Chứng chân tay lạnh thường xuất hiện vào mùa đông. Bệnh không gây nguy hại nhưng về lâu dài có thể dẫn đến các bệnh khác như xương khớp.
Tay chân lạnh là tình trạng bệnh nhân luôn cảm thấy tay, chân lạnh buốt, đặc biệt là khi thay đổi
thời tiết. Chứng chân tay lạnh thường xảy ra vào mùa đông khi nền nhiệt thay đổi lạnh hơn, thì các bộ phận như bàn tay, bàn chân lạnh ngắt. Đây là một hiện tượng thông thường do cấu tạo tự nhiên của cơ thể, điều kiện thời tiết, giữ ấm không đúng cách. Bệnh tay chân lạnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở phụ nữ và
người cao tuổi là chủ yếu.
Nguyên nhân gây ra chân tay lạnh
Do sự lưu thông máu giảm: Mùa đông nhiệt độ hạ thấp khiến cho các thành mạch trong cơ thể co lại, ảnh hưởng xấu tới quá trình lưu thông máu. Lúc này, máu về tay chân (những điểm xa tim) giảm nên bộ phận này thường bị lạnh hơn so với các mùa khác trong năm. Tim không thể thực hiện tốt việc cung cấp máu đến các bộ phận ngoại vi của cơ thể: Do cơ thể thiếu máu – thiếu thể tích tuần hoàn máu, hemoglobin (một huyết cầu tố làm cho tế bào hồng cầu cũng như máu có màu đỏ) và các tế bào hồng cầu thấp.
Máu vận chuyển kém: Sự vận chuyển máu đến bàn tay và bàn chân lưu thông kém, làm cho bàn tay và bàn chân đặc biệt là ngón tay, ngón chân bị lạnh.
Do thói quen hút thuốc lá, cơ thể mệt mỏi, hay lo lắng: Nếu ở tình trạng này, động mạch ngoại vi của bạn trở nên hẹp hơn, dẫn tới hạn chế sự lưu thông của máu đến bàn tay và bàn chân.
Sự thay đổi hormone trước kỳ kinh nguyệt: Đây là thay đổi do nội tiết gây ra, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, mạch máu dưới da và làm giảm lưu lượng máu, làm máu lưu thông kém.
Cơ thể thiếu chất dinh dưỡng: Nếu bạn là người ăn kiêng quá mức hoặc chán ăn, cũng dẫn đến sự lưu thông máu kém.
Ngoài ra, lạnh tay chân mùa đông cũng có thể là biểu hiện ủ bệnh của một căn bệnh nào đó như hội chứng Raynaud (do thiếu máu cục bộ nhiều giai đoạn ở các đầu ngón tay, ngón chân). Nếu hiện tượng này diễn ra lâu dài sẽ dễ dẫn đến xơ da đầu ngón, cơ, xương cũng bị ảnh hưởng. Hội chứng này cũng dẫn tới các vấn đề về tuần hoàn, viêm phế quản mãn tính và bệnh động mạch.
Mẹo khắc phục chân tay lạnh vào mùa đông
Uống đủ nước và cho 1 ít cành quế vào
Việc uống đủ nước là một việc mọi người thường không thực hiện đầy đủ vào mùa đông vì nhiều nguyên nhân, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy việc bạn uống đủ 1,5-2 lít nước / ngày vào mùa đông sẽ giúp cải thiện tuần hoàn của bạn. Việc uống đủ nước vào mùa đông dường như khá khó với một số người, bạn cải thiện bằng cách mang theo mình một bình nước ấm, vừa giúp giữ ấm trong mùa đông, giúp bạn dễ dàng kiểm soát việc uống nước của bản thân. Nếu cầu kỳ hơn, bạn có thể cho các vị thuốc thảo dược vào – bạn sẽ có một bình trà rất xinh vào mùa đông này đấy. Quế chi được sử dụng rất nhiều trong y học cổ truyền trong điều trị chứng tê bì chân tay , việc thêm 1 ít quế chi ( cành quế nhỏ ) vào ly nước ấm của bạn sẽ giúp thúc đẩy khí huyết, lưu thông kinh mạch.
