Giá trị dinh dưỡng của rau dền
Giảm cholesterol: Các chuyên gia đã khẳng định một trong những lợi ích chính của lá rau dền là khả năng làm giảm cholesterol. Thành phần tocotrienols, một loại vitamin E trong rau giúp làm giảm cholesterol xấu (LDL), giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch.
Kiểm soát huyết áp cao: Trang The Health Site dẫn chứng, lá rau dền chứa nhiều nguyên tố vi lượng như kali và magiê giúp duy trì sự cân bằng điện giải trong cơ thể. Ngoài ra, nguồn chất xơ dồi dào của rau dền cùng một số dưỡng chất thiết yếu khác giúp cơ thể kiểm soát và phòng ngừa cao huyết áp, đột quỵ.

Ổn định đường huyết: Một số nghiên cứu chứng minh ăn rau dền thường xuyên giúp ổn định đường huyết, tốt cho bệnh nhân tiểu đường loại 2. Mặt khác, người béo phì ăn rau dền cũng giảm nguy cơ tăng đường huyết.
Ngăn ngừa ung thư: Rau dền giàu thành phần chống oxy hóa như vitamin E, C, sắt, magiê, phốt pho hay lysine. Các chất này kết hợp với nhau chống lại các gốc tự do có hại cũng như ngăn chặn sự hình thành của các tế bào ác tính.
Cải thiện hệ tiêu hóa: Ăn rau dền tiêu hóa tốt, chữa táo bón rất tốt cho cả trẻ em và người lớn. Bởi hàm lượng chất xơ cao gấp 3 lần so với lúa mì nên rau dền còn trị tiêu chảy, xuất huyết, bù nước hiệu quả.
Bổ máu: Rau dền là một trong số ít loại rau tự nhiên rất giàu chất sắt. Ăn rau dền giúp gia tăng lượng hemoglobin và tế bào hồng cầu, rất có lợi cho bệnh nhân thiếu máu.
Tăng cường canxi: Không chỉ chứa nhiều sắt, rau dền còn có hàm lượng canxi nhiều gấp ba lần so với rau bina và hai lần so với sữa. Do đó, ăn rau dền là cách bổ sung canxi tự nhiên, giảm nguy cơ loãng xương và bệnh co giật do thiếu hụt canxi đồng thời cải thiện các vấn đề răng miệng.
Kháng viêm nhiễm: Thành phần kẽm, magie trong rau dền là chất dinh dưỡng có tính kháng viêm, chống nhiễm hiệu quả. Loại rau này còn được sử dụng điều trị mụn trứng cá, chữa bội nhiễm da như eczema.
Gout có được ăn rau dền không?
Dù chứa nhiều thành phần dinh dưỡng nhưng rau dền lại có hàm lượng lớn acid oxalic. Chất này có tác động lớn tới việc hình thành sỏi oxalate. Vì vậy, người bệnh sỏi thận, gout hay viêm khớp dạng thấp không nên ăn rau dền.

Người bệnh gout vốn có nguy cơ cao mắc sỏi thận do rối loạn chuyển hóa axit uric, do vậy tránh ăn rau dền để giảm thiểu nguy cơ biến chứng sỏi thận.
Ngoài ra, rau dền có tính lạnh nên những người đường ruột yếu, hay đi ngoài không nên ăn rau dền. Rau dền đại kỵ với thịt ba ba.
Rau dền đã nấu chín không nên hâm lại nhiều lần vì thành phần nitrat sẽ bị chuyển đổi thành nitrit, đây là một chất nguy cơ gây ung thư, không tốt cho trẻ nhỏ.
Công dụng chữa bệnh của từng loại rau dền
Mỗi loại rau dền lại có thành phần dinh dưỡng và công dụng chữa bệnh tuyệt vời.
Dền cơm
Rau dền cơm hay còn gọi là dền xanh, chủ yếu mọc hoang nên nhiều người thường bỏ qua. Trong rau dền cơm chứa glucid, protid, nhiều vitamin C, B1, B2, PP, caroten...
Người ta có thể ăn được cả lá và cành của cây rau này. Nấu canh dền cơm có tác dụng tiêu viêm, giải độc; trị mụn nhọt và lỵ. Hạt dền cơm đem sắc lấy nước uống có tác dụng mát gan, thanh nhiệt, ích khí, sáng mắt.
Dền đỏ
Dền đỏ hay còn gọi là cây sai. Tác dụng lớn nhất của dền đỏ là bổ huyết, trị thiếu máu, xanh xao, tiêu hóa kém. Loại rau này còn dùng trị sốt rét. Dền đỏ không chỉ nấu canh mà sắc uống hoặc ngâm rượu uống đều tốt.

Dền gai
Trong y học cổ truyền, dền gai có vị hơi ngọt, nhạt, tính hơi lạnh. Lá, rễ đều được dùng làm thuốc. Lá dền dai giã nát vắt lấy nước uống còn bã đắp ngoài để trị côn trùng cắn, ong đốt hoặc bị lở ngứa, mụn nhọt. Còn lá dền gai sắc lấy nước uống trị sốt, lỵ, viêm phổi.
Rễ dền gai sắc với lá huyết dụ, lá trắc bách, cỏ nhọ nồi uống ngày 3 lần để chữa đi lỵ ra máu.
Dền tía
Tên gọi khác là dền đỏ, có vị ngọt, tính hàn. Rau này có tác dụng lợi tiểu, thải độc rất tốt. Lá và cành non của dền tía đem luộc hoặc nấu canh như món rau bổ mát chống táo bón hiệu quả cho người cao tuổi.
Phụ nữ sau sinh, táo bón, háo khát dùng lá dền tía, luộc bỏ bã, lấy nước nấu cháo ăn vài ngày để cải thiện nóng trong người.
Dền trắng
Đây là loại rau ăn phổ biến nhất cũng có tác dụng thanh nhiệt, rất tốt cho người bị háo khát, táo bón.
Dền voi
Hay còn gọi là vòi voi, chứa các alcaloid indicin, echinatin, heliotrin... Dền voi không dùng làm rau ăn bởi chứa thành phần độc tính alcaloid. Cây này dùng làm thuốc dưới dạng chườm, đắp bó trị sai khớp, bong gân, đau cơ nhục.