Đi tìm sự thật phía sau những nguyên mẫu nàng Mị trong “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài

Có lẽ ít ai ngờ, câu chuyện về cuộc đời và tình yêu mãnh liệt của vợ chồng A Phủ trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Tô Hoài lại được xây dựng dựa trên những nguyên mẫu có thực ngoài đời sống.

Khi con người bị bóc lột, bị chà đạp đến tận cùng thì tình yêu là động lực giúp họ vượt lên nghịch cảnh. Điều này đã khơi nguồn cảm hứng cho nhà văn Tô Hoài khắc họa những hình tượng nhân vật bất hủ. 

 

Đi tìm dấu chân của Mị

 

Trước đây, nhà văn Tô Hoài từng tiết lộ tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” được sáng tác dựa trên một câu chuyện hoàn toàn có thực trong cuộc sống.

 

Tác phẩm được viết trong chuyến công tác của nhà văn tại bản Tà Xùa (thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La). Tại đây, Tô Hoài vô tình gặp được cặp vợ chồng người H’Mông.

 

Ông được nghe họ kể về cuộc đời, tình yêu và khát khao trở thành con người Cách mạng.

 

Sau này, chính khát khao của cặp vợ chồng ấy đã thôi thúc nhà văn Tô Hoài viết lên một tác phẩm nổi tiếng, mang đậm sắc màu văn hóa của con người Tây Bắc. Nhưng cặp vợ chồng người H’Mông ấy là ai?

 

Nguyên mẫu hai nhân vật A Phủ, A Mị nay là Lầu A Phử (A Hử) và Mùa Thị Ya. Hai người này thường đảm nhiệm công việc bí mật là chuyển thư cho cán bộ. Ngoài ra, khi được giao các nhiệm vụ khác, họ đều hoàn thành.

 

 Mùa Thị A – nguyên mẫu nhân vật Mị tâm sự về cuộc đời 

 

Ông Đinh Văn Tôn (còn gọi là A Châu) là người đã giúp đỡ và giác ngộ cách mạng cho A Phủ. Điều đặc biệt, "cán bộ A Châu" chính là người đầu tiên đọc tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, đồng thời ông đã góp ý nhiều thứ từ địa danh, đổi tên nhân vật... cho nhà văn Tô Hoài.

 

Ban đầu, nhà văn Tô Hoài cũng lấy nguyên tên nhân vật ngoài đời, nhưng ông Tôn đã gợi ý đổi tên của họ. Ông Tôn giải thích, nguồn gốc xa xưa của người dân tộc Mông là ở Sáo Mông, Trung Quốc, vì thế tiếng Mông nhiều chữ gốc Hán.

 

Con trai thường tên là Páo, Phủ, con gái là Mỵ hoặc Mỷ, người dân tộc Mông có 12 họ, nhưng họ nào cũng có đệm là A. Vì thế, nên đổi tên nhân vậy là A Phủ, A Mị.

 

A Châu từng kể: “Từ nhỏ tôi đã chứng kiến đồng bào bị thực dân và bọn thống lý tay sai áp bức, bóc lột. Sau này, tôi sớm giác ngộ lý tưởng Cách mạng”.

 

Năm 20 tuổi, chàng thanh niên Tôn được tin tưởng giao trọng trách gây dựng cơ sở, tuyên truyền Cách mạng cho đồng bào ở khu 99 (nay thuộc huyện Bắc Yên) để tạo cầu nối thông suốt giữa Chiến khu Việt Bắc với Sơn La, Điện Biên.

 

Chính tại chiến khu này, ông đã gặp cố nhà văn Tô Hoài và những nhân vật có thực khác trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”.

 

Mùa Thị Púi cán bộ xã Hồng Ngài chia sẻ về cuộc sống của “Vợ chồng A Phủ” 

 

Theo ông Tôn tiết lộ thì nguyên mẫu nhân vật Thống lý Pá Tra được tạo nên từ thống lý Mùa Chờ La - một kẻ độc ác, chuyên cướp bóc của cải của người dân... Còn A Sử, tên thật Mùa Chống Lầu, là con trai của Mùa Chờ La.

