Hà Nội: Đề xuất dẫn nước sông Hồng để làm sạch sông Tô Lịch

Bên cạnh giải pháp sử dụng công nghệ Nano sinh học đến từ Nhật Bản, một số ý kiến đã đề xuất Hà Nội dẫn nước sông Hồng để làm sạch sông Tô Lịch.
Việc dẫn nước sông Hồng vào sông Tô Lịch ngoài việc tạo ra một dòng sông đúng nghĩa – có dòng chảy, sẽ góp phần pha loãng mức độ ô nhiễm của sông Tô Lịch, nơi mỗi ngày đang phải gánh chịu khoảng 150.000m3 nước thải chưa qua xử lý.
 
Vừa qua, xoay quanh việc Công ty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) khởi công dự án thí điểm làm sạch một đoạn dòng Tô Lịch và một góc Hồ Tây (Hà Nội) bằng công nghệ Nano sinh học của Nhật Bản, một số ý kiến đưa ra rằng, bơm nước sông Hồng để làm sạch sông Tô Lịch cũng là giải pháp trước mắt mà Hà Nội có thể nghiên cứu. Về vấn đề này, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước) cho biết, đây cũng chính là đề xuất của công ty thuộc dự án "đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cập nước Hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch" mà đơn vị vừa trình lên UBND TP Hà Nội.
 
/dan-nuoc-song-Hong-de-lam-sach-song-To-Lich-chuyen-gia-Nhat-Ban-lap-dat-he-thong-Nano
Các chuyên gia Nhật Bản lắp đặt hệ thống Nano nhằm làm sạch nước sông Tô Lịch
 
Cụ thể, Công ty Thoát nước đã đề xuất giải pháp bơm nước sông Hồng vào Hồ Tây tạo lưu thông. Đến khi Hồ Tây sạch thì dẫn nước từ hồ vào hai cửa xả đến sông Tô Lịch để thau rửa, làm sạch nguồn nước ô nhiễm của sông.
 
“Nếu đề xuất được lãnh đạo TP phê duyệt, Công ty sẽ xây dựng, lắp đặt một trạm bơm chìm ở ngoài cửa khẩu An Dương với công suất cấp nước 156.000m3/ngày, dẫn nước vào Hồ Tây. Sau khi nước Hồ Tây được cải thiện tình trạng bằng nước sông Hồng, Công ty điều tiết nước từ hồ qua hai cửa xả trên phố Trích Sài và đường Lạc Long Quân vào sông Tô Lịch để giúp làm sạch nước sông.
 
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị xung quanh đề xuất này, một số ý kiến cho rằng, việc lấy nước sạch hơn để thau rửa sông Tô Lịch về kỹ thuật “không có gì khó khăn”, song đây chỉ là giải pháp trước mắt. Để giải quyết được phần gốc rễ của vấn đề vẫn là xử lý ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt đổ vào con sông này. Theo PGS.TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viên Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường (Hội Cấp thoát nước Việt Nam), vấn đề cốt yếu là việc tách được nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý ngày ngày chảy xuống sông.
 
dan-nuoc-song-Hong-de-lam-sach-song-To-Lich-lay-mau-thu-nghiem-de-kiem-tra
Lấy mẫu nước để đo lường đánh giá tình trạng ô nhiễm
 
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đức Hạ cũng nhấn mạnh, việc xem xét đưa nước sông Hồng vào giải cứu sông Tô Lịch là cần thiết, đáng để thảo luận. Bởi, việc bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch đã được đưa vào quy hoạch thoát nước của Hà Nội, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ cuối năm 2012. Bên cạnh đó, vào mùa khô, khi lượng nước bổ cập cho sông Tô Lịch bị hạn chế, nếu không dẫn nước từ sông Hồng vào hoặc một nguồn khác, sông Tô Lịch sẽ đứng trước nguy cơ chạm đáy và dần dần biến thành dòng sông chết.
 
Được biết trong nửa đầu tháng 5 vừa qua, Hà Nội trải qua đợt mưa lớn kéo dài khiến mực nước ở Hồ Tây tăng cao. Để đảm bảo an toàn, Công ty Thoát nước đã tiến hành mở các cửa thoát để đưa nước trong hồ về mức an toàn và mở cửa xả dẫn nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch. Nhờ đó, nước, chất lượng nước tại sông Tô Lịch đã được thay đổi. Trước đó, năm ngoái 2018, đơn vị này cũng đã thử nghiệm xả nước ở Hồ Tây ra sông Tô Lịch, bước đầu cho thấy dòng nước đen không còn, thay vào là màu nước xanh đặc trưng của hồ; mùi hôi thối, ô nhiễm cũng biến mất.
 
dan-nuoc-song-Hong-de-lam-sach-song-To-Lich-viec-dan-nuoc-co-the-phai-bang-qua-Ho-Tay
Việc dẫn nước từ sông Hồng sang sông Tô Lịch sẽ thông qua hồ Tây
 
Hiện nay, để xử lý tình trạng ô nhiễm trên dọc sông Tô Lịch, TP Hà Nội đã có dự án xây dựng hệ thống cống chạy dọc hai bên sông để thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, trong khi chờ dự án xử lý nước thải hoàn thiện, vẫn cần thiết phải thau rửa sông Tô Lịch, tạo dòng chảy để giảm bớt ô nhiễm, mùi hôi thối bốc lên, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.
 
Kết quả quan trắc nước sông Tô Lịch của Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường - Sở TN&MT Hà Nội tiến hành cho thấy: Lượng ôxy hòa tan (DO) thấp hơn 2 lần so với tiêu chuẩn; Lượng ôxy hóa học trong nước (COD), ôxy sinh học trong nước (BOD5), khuẩn coliform trong nước, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), tổng dầu, mỡ, hàm lượng amoni (NH4+)… đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Nước sông chuyển thành màu đen, có váng, cặn lắng và mùi hôi.
Thế Hưng (t/h)