Lương y tư vấn những điều nên làm để phòng chống và đẩy lùi dịch COVID – 19 theo y học cổ truyền

Admin
Lương y Vũ Quốc Trung (Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền, Hội Đông y Việt Nam) tư vấn một số điều người dân có thể làm để tăng cường hệ miễn dịch, bồi bổ sức khỏe phòng dịch COVID-19 theo y học cổ truyền.
Theo Lương y Vũ Quốc Trung, từ “miễn dịch” xuất phát từ tiếng Latin “Immunites” tiếng Anh dùng thuật ngữ “ Immune System” (hệ miễn dịch), là sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật. Khi hoạt động đúng cách, hệ thống miễn dịch có thể chống lại các tác nhân gây bệnh (như vi khuẩn, virut, ký sinh trùng, dị ứng, tế bào ung thư, tế bào chết và kể cả các tác nhân môi trường…)
 
Lương y tư vấn những điều nên làm để phòng chống và đẩy lùi dịch COVID-19 theo y học cổ truyền
 
Hệ thống miễn dịch rất phức tạp, nó có duy trì sự cân bằng giữa môi trường bên ngoài và bên trong cơ thể cũng như chống lại các tác nhân có hại. Hệ thống miễn dịch thường được ví như chiếc áo giáp giúp con người ngăn ngừa chống lại bệnh tật một cách hữu hiệu. Hiện nay, y học hiện đại đã nghiên cứu và đưa ra nhiều liệu pháp để chống suy giảm miễn dịch, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, trong đó có liệu pháp bổ xung các dưỡng chất (vitamin, khoáng, các hoạt chất sinh học…).
 

Bảo vệ hệ miễn dịch là bảo vệ mình trước virus corona chủng mới


Dưới đây là những việc cần làm để bảo vệ hệ miễn dịch theo Trường Y Harvard (Hoa Kỳ):

- Không hút thuốc
- Có một chế độ ăn nhiều trái cây, rau quả
- Tập thể dục thường xuyên và thích hợp
- Duy trì cân nặng hợp lý (không béo phì, gầy còm)
- Nếu uống rượu bia nên có chừng mực
- Ngủ đủ giấc
- Tránh nhiễm khuẩn (rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi ra đường, chỗ đông người, không khạc nhổ, phóng uế bừa bãi)
- Cố gắng giảm thiểu căng thẳng (tress)

Theo y học cổ truyền (YHCT) tình trạng cơ thể khỏe mạnh là sự cân bằng và điều hòa giữa các hệ thống trong cơ thể bao gồm khí huyết, tạng phủ kinh lục và cả cơ thể với môi trường bên ngoài. Khi mối quan hệ nhiều mặt này bị phá vỡ, bệnh tật sẽ phát sinh. Điều trị bệnh tức là tái lập lại cân bằng động và toàn thể của cơ thể.

YHCT xem sự tự động điều chỉnh, điều hòa các quá trình sống khác nhau và thích nghi với sự biến đổi của các yếu tố môi trường: Phong, Hàn, Thử, Thấp, Tdo, Hỏa (gió, lạnh, nắng, ẩm ướt, khô ráo, nóng) là CHÍNH KHÍ sức đề kháng. Khi các yếu tố gây bệnh vượt quá khả năng điều chỉnh, thích nghi của cơ thể, tức là trạng thái cân bằng bị phá vỡ sẽ phát sinh bệnh tật được gọi là TÀ KHÍ.
 
Lương y tư vấn những điều nên làm để phòng chống và đẩy lùi dịch COVID-19 theo y học cổ truyền
 
Theo lương y, thực chất của khỏe mạnh và bệnh tật là phản ứng, đấu tranh giữ CHÍNH KHÍ và TÀ KHÍ. Tà khí yếu chính khí mạnh thì cơ thể khỏe mạnh ngược lại tà khí mạnh chính khí yếu thì cơ thể bệnh tật. Quan niệm của YHCT về phòng và chống bệnh là phải luôn lấy PHÙ CHÍNH - KHỬ TÀ làm nguyên tắc.
 
Phù chính: Dùng mọi biện pháp: ăn uống, dùng thuốc, dưỡng sinh, thay đổi môi trường… để nâng cao chính khí, tăng cường thể chất, nâng cao sức đề kháng chống lại tà khí, diệt trừ bệnh tật.

Khử tà: Dùng mọi biện pháp dùng thuốc hoặc không dùng thuốc để diệt trừ các nguyên nhân gây bệnh.

