
Ngày 6/8, Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội đã phê chuẩn quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với 3 bị can là cán bộ quận Hà Đông vì liên quan đến vụ án Lừa dối khách hàng xảy ra tại dự án CT6 Bemes do Công ty cổ phần sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes của ông Lê Thanh Thản làm chủ đầu tư.
Các bị can gồm: Nguyễn Duy Uyển (55 tuổi, Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, quận Hà Đông), Vương Đăng Quân (61 tuổi, nguyên Phó chánh Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông) và Mai Quang Bài (59 tuổi, cán bộ Đội Quản lý trật tự xây dựng quận Hà Đông).
Ba bị can nói trên cùng bị khởi tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 Điều 360 Bộ luật hình sự 2015. Quyết định tố tụng được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội tống đạt hôm nay.
Trước đó, cơ quan tố tụng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lê Thanh Thản về tội danh “Lừa dối khách hàng” và thi hành lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của Lê Thanh Thản.
Ông Lê Thanh Thản bị điều tra vì có liên quan đến tổ hợp chung cư, thương mại do Công ty cổ phần sản xuất-xuất nhập khẩu Bemes làm chủ đầu tư tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông. Ông Lê Thanh Thản chính là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes.

Dự án CT6 Bemes ở Hà Đông được duyệt gồm 2 tòa nhà với 936 căn hộ cao tầng. Tuy nhiên, công ty của ông Lê Thanh Thản đã xây thêm một tòa, nâng tổng số căn lên con số gần 1.600.
Nhiều người dân mua nhà tại dự án CT6 Bemes đã có đơn kiến nghị gửi các sở ngành của Hà Nội đề nghị được cấp sổ đỏ. Theo phản ánh, hàng trăm người mua nhà tại dự án CT6 Bemes từ năm 2012 nhưng đến nay chưa được cấp sổ đỏ.
Thực tế, ngay tại Hà Nội, những sai phạm tại các dự án của đại gia Lê Thanh Thản diễn ra nhiều năm, trên nhiều quận, huyện của TP Hà Nội, dưới nhiều đời lãnh đạo. Nếu mở rộng điều tra chắc chắn nhiều lãnh đạo các phường, quận, thậm chí sở, ngành Hà Nội sẽ liên đới trách nhiệm.
Sai phạm tại các dự án của ông Lê Thanh Thản
Trong đó, các sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh xảy ra chủ yếu ở khu đô thị Linh Đàm với các dự án nhà ở tại: VP6 Linh Đàm; HH1, HH2, HH3, HH4 thuộc ô CC6 khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm; VP5 Linh Đàm và VP3 Linh Đàm.
Được biết, Khu đô thị Linh Đàm do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 200 ha (bao gồm 74 ha hồ điều hòa) và quy mô dân số là 25.000 người. Tổng diện tích sàn nhà ở: 990.000 m2.
Dự án được thực hiện theo đúng quy hoạch với các yếu tố đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, khai thác lợi thế về cảnh quan thiên nhiên như diện tích mặt nước hồ Linh Đàm (theo quy hoạch là 74 ha), tạo ra những công viên với mật độ cây xanh rất cao (13m2/người).
Tuy nhiên, trái với những gì đã đưa ra ban đầu, khu đô thị Linh Đàm sau hơn 10 năm phát triển đã trở một trong những khu đô thị đông dân nhất tại Hà Nội, quy hoạch bị băm nát.
Cụ thể, năm 2007, năm 2010, HUD chuyển giao hạ tầng kỹ thuật 7 lô đất cho các công ty gồm Công ty BEMES, Công ty Thành Nam, Công ty COMA 18, Công ty Hợp Phú để thực hiện các dự án theo quy hoạch. Trên thực tế, các doanh nghiệp trên đã chuyển nhượng lô đất cho Mường Thanh và Công ty BEMES.

