Độc đáo gạch lát hè đường từ túi nilon tái chế của nhóm sinh viên

Thực trạng rác thải nilon luôn là bài toán khó giải quyết cho môi trường, thế nhưng, với sự sáng tạo và tinh thần "sống xanh", những người trẻ này đã tái chế chúng thành những viên gạch lát đường vô cùng độc đáo.

Hành trình tạo nên viên gạch từ rác thải nilon

 

Đó là dự án của 5 sinh viên trẻ, thuộc trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, đến từ lớp Cầu đường ô tô và sân bay K56. Thoạt nghe, ai cũng nghĩ ý tưởng đó thật "điên rồ", khó thực hiện, thế nhưng với sự nhiệt huyết của mình các bạn ấy đã chứng minh sự khả thi và có thể dem vào ứng dụng trong tương lai. Chia sẻ về ý tưởng, cậu bạn Trần Thế Anh- trưởng nhóm cho biết, dựa trên tính chất túi nilon, chủ yếu được sản xuất từ chất liệu polyme, kết hợp với những kiến thức đã học được trong môn Vật liệu xây dựng và Bê tông polyme đã thôi thúc họ bắt tay vào thực hiện.
 
Bước đầu, để có một lượng túi nylon lớn cho thí nghiệm, cả 5 bạn trong nhóm đã phải chở nhau tới bãi rác Sóc Sơn, Hà Nội. “Đây là nơi tập kết của rất nhiều loại rác thải khác nhau. Chúng em đã phải xới tất cả lên để bới tìm túi. Bới mất 2 ngày chúng em mới có thể thu gom được chừng hơn 20 kg túi ni lông phế thải ”, bạn Phạm Văn Đức, thành viên trong nhóm cho hay.
 
Sau khi tập hợp đủ túi nilon, họ lần lượt thực hiện các công đoạn rửa sạch rồi đem phơi khô, tiếp đó, tính toán các công thức, tỷ lệ pha trộn đá, cát để tạo nên nguyên liệu. Kể về quá trình thực hiện, Đức nói: “Chúng em phải làm đi làm lại trên 50 mẫu thử khác nhau mới có thể tìm ra được tỉ lệ pha trộn chuẩn giữa đá, cát và nylon ở trong nhiệt độ phù hợp. Trong đó, đá đóng vai trò là vật liệu chịu cường độ, cát để chèn vào các lỗ rỗng giữa các viên đá và ni lông đóng vai trò là chất kết dính”.
 
Đúng vậy, cả nhóm đã mất rất nhiều thời gian để ngồi cắt thật nhỏ túi ni lông để thử nghiệm, vì lúc đầu họ nghĩ nếu để cả túi, khi gia nhiệt sẽ bị cháy và trộn không đều, tuy nhiên không thành. Thử nghiệm nhiều lần, cuối cùng nhóm để túi nguyên vẹn và đun nóng lại cho ra một chất phụ gia có khả năng tăng độ bền cho sản phẩm.
 
Sau khi phối trộn các nguyên liệu hợp lý, hỗn hợp này được đưa vào chảo đun nóng đến nhiệt độ 180-220 độ C. Trong quá trình đó, hỗn hợp được đảo đều liên tục, cốt để nhựa chảy và bám đều vào các hạt cốt liệu. Cứ như thế cho đến khi hỗn hợp quánh lại thì cho vào khuôn đúc sẵn, dùng búa và đầm nén chặt để được thành phẩm.
 
Độc đáo gạch lát hè đường được làm từ túi nilon tái chế dưới những bàn tay
 
Viphavady Inthapatha (sinh viên người Lào) cũng là một thành viên trong nhóm cho biết, để sản xuất ra một viên gạch nặng 3,7kg cần tới 0,9 kg nylon. Tận dụng những rác thải nhựa tái chế thành các vật dụng hữu hiệu sẽ giúp ích nhiều cho môi trường.
 
Độc đáo gạch lát hè đường được làm từ túi nilon tái chế dưới những bàn tay
Nhiều lần thử nghiêm, cuối cùng sản phẩm đã thành công.
 