Trong phòng ngừa và điều trị bênh tật cần phải:

- Điều chỉnh Âm - Dương: theo nguyên tắc “ Bổ bát túc” (Bổ xung những gì thiếu hụt) ví dụ: Người quá gầy yếu phải bổ xung dinh dưỡng; “ Tả hữu dư” ví dụ người quá béo, thừa cân (béo phì) phải điều chỉnh ăn uống, luyện tập để giảm cân, giảm béo phì…
- Điều hòa khí huyết: Theo YHCT khi không có huyết không hòa; huyết không có khí thì không vận hành được cho nên phải điều hòa khí huyết.
- Điều hòa tạng phủ: cơ thể là một khối thống nhất và quan hệ hữu cơ với nhau. Một tạng phủ nào bị bệnh sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống. Vì thế điều hòa tạng phủ là rất quan trọng.
- Điều hòa kinh lạc: Cũng như tạng phủ, các kinh lạc trong cơ thể quan hệ chặt chẽ với nhau, mở - đóng, vượng - suy theo thời gian trong ngày vì vậy nếu sinh hoạt trái quy luật đều dẫn đến hậu quả xấu. Ví dụ: Đêm thức - Ngày ngủ, ăn uống không điều độ, luyện tập quá sức…) đều không tốt.

Ngoài ra cần phải giữ trạng thái tinh thần, tình cảm cân bằng, không thái quá cũng đừng bất cập hỷ (vui mừng) Nộ (giận giữ), ố (ghen ghét), ưu (ưu tư, buồn phiền) Khủng (sợ hãi, bi quan). Vì các trạng thái tâm lý này làm hại các tạng phủ: Vui quá hại Tâm, Giận quá hại Can, ghen ghét, lo nghĩ quá hại Tỳ, ưu tư quá hại phế, sợ hãi quá hại Thận…

Từ những hiểu biết tổng quan như trên, để phòng chống đại dịch COVID-19, người dân nên thực hiện một số biện pháp để tăng cường miễn dịch (chính khí) đẩy lùi dịch bệnh (tà khí) theo các lời khuyên dưới đây của những cố nhân cũng như các nhà y học hiện đại:

- Ăn uống đầy đủ, đúng các, không quá thừa và đừng thiếu
+ Cân bằng dinh dưỡng giữa chất bột (gluxit), đạm (protein), chất béo (lipit)
+ Tăng cường bổ xung vitamin, chất khoáng (bằng tría cây, rau hoặc thực phẩm chức năng khi cần)
+ Không nên nhịn ăn bữa sáng, bữa tối không nên ăn quá no, ăn đúng giờ
+ Nhớ uống nước đầy đủ mỗi ngày 1,5 - 2 lít và đa dạng các loại thực phẩm.
- Luyện tập thường xuyên, đúng cách và phù hợp với tuổi tác, tình trạng sức khỏe của bản thân, không lười nhác và cũng đừng quá sức
- Ngủ đủ giấc và đúng giờ. Đừng quá thức khuya, dậy quá sớm. Tạo môi trường yên tĩnh, thoáng đãng để giấc ngủ yên.
- Hạn chế và tránh xa những yếu tố có hại cho sức khỏe và làm giảm sức đề kháng (chính khí)
+ Không hút thuốc
+ Hạn chế dùng các chất kích thích ( rượu bia, trà đặc, cà phê…)
+ Sử dụng máy tính, điện thoại, ti vi hợp lý
- Thích nghi với sự thay đổi của môi trường
+ Không ở những nơi quá nóng, quá lạnh, quá khô, hạn chế sử dụng máy điều hòa

Nếu sống, làm việc trong điều kiện khắc nghiệt phải có phương tiện phòng hộ như ra đường nhiều khói, bụi phải đeo khẩu trang, những ngày lạnh giá phải mặc ấm, đội mũ, những ngày nóng bức phải đội mũ, đeo kính khi ra đường, đồng thời hạn chế đến chỗ đông người nếu không cần thiết, nếu sống chung với người có bệnh phải có biện pháp cách ly…
 

Những bài thuốc và thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch trước COVID-19


Lương y Vũ Quốc Trung cũng tư vấn một số thuốc và thực phẩm giúp tăng miễn dịch và đề kháng theo y học cổ truyền cũng như y học hiện đại:
 
Lương y tư vấn những điều nên làm để phòng chống và đẩy lùi dịch COVID-19 theo y học cổ truyền

Nhân sâm: Có chứa nhiều glycosit và panasosit chứa nhiều loại vitamin có tác dụng tăng sinh lực, chống lão hóa điều hòa huyết áp và là một tác nhân thích nghi (adaptogen) đối với các điều kiện ngoại cảnh không bình thường. Giúp tăng thể lực, trí lực, tốt cho người yếu sức, mệt mỏi. Mỗi ngày nên dùng 10 – 15g nhân sâm thái lát sắc uống nhiều lần trong ngày. Cần lưu ý nhân sâm có tính hàn, nên những người có cơ địa hàn hoặc mắc các bệnh hàn (tiêu chảy) không nên dùng.

