Nhật Bản chia tay máy bay trinh sát chiến thuật RF-4E

Sau 45 năm phục vụ, máy bay trinh sát chiến thuật RF-4E đã được Nhật Bản cho “về hưu”.

Hôm 09/03/2020, Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (Japan Air Self-Defense Force - JASDF) đã tổ chức chuyến bay nghi lễ để chia tay loại máy bay trinh sát RF-4E - biến thể trinh sát chiến thuật của máy bay chiến đấu McDonnell Douglas F-4 Phamtom II (Bóng ma II).

Chuyến bay chia tay được thực hiện tại căn cứ sân bay của Phi đoàn trinh sát chiến thuật 501 (501 Hiko-tai) tại Hyakuri. Đơn vị này đã vận hành loại máy bay RF-4E và RF-4EJ trong vòng 45 năm, kể từ năm 1975.

Một biên đội bay bốn chiếc RF-4E và RF-4EJ đã tham gia vào chuyến bay nghi lễ. Chiếc máy bay trinh sát RF-4E mang số hiệu 47-6901 là chiếc máy bay hạ cánh cuối cùng. Đây cũng là chiếc máy bay RF-4E đầu tiên được chế tạo và bàn giao cho Nhật Bản. Sau khi hạ cánh, chiếc máy bay số hiệu 47-6901 đã được đội cứu hỏa sân bay Hyakuri vinh danh bằng “lời chào nước”, tức một cổng vòm làm bằng dòng nước áp lực cao - tạo ra bằng hai chiếc xe vòi rồng cứu hỏa đối diện với nhau.

Máy bay RF-4E số hiệu 47-6901 hoàn thành chuyến bay cuối cùng tại Nhật Bản

Máy bay RF-4E số hiệu 47-6901 hoàn thành chuyến bay cuối cùng tại Nhật Bản

JASDF đã mua các máy bay trinh sát RF-4E vào năm tài khóa 1972 để thay thế cho các máy bay RF-86F Saber của Phi đoàn trinh sát chiến thuật 501. Việc mua sắm này diễn ra cùng lúc với các phiên bản máy bay chiến đấu F-4EJ, bao gồm cả nhập khẩu trực tiếp và lắp ráp nội địa bởi Mitsubishi Heavy Industries. Điều này đã gây ra một cuộc tranh luận chính trị lớn về việc liệu một lực lượng “tự vệ” trên không có thể được trang bị máy bay ném bom hay không? Điều này dẫn đến việc các phiên bản F-4EJ đầu tiên không được trang bị thiết bị tiếp nhiên liệu trên không, và khả năng mang các vũ khí tấn công mặt đất (tuy nhiên sau đó các tính năng này của máy bay đã được phục hồi).

Tổng cộng, Mitsubishi đã chế tạo 138 chiếc F-4EJ theo giấy phép sản xuất tại Nhật Bản, ngoài ra còn có thêm 14 chiếc thuộc phiên bản trinh sát không vũ trang RF-4E được nhập khẩu (các máy bay này được sản xuất tại nhà máy của McDonnell Douglas ở St. Louis). Trong số đó, 96 chiếc F-4EJ đã được cải tiến theo tiêu chuẩn F-4EJ Kai (Cải biến) với hệ thống dẫn đường quán tính laser, radar APG-66J và các nâng cấp cho hệ thống điện tử khác. 17 chiếc F-4EJ được trang bị cụm trinh sát chụp ảnh tầm xa LOROP và được cải biến thành máy bay trinh sát. Những chiếc máy bay này cũng được nâng cấp tương tự F-4EJ Kai thành kiểu RF-4EJ.

Hai phiên bản máy bay RF-4E (phía trước ảnh) với camera gắn trên mũi và RF-4EJ (phía sau ảnh) của Phi đoàn trinh sát chiến thuật 501

Hai phiên bản máy bay RF-4E (phía trước ảnh) với camera gắn trên mũi và RF-4EJ (phía sau ảnh) của Phi đoàn trinh sát chiến thuật 501

Các máy bay RF-4EJ đầu tiên đã được triển khai đến sân bay Hyakuri vào tháng 12/1974. Đến tháng 09/1975, Phi đoàn trinh sát chiến thuật 501 đã hoàn thành huấn luyện chuyển loại máy bay. Các máy bay của 501 Hiko-tai đã được trang trí với huy hiệu hình chim gõ kiến của phi đoàn.