Massage
Trên bàn tay và chân của bạn có rất nhiều huyệt đạo chủ chốt cho việc lưu thông khí huyết, việc
massage chúng trước lúc đi ngủ sẽ giúp tay chân bạn ấm lên để bạn có một giấc ngủ ngon suốt cả đêm. Một số huyệt thường dùng là Hợp cốc, Nội quan, Dũng Tuyền, Thái khê, Hành gian, Thái xung. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc xác định huyêt đạo, không sao cả, hãy massage nhẹ nhàng chân và tay mình theo hướng từ cổ tay, cổ chân ra đến từng ngón tay, ngón chân. Vì số lượng huyệt đạo thường tập trung nhiều vào những vùng này.
Ngâm tay, chân vào nước ấm
Nước nên để ở nhiệt độ ấm vừa phải tầm 40-45 độ, thêm vào đó một vài lát gừng và muối. Ngâm nước ấm vào buổi tối cũng giúp bạn thư giãn. Liệu pháp ngâm chân, tay này rất thích hợp với những bệnh nhân có bệnh phong thấp. Lưu ý, khi ngâm xong nên lau khô tay chân, tránh để nhiễm cảm lạnh, cảm thấp từ nước ngâm, cách tốt nhất là sau khi ngâm tay chân vào nước ấm hoặc nước thuốc, nên dùng máy sấy để sấy thật khô tay mình , giúp phòng chống những bệnh về thấp, cước khí là những bệnh vốn rất hay gặp ở nước nhiệt đới khí hậu ẩm thấp như nước ta.
Ăn uống đủ chất, ưu tiên các thực phẩm giàu năng lượng
Bạn có thể sử dụng một vài vị thuốc của
Đông y trong bữa ăn để giúp cho việc sinh khí huyết như đại táo, cam thảo , hoàng kỳ… Các vị này thường được bán sẵn trong siêu thị dưới dạng thuốc Bắc cho các món hầm, món tần. Các loại thức ăn chứa màu đỏ như thịt đỏ và rau củ có màu đỏ thường chứa rất nhiều sắt, giúp bổ sung lượng sắt cho cơ thể đặc biệt là chị em phụ nữ tạo những thói quen tốt, đừng để bản thân tiếp xúc với môi trường lạnh giá lâu, điều đó về lâu dài sẽ khiến bạn mắc những bệnh liên quan đến cơ
xương khớp.
Tránh xa thuốc lá
không uống rượu với mục đích làm ấm chân tay: một số người nghĩ rằng việc uống 1 vài ly rượu sẽ giúp cơ thể ấm hơn vào mùa đông, đúng là rượu giúp giãn mạch có thể giúp ích trong việc tăng cường lưu thông của tuần hoàn khí huyết, nhưng cần cân nhắc tác dụng và ích lợi của việc này.
Tắm nắng
Y học cổ truyền cho rằng, cơ thể con người nên tăng thêm phần khí dương bằng cách tắm nắng. Thời gian tốt nhất cho việc tắm nắng là vào buổi chiều từ 16 đến 18 giờ, mỗi lần khoảng nửa giờ. Ngoài ra, trong khi tắm nắng có thể massage xoa bóp khắp cơ thể, giúp điều chỉnh phần tạng phủ trong cơ thể.
Không thức trắng đêm
Ở đô thị, nhiều người thức đến 3 hoặc 4 giờ sáng. Hành động này sẽ làm cho bàn chân, bàn tay lạnh, não bộ mất kiểm soát, hệ thống miễn dịch bị yếu, cơ thể dễ bị nhiễm bệnh. Mùa thu và mùa đông cần đảm bảo giấc ngủ đầy đủ. Điều chỉnh lịch ngủ nghỉ hợp lí, ngủ sớm nếu công việc cho phép.