 

Tuy nhiên có một chi tiết khác xa với nhân vật A Sử trong truyện. Mùa Chống Lầu ngoài đời lại là một người tốt, sớm giác ngộ và tham gia Cách mạng.

 

Đặc biệt khi tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” được viết thì đồng chí Mùa Chống Lầu đang giữ cương vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận tổ quốc khu vực Thái – Mèo.

 

Để tránh làm ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như hoạt động Cách mạng của các nhân vật, cố nhà văn Tô Hoài đã quyết định đổi tên các nhân vật vào phút chót.

 

Hạnh phúc sau cuộc “đào tẩu” đầy gian khó

 

Ở những ngày gần đất xa trời, vợ chồng A Phủ - Mị sống ở bản Lung Tang (xã Hồng Ngài). Tuy nhiên, năm tháng trôi qua, nhiều nguyên tác nhân vật của Vợ chồng A Phủ đã không còn. “Mùa Chống Lầu đã chết, Lầu A Phử (A Phủ) cũng không còn nữa”, ông Tôn nói.

 

Mị (bà Mùa Thị A) không nói được tiếng kinh. Cuộc đời bà cũng thăng trầm chẳng khác với những diễn biến trong truyện “Vợ chồng A Phủ” là bao.

 

Theo lời Mị, nhà thống lý trước đây giàu lắm, thuốc phiện trồng khắp nơi từ Tà Xùa đến tận Hồng Ngài. Trâu bò nhà thống lý nhiều không thể đếm hết, nhiều khi có con bị lạc vào rừng cả tuần mới hay.

 

Những ngày sống cơ cực trong nhà thống lý, bà đã gặp Lầu A Phử (A Phủ). Với tình yêu và khát khao được tự do, hai người đã bỏ trốn khỏi nhà thống lý và giác ngộ Cách mạng.

 

“Ngày bỏ trốn, Phử dắt tay tôi chạy như điên về phía cánh rừng trước mặt. Không có ngựa, chúng tôi phải đi bộ xuyên vào rừng, bàn chân, bàn tay tứa máu vì gai và đá cào xước.

 

Nhiều lúc đói lả, chúng tôi phải hái quả rừng, uống nước suối. Nhiều đêm, chúng tôi nằm ngủ trong hang đá, nghe tiếng ngựa, tiếng tù và rồi những ngọn đuốc sáng choang phía sau lưng mà chập chờn lo sợ.

 

Đến giờ tôi không thể nhớ khi đó hai vợ chồng đã vượt rừng bao nhiêu ngày nữa. Chỉ nhớ rằng, tôi đã ngã quỵ vì kiệt sức ở ngay chính mảnh đất này”, “Mị” kể.

 

Cũng theo “Mị”, vợ chồng bà thực sự cảm thấy tự do và hạnh phúc khi ở Lung Tang. Sự tự do ấy còn được củng cố bởi các cán bộ làm cách mạng.

 

Bản Lung Tang, nơi ghi dấu hạnh phúc của cặp vợ chồng nổi tiếng trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”

 

Vì thế, vợ chồng bà đã trở thành những hạt nhân cách mạng đầu tiên ở bản Lung Tang. Niềm hạnh phúc của Mị và A Phủ được tiếp nối bởi 6 người con trai và 3 người con gái, xinh xắn khỏe mạnh.

 

Giờ đây, tình yêu hai người dành cho nhau giờ đã trở thành biểu tượng cho tình yêu, sự khát khao vươn lên của đồng bào dân tộc nơi này. 

 

Không biết chữ, không nói, nghe được tiếng phổ thông, bà cũng không biết mình bao nhiêu tuổi. Chỉ áng chừng lúc bà bị bắt mới 15, 16 mùa lá rụng…

 

Điều khiến nhà văn Tô Hoài và nhiều người nuối tiếc chính là “Mị” không được đọc tác phẩm văn học, cũng như không được nghe, không được xem bộ phim “Vợ chồng A Phủ”. Ở đó, Mùa Thị A chính là nguyên mẫu của Mị... 

 

Xem thêm: Nhà văn sống chung với ung thư suốt 16 năm nhờ chế độ ăn “nhiều rau ít thịt”

Đạt Đỗ