Trong thập niên 1980, song song với quá trình nâng cấp các máy bay F-4EJ lên chuẩn F-4EJ Kai, các máy bay RF-4E cũng được nâng cấp, lắp đặt radar APQ-172 thay cho loại cũ APQ-99, cùng các cảm biến trinh sát hiện đại hơn. Phi đoàn trinh sát chiến thuật 501 cũng được tiếp nhận 15 máy bay RF-4EJ mới - là những máy bay chiến đấu không được nâng cấp lên chuẩn Kai, mà được cải biên cho nhiệm vụ trinh sát.

Mặc dù các máy bay RF-4EJ cải biên được giữ lại hình dạng mũi máy bay ban đầu, song các phiên bản cải biên này đã có thể mang được ba loại hệ thống trinh sát trong vỏ hòa nhập khí động, dưới các mấu treo cứng ở thân máy bay. Các tùy chọn khí tài trinh sát bao gồm hệ thống máy ảnh trinh sát chiến thuật (Tactical Reconnaissance Camera - TAC), hệ thống trinh sát điện tử chiến thuật (Tactical Electronic Reconnaissance - TACER), và hệ thống trinh sát quang học tầm xa (Long-range Oblique Photography - LOROP). Các phiên bản máy bay trinh sát cải tiến sau này được bổ sung kính ngắm chuyên dụng ở phía sau buồng lái, nhưng chỉ được áp dụng với một số lượng nhỏ máy bay. Trong tổng số 29 chiếc RF-4E/EJ, chỉ có 02 chiếc bị mất vì tai nạn.

Các máy bay của Phi đoàn trinh sát chiến thuật 501, với biểu tượng chim gõ kiến

Các máy bay của Phi đoàn trinh sát chiến thuật 501, với biểu tượng chim gõ kiến

Hiện nay, vẫn chưa rõ số phận của Phi đoàn trinh sát chiến thuật 501 sau khi cho ngừng bay các máy bay RF-4E/EJ. Kể từ tháng 12/2018, khi Phi đoàn trinh sát chiến thuật 302 tại Misawa cho ngừng bay các máy bay RF-4EJ Kai để chuyển đổi thành đơn vị F-35A đầu tiên của JASDF, thì Phi đoàn trinh sát chiến thuật 501 đã trở thành một trong những đơn vị cuối cùng vận hành loại máy bay huyền thoại Phantom II (Con ma II). Trong năm 2020, Phi đoàn tiêm kích chiến thuật 301 cũng sẽ ngừng bay loại máy bay chiến đấu F-4EJ, để đến căn cứ Misawa chuyển loại bay F-35A.

Trên quê hương của những chiếc Phantom II, dòng máy bay huyền thoại này đã dừng bay vào tháng 12/2016, khi Không quân Hoa Kỳ ngưng sử dụng các mục tiêu bay QF-4E ở căn cứ không quân Holloman, New Mexico. Ở Hàn Quốc, các máy bay F-4E vẫn đang hoạt động để chờ được thay thế bằng F-35A. Không quân Hy Lạp vẫn sử dụng các phiên bản F-4E đã được nâng cấp lên tiêu chuẩn Peace Icarus 2000 (Hòa bình Icarus 2000) bởi EADS (Airbus). Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kĩ lại chọn Israel làm đối tác để nâng cấp các máy bay F-4 lên tiêu chuẩn F-4E-2020 Terminator (Kẻ hủy diệt). Ở một quốc gia đối địch với Hoa Kỳ là Iran, ước tính vẫn có đến 50 chiếc Con ma II hoạt động, thuộc các phiên bản F-4D, F-4E, và RF-4E.

Bài liên quan