Theo quy hoạch, tổ hợp HH được xây dựng 12 tòa nhà nhỏ trên khu đất phía Tây Nam bán đảo Linh Đàm để làm khu văn phòng, khách sạn và nhà ở cao cấp. Chiều cao các tòa nhà khoảng 25-35 tầng tạo điểm nhấn. Mật độ xây dựng tại đây chỉ khoảng 20-30%.
Nhưng thực tế, khu HH lại có tới 12 tòa nhà chung cư cao tầng, mật độ xây dựng trên 50%.
Khu đất VP6 được quy hoạch là khu nhà ở thấp tầng nằm phía bắc bán đảo Linh Đàm, cạnh đường vành đai 3. Tuy nhiên, thực tế khu đất biến thành tòa nhà cao tới 35 tầng, án ngữ một vùng đô thị bán đảo Linh Đàm.
Chung cư VP3 và VP5 Linh Đàm nằm ở khu vực trung tâm bán đảo Linh Đàm. Theo quy hoạch, khu đất được xây dựng làm khu văn phòng là điểm nhấn, trung tâm của khu đô thị Linh Đàm.
Hai tòa nhà đã bị chuyển đổi thành đất ở với hệ số chiếm đất lên tới trên 90% và chiều cao 33 tầng (vượt 8 tầng so với quy hoạch).
Như vậy, HUD với vai trò là chủ đầu tư của khu đô thị nhưng sau khi chuyển nhượng đã không giám sát, không báo cáo cơ quan chức năng về các vi phạm của dự án để xử lý theo hợp đồng chuyển giao hạ tầng kỹ thuật. HUD đã không thực hiện trách nhiệm của mình khi được giao làm chủ đầu tư cấp 1. Sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh cũng có phần trách nhiệm của HUD trong đó.

Đầu năm 2019, trong danh sách những dự án chung cư, nhà cao tầng vi phạm trật tự xây dựng đang được TP Hà Nội xem xét, chuyển sang Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) để làm rõ, có tới 8 dự án liên quan tới Tập đoàn Mường Thanh.
Các dự án vi phạm như: Dự án Khu nhà ở Xa La (ở phường Phúc La, quận Hà Đông); Dự án nhà ở Đại Thanh (ở xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì); Dự án Công trình hỗn hợp nhà ở và trung tâm thương mại CT5 (ở xã Tân Triều, Thanh Trì); Dự án nhà ở CT11, CT12 tại lô CT2 khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ cũng nằm trong danh sách bị chuyển sang cơ quan điều tra…
Dưới thời lãnh đạo Hà Nội nào?
Trước sai phạm Mường Thanh, Thanh tra Thành phố Hà Nội đã làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, địa phương liên quan tại kết luận thanh tra toàn diện việc đầu tư, quản lý, sử dụng đất đai tại các dự án nhà ở do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (Mường Thanh) đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác đầu tư trên địa bàn Hà Nội vào tháng 8/2016.
Cụ thể, Thanh tra thành phố khẳng định, các vi phạm diễn ra trong thời gian dài nhưng không bị phát hiện, xử lý. Ngoài trách nhiệm của các doanh nghiệp, còn có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, của chính quyền sở tại nơi có dự án đã thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra, buông lỏng quản lý, không có biện pháp xử lý.

UBND các quận Hoàng Mai, Hà Đông, được kết luận đã buông lỏng quản lý trong công tác quản lý đầu tư, xây dựng, quản lý đất đai. Khi các dự án có vi phạm đã không kiểm tra, xử lý các vi phạm 3/7 dự án (VP3, VP5, VP6).
Đáng chú ý, thời kỳ Mường Thanh xây dựng dự án HH Linh Đàm, ông Nguyễn Mạnh Hoàng, giữ chức Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai; Ông Nguyễn Trọng Đông là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Ông Nguyễn Thế Hùng làm Giám đốc Sở Xây dựng đến năm 2014 được bổ nhiệm Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội từ tháng 5/2014 là ông Lê Văn Dục. Cũng trong thời gian này, người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội là Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo (từ năm 2007-2015).
Thanh tra Thành phố Hà Nội đã kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, Chủ tịch UBND quận Hà Đông, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt, Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng tại thời điểm diễn ra vi phạm đã buông lỏng quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng để tồn tại nhiều dự án có vi phạm nghiêm trọng trên địa bàn thành phố.
Chung cư Mường Thanh: Hà Nội rà soát để cấp sổ đỏ dự án chung cư vi phạm?Người dân quan tâm đặt ra câu hỏi, Hà Nội rà soát các trường hợp dự án chung cư vi phạm nhằm mục đích để cấp mới hay để thu hồi sổ đỏ?. |
Đà Nẵng đề nghị khởi tố sai phạm tại tổ hợp khách sạn Mường ThanhSở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, đã chuyển hồ sơ cho Công an TP để xem xét đề nghị khởi tố chủ đầu tư Tổ hợp khách sạn Mường Thanh về việc bán sản phẩm có dấu hiệu lừa dối khách hàng. |
Thu hồi sổ đỏ của cư dân Mường Thanh: Sốc với phát ngôn 'vô trách nhiệm' của Giám đốc VP Đăng ký đất đaiTrả lời báo chí về việc cấp và thu hồi hàng trăm sổ đỏ của cư dân Mường Thanh, ông Trần Anh Dũng - Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội (Sở TN&MT Hà Nội), đã có câu trả lời khiến dư luận phẫn nộ. |