Tam thất: Có chứa nhiều Sapomin tương tự như nhân sâm, có tác dụng sinh huyết, bổ máu, tăng cường sinh lực (đặc biệt tốt cho người yếu mệt, phụ nữ sau sinh). Tam thất có thể nghiền nhỏ uống với mật ong vào mỗi buổi sáng (15g bột tam thất, 30ml mật ong. Hoặc 30g hầm với gà cho thêm hạt sen).

Nấm Linh Chi: Còn được gọi là nấm trường thọ. Trong nấm linh chi có chứa nhiều Prolysaccarit và Grano deric axit. Có tác dụng chống dị ứng, chống viêm, tăng sức đề kháng, miễn dịch, kéo dài tuổi thọ tăng trí nhớ. Nấm Linh Chi có thể thái lát dùng 20g đun 15-20 phút lấy nước uống trong ngày. Có thể pha thêm mật ong (20ml) hoặc nấu cùng với nhân sâm (15g) càng tốt.

Quả Nhàu: Trong quả nhàu có nhiều Ezym và tiền chất Xeromin, trong đó Xeromin tái tạo chức năng hoạt động của tế bào, giúp làm sống lại các tế bào, kích thích và điều hòa cơ thể, tăng cường hệ thống miễn dịch, chống lại bệnh tật và phục hồi sức khỏe. Nước ép trái nhàu khô uống hàng ngày. Từ trái Nhàu người ta chế thành NONI - một thực phẩm chức năng nổi tiếng trên thế giới.

Hai sâm: Là mối ăn bổ, tăng lực, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Hải sâm có nhiều ở vùng biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang. Hải Sâm có thể dùng nấu súp hoặc xào với nấm hương và thịt gà là món ăn ngon và tăng miễn dịch, đề kháng bệnh rất tốt.

Kỷ tử, Táo đỏ, Mộc nhĩ: Phối hợp với nhau mỗi thứ 10-15g là món ăn ngon giúp khí huyết lưu thông, bổ can thận tăng khả năng miễn dịch, chống bệnh tật rất tốt.

+ Kỷ tử: Vị ngọt, tính bình vào kinh can phế, thận. Kỷ tử có nhiều Betain, Lyzin, Caroten, các Vitamin B1,B2,C,A và nhiều vi lượng Fe (sắt), Ca (Canxi), P (photpho)…
+ Táo đỏ: Vị ngọt, tính ôn vào kinh tỳ vị thành phần có Saponin, Rutin nhiều Vitamin A,B,C Caroten và cá khoáng Fe (sắt), Ca (Canxi), P (photpho) giúp tăng miễn dịch đề kháng.
+Mộc Nhĩ: (Đen và trắng) còn gọi là ngân nhĩ có tính bình, vị ngọt có tác dụng tư âm, nhận phế, bổ não, cường tâm, ích khí hoạt huyết, có tác dụng chữa ho, hen, viêm phế quản và lao lực.

Cam, Chanh, Bưởi, Quýt: Có nhiều Vitamin C giúp tăng cường miễn dịch. Vitamin C còn bổ dưỡng kích thích hình thành các kháng thể chống nhiễm trùng. Nên ăn hàng ngày.

Bông cải xanh, Súp lơ: Là những loại rau chứa nhiều Vitamin B,C, khoáng chất và nhiều hoạt chất sinh học, khoáng vi lượng giúp tăng sức đề kháng, miễn dịch, nên ăn hằng ngày.

Bí đỏ, ớt chuông: Là thực phẩm giàu Vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng, miễn dịch. Bí đỏ có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon miệng như Xào, nấu canh, nấu chè… Đặc biệt Bí đỏ có thể bảo quản lâu ngày mà không bị hư hỏng, thích hợp cho việc dự trữ trong mùa dịch bệnh như hiện nay.

Gừng, Tỏi, Hành: Là những gia vị có nhiều hoạt chất sinh học như Phytonxit, Flavoit chống được vi khuẩn, vi rút (kháng khuẩn) tích tích tiêu hóa. Hàng ngày ăn vài lát gừng, mấy nhánh tỏi hoặc hành có tác dụng rất tốt trong mùa dịch để bảo vệ cơ quan hô hấp và đường ruột.
 
Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền, Hội Đông y Việt Nam