Tại sao bà bầu dễ bị viêm họng?
Theo Bác sĩ Lê Quốc Tú - chuyên khoa Tai Mũi Họng, ba tháng đầu thai kỳ là thời gian bà bầu dễ bị viêm họng nhất. Các triệu chứng viêm họng như đau rát cổ họng kèm ho khan, hơi thở có mùi. Viêm họng có thể gây tăng tiết màng nhầy khiến bà bầu bị nghẹt mũi, ho khan hoặc ho có đờm, đau họng vô cùng khó chịu.

Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng viêm họng khi mang thai như sự thay đổi nội tiết tố và các yếu tố từ bên ngoài như: Ô nhiễm môi trường khói bụi làm tăng sinh các loại vi khuẩn như phế cầu, Hemophilus Influenzae, tụ cầu, liên cầu.
Mẹo chữa viêm họng cho bà bầu không cần thuốc
Thông thường để chữa viêm họng, người ta phải dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, bà bầu chỉ được dùng thuốc trong trường hợp có chỉ định của bác sĩ. Do đó, tham khảo một số mẹo chữa viêm họng cho bà bầu bằng những nguyên liệu đơn giản tại nhà.
Chanh và muối: Thái chanh thành những lát nhỏ trộn với muối hạt để ngậm có tác dụng hiệu quả khi bạn mới bị viêm họng. Nên ngậm ít nhất 5 lần/ngày, liên tục trong 2-3 ngày để thấy cổ họng dịu dần
Gừng, chanh và mật ong: Vài lát gừng tươi trộn với 1 thìa mật ong để ăn vào buổi sáng giúp củng cố niêm mạc họng, giảm sưng đau, khô rát. Sau khi ăn hỗn hợp này, bạn có thể uống thêm một cốc sữa nóng để cải thiện tình trạng ho khan.

Nước chanh + mật ong + gừng: Bạn dùng 1/4 quả chanh vắt lấy nước vào 1/2 cốc nước ấm hòa thêm 01 thìa mật ong, 01 thìa nước gừng. Khuấy đều hỗn hợp lên và nhấp từng ngụm nhỏ một, uống ngày 3 lần sẽ giảm viêm họng nhanh chóng.
Quất hấp mật ong: Chọn quất còn nguyên vỏ xanh 3-4 quả, rửa sạch để ráo, bổ đôi quả, bỏ hạt, thái lát mỏng, cho vào bát tô. Sau đó, đổ mật ong ngập phần quất rồi trộn đều cho quất thấm mật ong. Đem hỗn hợp hấp hoặc cho vào nồi đun cách thủy 10 – 15 phút, tới khi quất nhuyễn, quyện đều với mật ong tạo thành một thứ dịch sánh như siro. Để hỗn hợp nguội, ngày uống 2 – 3 lần. Nên nhớ ngậm hỗn hợp trong miệng vài phút chứ không nuốt ngay, để hỗn hợp trôi từ từ xuống họng để có hiệu quả tốt hơn.
Mật ong hấp tỏi: Đập giập 4 – 5 nhánh tỏi đem trộn đều mật ong, hấp cách thủy. Khi nào ngửi thấy mùi tỏi hăng hắc là dùng được. Để hỗn hợp nguội rồi uống 2 – 3 lần/ngày, mỗi lần 1 – 2 thìa. Tỏi và mật ong đều có tính kháng khuẩn tự nhiên, cải thiện tình trạng viêm họng đồng thời tăng sức đề kháng.
Húng chanh trộn muối: Húng chay có vị cay, tính ấm, có tác dụng tan đờm, tiêu độc, có thể dùng làm thuốc chữa ho, viêm họng. Các mẹ giã nát lá húng chanh trộn với 10ml nước sôi và một ít muối, để nguội bớt khi còn ấm rồi gạn lấy phần nước hơi đặc để uống. Ngày uống 2 lần vào sáng tối sẽ thấy tình trạng viêm họng cải thiện dần.
Nước giá đỗ luộc: Canh giá đỗ luộc rất tốt cho cổ họng, thường dùng trong trường hợp viêm họng, ho khan hay khan tiếng. Giá đỗ rửa sạch, luộc chín rồi lọc lấy nước uống, bà bầu cũng hoàn toàn có thể ăn phần giá đỗ đã luộc tuy nhiên phần nước có tác dụng chữa bệnh tốt hơn. Để nước luộc giá đỗ nguội bớt rồi cho vào bình đậy kín để giữ độ ấm. Khi uống nước giá đỗ đều đặn từng ngụm nhỏ sẽ làm dịu cổ họng đáng kể.
Ngoài một số mẹo trên, bà bầu bị viêm họng cũng cần chú ý giữ gìn vệ sinh mũi họng bằng cách thường xuyên súc họng bằng nước muối ấm hoặc nước muối sinh lý.
Phụ nữ mang thai chú ý giữ gìn sức khỏe bằng cách giữ ấm cơ thể, thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh bụi bẩn, vi khuẩn sẽ gây dị ứng hệ hô hấp. Khi dọn dẹp nhà cửa hay di chuyển ngoài đường phải che chắn, đeo khẩu trang để tránh hít phải khói bụi, vi khuẩn...