Đồng hành, đóng góp vai trò không nhỏ với nhóm bạn trẻ là GS.TS.Phạm Huy Khang, Bộ môn Đường ô tô và sân bay của trường. Thầy Khang bày tỏ sự hài lòng đối với thành công lần này của nhóm, nhận định: "Tính ứng dụng của sản phẩm vào thực tế là khả thi, giúp giải quyết một phần bài toán về lượng ni lông thải ra môi trường hiện nay ở Việt Nam. Sản phẩm này nếu tiếp tục cải tiến có thể đem vào ứng dụng để lát vỉa hè. Kinh phí sản xuất chắc chắn sẽ không đắt hơn các sản phẩm hiện có trên thị trường, tuy nhiên nếu tính đến giá trị với môi trường, hiệu quả sẽ không thể tính bằng tiền”.
 
Độc đáo gạch lát hè đường được làm từ túi nilon tái chế dưới những bàn tay
Thành công của nhóm nhờ sự giúp đỡ của GS.TS Phạm Huy Khang.
 
Được biết, vừa mới đây, đề tài về chế tạo vật liệu gạch lát hè từ túi nylon phế thải của nhóm sinh viên Trường ĐH Giao thông Vận tải đã giành giải Nhất khoa công trình và giải xuất sắc của Trường trong Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên năm 2019. Và hiện, nhóm sẽ mang nghiên cứu của mình để tiếp tục dự thi cấp quốc gia về sản phẩm bảo vệ môi trường.
 
Tuy có nguồn kinh phí hạn hẹp, gặp nhiều khó khăn, thử thách nhưng niềm đam mê và tâm huyết tuổi trẻ đã đưa những người bạn này đạt tới mục tiêu, hướng đên môi trường xanh.
 

Sáng kiến độc đáo, mang ý nghĩa tích cực


Việc làm của nhóm bạn trẻ trên gợi nhớ về hai bạn trẻ khác thuộc trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thực hiện vào năm 2018.
 
Thời điểm đó, Vũ Văn Dương và Phạm Mạnh Đình, là sinh viên năn thứ hai của trường. Hai người cùng chung trọ, chung ý tưởng và trong một lần nghe Mạnh Đình nhắc về sự gợi ý của thầy giáo dạy cấp 3 năm xưa, việc làm gạch từ nilon, Dương đã hào hứng thực hiện cùng bạn.
 
Cứ mỗi chiều sau khi tan học, hai anh chàng lại rủ nhau ra chợ Tăng Nhơn Phú (Q.9) gom nhặt bao nilông mang về rửa sạch, phơi khô làm nguyên liệu, rồi hằng tháng, cố gắng để dảnh ra 200.000 đồng để mua cát.
 
Thiếu thốn thiết bị, cả hai đều không nản, tự tay mày mò tận dụng bất cứ thứ gì có được để làm. Ngay cả máy ép thành phẩm, dưới bàn tay khéo léo Đình và Dương cũng tự chế.
 
Độc đáo gạch lát hè đường được làm từ túi nilon tái chế dưới những bàn tay
Hai bạn trẻ dành dụm tiền ăn hàng tháng để có thể mua nguyên liệu thực hiện ý tưởng.
 
Hai tháng trời, đổ mồ hôi công sức và nếm nhiều thất bại, cuối cùng cả hai đã cho ra những viên gạch ưng ý nhất. Vật liệu được đặt tên UNC (U là UTE, tên viết tắt tiếng Anh của ĐH Sư phạm kỹ thuật, N là nilông, còn C là cát),và mang ứng thí ở hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên trường.
Sản phẩm nhận được sự chú ý của thầy cô lẫn giới sinh viên và giành không ít giải thưởng. Hoan nghênh ý tưởng, hai bạn cũng được giáo viên trong trường hỗ trợ chi phí để đi vào hoàn thiện sản phẩm theo đúng chuẩn khoa học.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới thực hiện với 109 quốc gia, Việt Nam đứng thứ 17 về lượng rác thải nhựa, trong đó, xét riêng về lượng rác thải nhựa xả ra biển, Việt Nam đứng top 5 thế giới. Đây là một vấn đè lớn cần phải có phương án giải quyết kịp thời, và chỉ có những người trẻ với ý tưởng sáng tạo không ngừng mới là người đem lại hi vọng tốt đẹp về môi trường xanh. Những việc làm mang ý nghĩa tích cực, nhân văn và thiết thực này cần được nhân rộng hơn nữa trong tương lai. 

[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/11/04/tai-che-rac-thai_04112019140125.mp4[/presscloud]
Tái chế rác thải nhựa thành gạch lát đường.
 
 
Minh Tú (t/h)