Mặc dù đã có một công việc ổn định, nhiều cơ hội thăng tiến và cuộc sống đáng mơ ước tại thành phố biển Quy Nhơn, Bình Định. Tuy nhiên, đôi vợ chồng trẻ Lê Đình Quả và Lê Thị Thanh Thủy vẫn quyết định từ bỏ tất cả để trở về Quảng Bình, hiện thực hóa đam mê trồng rau sạch ngay trên chính quê hương của mình. Sau một thời gian, với mô hình nông nghiệp áp dụng tiêu chí "5 không", thương hiệu sau rạch An Nông đã xuất hiện trong đời sống người dân Quảng Bình
Để có vườn rau sạch ở xã Hòa Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), hai vợ chồng trẻ phải trải qua nhiều khó khăn, trắc trở. Tuy nhiên, vượt lên khó khăn đó, tinh thần không bỏ cuộc đã mang lại quả ngọt.
Ít ai biết rằng hai vợ chồng anh Quả và chị Thủy, một người là thạc sỹ, một người là kỹ sư ngành nông nghiệp từng làm công tác nghiên cứu nhiều năm tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ. Sau gần 10 năm làm việc tại Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp, vợ chồng anh Quả về quê (năm 2016), chọn mua một mảnh đất rồi bắt đầu xây dựng hệ sinh thái "sạch".
Theo chị Thủy, khi thấy Quảng Bình thị trường rau sạch chưa có, hoặc có nhưng manh mún. Khí hậu Quảng Bình khắc nghiệt, người dân ít có kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc rau sạch nên vợ chồng chị đã quyết định về Quảng Bình trồng rau sạch. "Chúng tôi bán nhà tại Quy Nhơn được 600 triệu đồng, vừa đủ mua mảnh đất rộng 3 hecta. Mọi chi phí còn lại để gây dựng khu vườn đều đi vay mượn…", chị Thủy chia sẻ.
Bằng những kiến thức có được trong những năm công tác tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ, anh chị đã tìm nhiều phương pháp nhằm hạn chế sâu bệnh gây hại cho rau như: tự chế chế phẩm từ gừng, ớt và tỏi ngâm rượu; trồng cây dẫn dụ sâu bệnh hay nghiên cứu độ che phủ như thế nào có hiệu quả nhất.
Mô hình rau sạch An Nông. Ảnh: Đức Thọ/TTXVN
Anh Lê Đình Quả tâm sự: "Để khởi nghiệp bằng nghề nông, phải rất kiên trì. Trong 3 năm đầu tôi xây dựng nền móng cho hệ sinh thái, số tiền thu lại bằng 0, nếu chưa muốn nói đến số âm từ khoản vay mượn. Đây là giai đoạn rất dễ nản chí nếu không thực sự quyết tâm, yêu nghề…".
Đến nay, vườn rau sạch của đôi vợ chồng trẻ có đủ loại như rau muống, rau đay, rau mồng tơi, rau dền, rau cải, măng tây... Tất cả đều được bảo đảm sạch từ khâu làm đất, đến khâu chăm bón.
Anh Quả nhấn mạnh: Mô hình nông nghiệp của chúng tôi áp dụng tiêu chí "5 không": không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; không sử dụng thuốc trừ cỏ; không sử dụng chất kích thích tăng trưởng; không có dư lượng kim loại nặng; không sử dụng giống biến đổi gen.
Để dễ dàng đưa sản phẩm rau sạch đến người tiêu dùng, vợ chồng anh Quả đã lập lên chuỗi cửa hàng chuyên bán rau sạch của trang trại sản xuất và lấy thương hiệu là An Nông.
Sau khi đưa sản phẩm ra thị trường, sản phẩm rau sạch của vợ chồng anh Quả, chị Thủy bước đầu đã được sự đón nhận của người tiêu dùng. Nhiều trường mầm non, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn huyện Bố Trạch và các vùng lân cận đã tin tưởng ký hợp đồng dài hạn với vườn rau của đôi vợ chồng trẻ. Trung bình mỗi tháng, An Nông Farm xuất ra thị trường từ 5 - 6 tấn cho cả cửa hàng An Nông cũng như một số đơn vị bán lẻ khác. Cũng nhờ đó, thu nhập của đôi vợ chồng lên đến 1,2 tỉ đồng/năm.
Mô hình rau sạch tại của hàng rau sạch An Nông. Ảnh: Đức Thọ/TTXVN
Ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bố Trạch đánh giá cao mô hình trồng nông sản sạch của vợ chồng anh Quả và hy vọng sẽ tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn. "Chính quyền địa phương luôn ủng hộ, đồng hành những mô hình nông nghiệp sạch như An Nông Farm của anh Quả. Ngoài việc tạo ra nông sản an toàn, An Nông Farm còn là nơi mà bà con, học sinh chọn làm điểm đến để trải nghiệm, học hỏi kiến thức về nông nghiệp…", ông Nguyễn Cẩm Long cho biết.
Trong thời gian tới, mô hình rau sạch này sẽ được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình, điều này không chỉ góp phần giản quyết việc làm tại địa phương mà còn giúp người dân yên tâm hơn trong vấn đề an toàn thực phẩm.
Nhật Hạ (TTXVN)