Tối 18/4, Ban giám đốc công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam thông báo đã có quyết định tạm thời ngừng vị trí công tác của ông Nguyễn Nhật Anh, Tổng giám đốc công ty.
Trước đó, vị Tổng giám đốc này bị tố giác có hành vi không đứng đắn, quấy rối một nữ nhân viên dưới quyền trong thời gian làm việc. Sự việc gây ảnh hưởng lớn khi nhiều đối tác của công ty tuyên bố ngừng hợp tác, yêu cầu đơn vị này phải giải quyết thỏa đáng.
Thực tế, hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc và các chế tài xử lý với người có hành vi này đã được Bộ luật Lao động năm 2019 quy định rất rõ, để bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 quy định: "Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động".
Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết hơn, mô tả rõ 3 hành vi được xác định là quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Với mô tả này, hành vi quấy rối tình dục được xác định cụ thể.
Trong trường hợp bị quấy rối tình dục, người lao động được pháp luật bảo vệ, trước hết là quy định người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước cho đơn vị, vẫn được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp như nghỉ việc hợp pháp.
Đồng thời, người lao động có thể xúc tiến các hoạt động bảo vệ quyền lợi của mình như tố cáo, yêu cầu đơn vị giải quyết quyền lợi cho mình và xử lý người vi phạm, đòi bồi thường thiệt hại…
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019, người có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật sa thải. Người bị quấy rối có thể tố cáo đến ban lãnh đạo đơn vị để xử lý người có hành vi quấy rối.
Trong trường hợp ban lãnh đạo cơ quan/đơn vị không giải quyết tố cáo hoặc giải quyết không thỏa đáng, người lao động có thể khiếu nại đến đơn vị quản lý lao động tại địa phương (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ở nơi người lao động làm việc) để bảo vệ quyền lợi của mình.
Từ khiếu nại của người lao động, cơ quan quản lý lao động sẽ xác minh thực tế, đánh giá mức độ hành vi để xử phạt hành chính hoặc chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự.
Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định rất chi tiết về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động. Tại Khoản 3 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, Chính phủ quy định: "Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự".
Trong trường hợp người quấy rối có hành động hoặc lời nói làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người lao động thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác (quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).
Bên cạnh đó, người lao động có thể khởi kiện ra tòa án địa phương, yêu cầu người có hành vi quấy rối bồi thường thiệt hại do bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015.
Tùng Nguyên