Sài Gòn sắp khởi công 3 nhà máy đốt rác phát điện, giảm 50% lượng rác thải chôn lấp

Sở TN&MT TP.HCM định hướng tới năm 2020, 50% rác thải sẽ được xử lý sau khi đưa 3 nhà máy đốt rác phát điện vào hoạt động.
Chiều 26/8, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM đã chủ trì buổi họp báo công bố định hướng của TP.HCM về xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và chuyển đổi sang công nghệ đốt rác phát điện trên địa bàn thành phố.
 
Theo báo cáo của Sở TN&MT TP.HCM, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đã thu gom, vận chuyển năm 2018 của thành phố là 3.077.382,78 tấn, trung bình 9.213,72 tấn/ngày (tăng 4,19 % so với năm 2017).
 
Hiện nay, việc xử lý chất thải của Thành phố chủ yếu là chôn lấp. Phần còn lại là chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt (không thu hồi năng lượng), sản xuất phân bón và tái chế nhưng tỉ lệ xử lý còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của Thánh phố.
 
Mặc dù các bãi chôn lấp tại Thành phố là chôn lấp hợp vệ sinh. Tuy nhiên, công nghệ chôn lấp chỉ phù hợp với điều kiện kinh tế của Thành phố ở giai đoạn trước đây, trong đó hạn chế lớn nhất là tồn tại mùi hôi trong một số thời điểm.
 
Ông Nguyễn Toàn Thắng phát biểu trong buổi họp báo.
 
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, mô hình đốt rác phát điện được UBND Thành phố chấp nhận chủ trương. Hiện nay, đã có 3 doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ xử lý rác từ tái chế sang đốt rác phát điện.
 
Ba đơn vị này gồm: Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Tâm Sinh Nghĩa, Công ty cổ phần Vietstar và Công ty cổ phần Tasco. Mỗi doanh nghiệp định hướng tới năm 2020, sẽ xây dựng một nhà máy đốt rác phát điện công suất 2.000 tấn/ngày.
 
3 nhà máy đốt rác phát điện sẽ được khởi công vào tháng 10/2019.
 
Các nhà máy này được áp dụng công nghệ đồng bộ (đốt thu hồi năng lượng phảt điện) với hiệu suất cao; không phát tản mùi hôi, khí thải, nước thải, chất thải rắn phảt sinh; máy móc thiết bị nhà đầu tư cam kết mới 100% và về mặt kỹ thuật công nghệ, Thành phố sẽ tổ chức Hội đồng thẩm định để đảm bảo cho sự phảt triển bền vững môi trường của thành phố.
 
Ông Thắng cho biết theo chỉ đạo của thành phố, các chủ đầu tư đã hoàn thiện thủ tục pháp lý để sớm khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện. Tuy nhiên, các Sở, ban, ngành thành phố sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong việc xử lý, phối hợp xử lý thủ tục cho các nhà đầu tư nhằm rút ngắn thời gian thực hiện dự án.
 
Đồng thời, trong quá trình xây dựng, vận hành, Sở TN&MT TP.HCM sẽ giám sát chủ đầu tư thực hiện đúng các nội dung Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) do Bộ TN&MT thẩm định và phê duyệt. Đồng thời, các thông số môi trường tại Nhà máy xử lý rác sẽ được được quan trắc tự động và chuyển số liệu về Sở TN&MT theo dõi, giám sát.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/08/27/Nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên ở Cần Thơ hoạt động - Tiêu điểm nóng 09-12-2018_27082019092453.mp4[/presscloud]
Nhà máy đốt rác phát điện ở Cần Thơ.

Xem thêm: Rác thải nhựa huỷ hoại nguồn thuỷ sinh

Hồng Nhung (t/h)