Sắt là một trong những khoáng chất vô cùng quan trọng đối với cơ thể con người, đặc biệt là với phụ nữ khi mang thai. Tuy nhiên, với các bà bầu, khi uống sắt cần hết sức lưu ý để thai nhi được an toàn.
Sắt - Dưỡng chất quan trọng với bà bầu
Theo các bác sĩ chuyên khoa, khi
mang thai, lượng dự trữ sắt trong cơ thể không đáp ứng nhu cầu tạo hồng cầu ngày càng nhiều để nuôi thai. Trong những tháng đầu tiên của thai kỳ, việc thiếu sắt sẽ gây ra sảy thai hoặc thai bị chết lưu.
Sắt có tác dụng quan trọng với bà bầu
Ở những giai đoạn sau, việc thiếu sắt có thể dẫn đến các hiện tượng đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai. Bà bầu khi thiếu sắt sẽ cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt và có khi còn ngất xỉu. Trong giai đoạn sinh nở, có thể sẽ bị băng huyết sau khi sinh, gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, việc bổ sung chất sắt vô cùng quan trọng đối với các sản phụ. Chúng ta có thể bổ sung sắt bằng thực phẩm hay thuốc đều tốt.
Sai lầm khi bổ sung sắt ở bà bầu
Chị Trà My (24 tuổi, ở Hà Nội) cho biết, vì mới mang thai lần đầu nên rất lo lắng. Chị đã lên mạng tìm hiểu nhiều thông tin, biết rằng việc bổ sung sắt rất quan trọng cho cả mẹ lẫn con. Vì vậy, ngay từ khi mới có thai, My đã mua cùng lúc nhiều loại sắt và kèm theo chế độ ăn gồm nhiều thực phẩm bổ sung sắt. Tuy nhiên, do sử dụng sai cách nên chị gặp tình trạng táo bón nặng kèm theo đau lưng, nôn ói, khó thở mới đi khám bác sĩ. Tại phòng khám, bác sĩ đưa ra kết luận, My bị thừa sắt do tự ý bổ sung quá liều.
Theo bác sĩ Trần Vũ Quang, khoa Sản 1, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), trường hợp trên không phải là hiếm. Có nhiều người khi mang thai lần 2, lần 3 vẫn gặp những sai lầm này trong việc bổ sung sắt, canxi, vitamin. Việc này xuất phát từ suy nghĩ, phụ nữ chưa đẻ bao giờ cũng thiếu hụt sắt, canxi nên “phòng hơn chống”, uống vào chỉ có tốt chứ chẳng gây hại gì.
Sắt có thể được bổ sung vào cơ thể bằng các nguồn thực phẩm
Bác sĩ giải thích, trong thời kỳ mang thai, thể tích của người mẹ tăng lên 50% để tăng lượng máu nuôi dưỡng thai nhi. Thông thường trong quá trình mang thai, chị em cần 1000 mg sắt để làm tăng khối lượng máu mẹ, cung cấp máu cho thai nhi và bù lại lượng máu mất lúc sinh.
Sắt chính là nguyên liệu để tổng hợp nên hemoglobin, làm cho hồng cầu có màu đỏ, giúp vận chuyển oxy trong máu đến với các mô trong cơ thể người mẹ và thai nhi. Bên cạnh đó, sắt cũng là thành phần của hemoglobin, có trong các mô cơ và tác dụng dự trữ oxy cho hoạt động của mô cơ, bằng cách kết hợp với các chất dinh dưỡng khác để giải phóng năng lượng cho sự co cơ. Đối với phụ nữ mang thai, sắt giúp tạo nên một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.
Là nguồn dưỡng chất quan trọng, thế nhưng bác sĩ Quang khuyến cáo: “Sắt có vai trò rất quan trọng đối với thai phụ, nhưng các bà mẹ tuyệt đối không được sử dụng bừa bãi, lạm dụng. Bởi tác hại của việc thừa sắt cũng nguy hiểm không kém việc thiếu sắt”.
Hậu quả của việc bổ sung quá nhiều sắt sẽ gây ra nguy cơ đái tháo đường. Bởi lượng sắt dưu thừa ở tuyến tụy sẽ gây ảnh hưởng xấu đến quá trình sản xuất insulin, khiến tăng lượng đường trong máu, dẫn đến việc bà bầu gặp phải bệnh tiểu đường thai kỳ. Kết quả, thai nhi khi sinh ra hay bị vàng da, hệ hô hấp khó hoàn thiện, ngoài ra bà bầu có nguy cơ sinh non.
