Sau nhiều kết quả thí nghiệm tích cực, các nhà nghiên cứu hy vọng phát minh này có thể cung cấp năng lượng cho các thiết bị điện tử sinh học cấy ghép vào cơ thể người - chẳng hạn hệ thống truyền thuốc và cảm biến theo dõi.
Trong một bài viết của nhóm nghiên cứu thuộc Trường ĐH Lan Châu đăng trên tạp chí khoa học Science Advances tuần trước, họ nhận định các thiết bị cấy ghép đang phát triển mạnh song các thiết bị sạc cho chúng lại không theo kịp.
Các thiết bị sạc có thể phân hủy sinh học hiện nay thường chỉ dùng được một lần và không cấp đủ năng lượng. Trong khi đó, những thiết bị sạc qua da có thể gây sưng viêm, còn thiết bị sử dụng pin không sạc thì phải phẫu thuật để thay pin, dẫn đến các biến chứng về sau.
Thiết bị sạc của nhóm nghiên cứu trên có hình dạng như một con chip, thích ứng được với mô và các cơ quan nội tạng nhờ thiết kế mềm dẻo.
Bên trong nó bao gồm một cuộn magie, có khả năng sạc khi một cuộn truyền dẫn khác được đặt lên vùng da bên ngoài vị trí cấy ghép. Năng lượng mà cuộn dây nhận được sẽ lưu trữ trong các siêu tụ điện ion kẽm và được "phát ra một cách ổn định".
Cũng theo nghiên cứu, kẽm và magie đều cần thiết cho cơ thể con người và lượng kẽm, magie chứa trong thiết bị thấp hơn mức tiêu thụ hằng ngày.
Các cuộc thử nghiệm trên chuột cho thấy thiết bị hoạt động hiệu quả trong tối đa 10 ngày và tan hoàn toàn sau 2 tháng. Có thể điều chỉnh thời gian thiết bị hoạt động bằng cách thay đổi độ dày và tính chất hóa học của lớp bọc ngoài. Các nhà nghiên cứu cho hay vẫn còn vấn đề đối với bật và tắt thiết bị vì nó chỉ dừng hoạt động khi hết năng lượng.
Nguyên Nguyễn