Thời tiết giao mùa là một trong những nguyên nhân khiến cho trẻ em bị ho. Nhiều bậc phụ huynh thường mua thuốc trị ho, điều trị cho con tại nhà, tuy nhiên không phải thuốc lúc nào cũng có thể tự ý dùng.
Theo các chuyên gia nhi khoa phân tích
, ho là một phản xạ tốt của cơ thể, nhằm bảo vệ đường hô hấp. Nếu mất đi phản xạ này, trẻ rất dễ bị suy hô hấp hay khó thở, rất nguy hiểm. Nguyên nhân gây ho cấp tính thường gặp nhất ở trẻ là những đợt viêm hô hấp cấp tính.
Phản xạ ho của cơ thể có thể bị kích thích thêm khi có gió nhiều, khi nhiệt độ thay đổi hoặc khi độ ẩm trong không khí thay đổi nhanh. Tuy nhiên, những yếu tố này chỉ làm tăng tạm thời phản ứng ho và không ảnh hưởng đến bản chất, nguyên nhân gây bệnh cũng như diễn tiến bệnh.
Những lưu ý khi dùng thuốc ho cho trẻ
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, trong một số trường hợp trẻ ho, tuyệt đối không dùng kháng sinh vì sẽ khiến ho kéo dài, không khỏi được. Giải thích về điều này, PGS.TS Dũng cho rằng, trong bệnh đường hô hấp chủ yếu các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, được chia ra hai nhóm bệnh nhiễm trùng hô hấp trên và hô hấp dưới (viêm phổi, viêm tiểu phế quản).
Trường hợp trẻ bị nhiễm trùng hô hấp trên thường không nguy hiểm và ít biến chứng, còn ngược lại hô hấp dưới nguy hiểm có thể gây tử vong cho trẻ.
Nguyên nhân trẻ bị viêm đường hô hấp trên thường liên quan đến virus hay còn gọi viêm mũi họng cấp do virus. Những bệnh này do virus gây ra, nếu sử dụng kháng sinh không có tác dụng.
Nhiều chuyên gia nhi khoa thấy rằng, để tự nhiên có bé tự khỏi trong vòng 2 – 3 ngày, cũng có bé dài đến 2- 3 tuần sau mới khỏi.
Ho ở trẻ tùy theo cấp độ, bố mẹ có cách xử lý để đạt hiệu quả nhất
Về đăc điểm, nhóm bệnh viêm hô hấp trên này ho rất dữ dội. Bố mẹ thường có tâm lý lo lắng khi thấy trẻ sổ mũi liên tục, có thể có triệu chứng sốt, nhưng thực tế không nguy hiểm. PGS Dũng cho biết, trong trường hợp này phụ huynh không cần chăm sóc gì đặc biệt, mà chỉ điều trị triệu chứng ho như cho bé uống siro trị ho, dùng xịt mũi khi bị chảy nước mũi, mỗi lần khỏi trẻ sẽ có kháng thể chống vi rút đó.
Bên cạnh đó, PGS Dũng cho biết rằng, nhiều cha mẹ đưa con đến khám có tâm lý lo lắng bởi vì đôi khi trẻ ho kèm theo nôn oẹ ra, đặc biệt là ho về đêm. Về cơ bản, hiện tượng này là do viêm hô hấp trên chảy mũi nhiều, khi trẻ nằm xuống gây hiện tượng nước mũi chảy vào trong họng nên gây ho và theo quy luận càng ho, càng nôn.
Trong khi đó, theo chia sẻ của BSCKI Hoàng Quốc Tưởng trên báo Sức khỏe & đời sống, đa số các bậc phụ huynh thường cố gắng thử nhiều loại thuốc siro ho với mong muốn dứt cơn ho.
Tuy nhiên, bác sĩ Tưởng lý giải, các siro ho thảo dược không có tác dụng cắt phản xạ ho mà chỉ làm làm giảm kích thích phản xạ ho. Vì thế, bố mẹ cho trẻ uống thuốc nhưng chỉ có thể giảm ho nhưng hoàn toàn không giảm bệnh. Bởi thuốc không diệt được virus hay vi khuẩn. Do đó, siro ho là chỉ là thuốc làm giảm triệu chứng mà không hoàn toàn làm thay đổi được diễn tiến cũng như ngăn ngừa được biến chứng của bệnh.
Không thể chủ quan, bởi siro ho vẫn có nguy cơ dị ứng và trẻ có khả năng ngộ độc vì một số thuốc có hoạt chất thuộc nhóm thuốc á phiện như dextromethorphan. Chất này có khá nhiều trong các loại siro ho trên thị trường tại Việt Nam. Ở một số nước như Mỹ, Úc và Canada, các tổ chức y khoa khuyến cáo không nên dùng thuốc ho cho trẻ nhỏ và chỉ nên sử dụng ở trẻ trên 2 tuổi.
Nếu bố mẹ muốn sử dụng siro ho để giúp bé ngủ ngon hơn, hãy tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ nhi khoa để tìm loại phù hợp với bệnh và được sử dụng đúng cách, đúng liều.
Cách giảm ho tạm thời cho bé
Để giảm cơn ho tạm thời cho bé, theo BSCKI Hoàng Quốc Tưởng, bố mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau:
Trẻ từ 2 tuổi trở lên có thể dùng mật ong để giảm triệu chứng ho. Nghiên cứu đã chứng minh, mật ong làm giảm triệu chứng ho ban đêm và trong các nghiên cứu này không cho thấy có biến chứng viêm phổi nào nếu dùng mật ong để giảm ho.
Trẻ lớn tuổi hơn được khuyến khích cho uống đủ nước để giảm ho.
Rửa mũi, xịt mũi giúp trẻ giảm dịch nhầy nũi, cũng phần nào làm giảm ho.
Hầu hết các trẻ nhiễm khuẩn hô hấp trên do virus hay ho và cảm lạnh không cần dùng thuốc ho, bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày hoặc 1 – 2 tuần.
Bố mẹ tuyệt đối không nên dùng kháng sinh khi trẻ bị ho
Cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Với trẻ nhỏ vẫn tiếp tục cho trẻ bú mẹ.
Nhớ giữ ấm cho trẻ nhưng không được để trẻ quá nóng.
Sử dụng thuốc paracetamol để điều trị sốt hoặc làm giảm đau họng cho trẻ cần làm theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Nếu thấy trẻ khó thở, thở nhanh hơn, bú kém hơn, không uống được và triệu chứng ốm nặng hơn,... rất có thể trẻ đang bị viêm phổi. Bố mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đi khám lại.
Trong một số trường hợp cần thiết có thể sử dụng thêm thuốc ho chế biến từ thảo dược như hoa hồng hấp đường, chanh hoặc quất hấp mật ong, lá hẹ…
Trên đây là những lưu ý khi cho trẻ uống thuốc ho, theo ý kiến của chuyên gia. Hy vọng bài viết sẽ đóng góp thông tin hữu ích với quý độc giả trong việc bảo vệ sức khỏe trẻ nhỏ.
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2020/03/04/Sai lầm trong sử dụng siro ho cho trẻ - VTV24_04032020125631.mp4[/presscloud]
Sai lầm trong sử dụng siro ho cho trẻ - VTV24