Thừa sắt cũng dẫn đến bệnh viêm khớp do chất này làm tổn thương các mô, phá hủy lớp bao phủ xương nên dẫn tới tình trạng đau lưng, nhức mỏi chân… trong thai kỳ. Đồng thời, nguy cơ bị ngộ độc với những triệu chứng như buồn nôn, đau bụng, người xanh xao, tim đập nhanh bất thường, sốt…
Lưu ý của chuyên gia khi dùng sắt ở bà bầu
Chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, nếu muốn duy trì thai kỳ khỏe mạnh, người mẹ khi mang thai nên bổ sung ít nhất 27mg chất sắt mỗi ngày (không vượt quá 45mg), dùng trong suốt thời kỳ mang bầu và liều lượng phù hợp với từng trường hợp phải do bác sĩ khám và chỉ định.
Sắt không chỉ được bổ sung bằng thực phẩm mà còn được dùng bằng thuốc. Hiện nay, trên thị trường, sắt II sulfat thường được phối hợp với acid folic, vitamin C, vitamin nhóm B… do sự phối hợp này làm tăng tác dụng của thuốc. Tuy nhiên, khi dùng thuốc cần lưu ý:
Thời gian uống thuốc trong ngày: Nên uống vào lúc đói sẽ hấp thụ được tốt hơn. Bạn có thể uống trước khi ăn 1 giờ hoặc sau khi ăn 2 giờ. Duy trì uống liên tục trong suốt thời kỳ có thai cho đến 1 tháng sau khi sinh.
Uống thuốc với nửa cốc nước. Không nên nhai thuốc và nằm uống.
Nếu bổ sung sắt đồng thời với canxi, bạn nên uống hai loại thuốc này cách xa nhau. Nếu sau bữa sáng, bạn đã uống canxi thì vào buổi chiều sau ăn trưa 2 giờ mới uống sắt. Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế uống sắt hoặc canxi vào trước giờ đi ngủ vì chúng có thể gây nóng người khiến giấc ngủ không sâu.
Tuyệt đối không nên kết hợp uống sắt với nước trà, nó sẽ cản trở sự hấp thu sắt mà nên uống với nước đun sôi để nguội.
Không nên uống chung với một số thuốc khác, đặc biệt là các thuốc kháng axit trị viêm loét dạ dày, tá tràng, bởi nó làm cho sắt không được hấp thu và không uống chung với tetracyclin vì làm cho cả hai thuốc đều bị giảm hấp thu.
Các vấn đề có thể xảy ra khi dùng thuốc sắt
Theo các bác sĩ, những viên thuốc sắt cổ điển thường gây ra các vấn đề như khó chịu ở dạ dày, nóng ngực, có vị tanh kim loại ở miệng, đặc biệt là gây táo bón.
Điều này có thể là do cơ thể hấp thu kém hầu hết các dạng sắt. Vì vậy, khi sử dụng, một lượng lớn sắt bị đào thải ra ngoài theo đường tiêu hóa. Lượng sắt thừa này sẽ gây nên các tác dụng không mong muốn như trên. Vì vậy, nhằm hạn chế các tác dụng phụ này, phụ nữ mang thai nên thực hiện một số biện pháp:
Bổ sung quá nhiều sắt ở phụ nữ mang thai có thể gây rối loạn chức năng tim mạch
Giảm táo bón, bạn nên uống nhiều nước và bổ sung thực phẩm nhiều chất xơ hoặc có thể uống các loại thuốc trị táo bón theo đơn của bác sĩ.
Giảm tình trạng ợ nóng, khó chịu ở bụng, buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy, bạn hãy thử bổ sung sắt vào các thời điểm khác nhau trong ngày để tìm ra thời điểm thích hợp nhất.
Hoặc cũng có thể giảm liều lượng để cơ thể làm quen rồi từ từ tăng dần hoặc thử chia nhỏ lượng sắt cần uống thành nhiều liều để giảm thiểu sự khó chịu. Trường hợp không hiệu quả, mẹ bầu có thể tìm cách bổ sung một phần hoặc toàn bộ lượng sắt cần thiết qua thực phẩm. Bạn có thể dùng thuốc có hoạt tính chậm hơn.
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2020/03/03/Khi uống VIÊN SẮT thì tốt nhất KHÔNG NÊN ĂN những thực phẩm này_03032020124408.mp4[/presscloud]
Những loại thực phẩm không nên ăn khi uống sắt
Minh Tú (t/h)