh lý đậu mùa khỉ nếu lây từ động vật thì thời gian ủ bệnh ngắn hơn từ người sang người. Trung bình từ 7 đến 21 ngày. Thời gian toàn phát khoảng 3 đến 5 ngày người bệnh có sang thương da, có sốt. Người bệnh đều tự hồi phục, số ít bệnh nhân có thể nổi hạch.

Ca đậu mùa khỉ đầu tiên ở Việt Nam, bác sĩ Khanh cho rằng, bệnh nhân chắc chắn lây từ nước ngoài. Những người có tiếp xúc với người bệnh có thể theo dõi, tự đi khám. Nếu bất ngờ trong cộng đồng có 1 ca đậu mùa khỉ lúc đó mới nguy hiểm vì bệnh lưu hành trong cộng đồng.

Bệnh có triệu chứng nốt bóng nước, phát ban có thể toàn thân, có thể quanh mặt, quanh miệng, cơ quan sinh dục. Dạng bóng nước này có khuynh hướng hóa mủ nên vỡ ra thành vết loét. Chỉ có xét nghiệm mới phát hiện ra được bệnh đậu mùa khỉ.

Theo bác sĩ Nguyễn Lê Như Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tình hình sức khỏe bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại TP.HCM đã ổn định, hoàn toàn không có dấu hiệu gì đe dọa đến tính mạng. Những nốt đậu đã dần biến mất và gần như hồi phục. Các xét nghiệm vi sinh đã cho kết quả âm tính.

Hiện bệnh nhân vẫn tiếp tục được theo dõi đến hết thời gian cách ly và xuất viện khi đủ tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Bệnh nhân sẽ được xuất viện sau khi đáp ứng các tiêu chuẩn của các hướng dẫn đó.

Tại TP.HCM qua xét nghiệm gen đã xác định chi tiết hơn là clade2B khác hẳn với chủng virus tại Trung Phi và Tây Phi trước đó.

Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện nay công tác kiểm dịch y tế tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất sát sao hơn. Khu vực kiểm dịch y tế quốc tế đã chủ động bố trí khu vực cách ly nghi ngờ ca bệnh theo quy trình một chiều, trang bị đầy đủ máy đo thân nhiệt, bố trí kíp trực 24/24 giờ.

Song song đó, Sở Y tế cũng tiến hành tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế ở cả khối điều trị và dự phòng.

Do đã chuẩn bị sẵn sàng, trường hợp đậu mùa khỉ đầu tiên này khi đến khám tại Bệnh viện Từ Dũ đã được nghi ngờ và chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Da liễu. Như vậy, nhờ sự cảnh giác của đội ngũ nhân viên y tế nên ca bệnh được phát hiện sớm và đến nay chưa ghi nhận sự lây nhiễm ra cộng đồng. Toàn bộ 9 người tiếp xúc gần với người bệnh chưa có dấu hiệu nhiễm bệnh.

Theo bác sĩ hệ số lây nhiễm của bệnh đậu mùa khỉ R0 khoảng từ 1.1 đến 2.4, thấp hơn bệnh đậu mùa ở người trước đó đã được thanh toán từ năm 1979. Các con đường lây nhiễm như lây nhiễm từ động vật sang người: bị động vật có vú nhiễm bệnh cắn, cào.

Lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc gần hoặc quan hệ tình dục với người bị bệnh; chạm vào phát ban, vảy ban của bệnh nhân; chạm vào các đồ vật bị ô nhiễm như khăn trải giường, quần áo hoặc thiết bị y tế người bệnh đã sử dụng. Ngoài ra, người ta vẫn đang nghiên cứu khả năng bệnh có thể truyền qua nhau thai từ mẹ sang con.