
Sáng tạo ngôn ngữ khi 'yêu'
15:21 11/09/2019
Ngôn ngữ tình yêu có khi là một thói quen. Có lúc là sáng tạo. Là một biểu hiện âu yếm khó có thể thiếu được trong cuộc sống lứa đôi. Mỗi cặp đôi lại có với nhau những “ngôn ngữ” riêng mà chỉ họ mới hiểu được.
Có anh bạn chưng hửng khi bị cô bạn gái mới quen nhắn tin chê rằng, anh… cù lần quá, em đã phát tín hiệu rồi mà anh cứ làm thinh hoài. Đèn xanh đã bật, anh chẳng thèm tiến tới, ít ra cũng có… phản hồi, chứ làm gì mà im lìm vậy. Anh đàn ông hết sức thanh minh là “oan uổng lắm, anh… có thấy gì đâu mà nỡ kết luận anh vô tình không hợp tác kia chứ!”.
Sau một hồi dài dòng dỗ dành năn nỉ, mới hay, trong lúc bặm gan nắm tay người đẹp, thì nàng đã tranh thủ ve vuốt lòng bàn tay của chàng. Tới lui mấy lần mà chàng vẫn bình chân như vại. Hóa ra, chàng chẳng hiểu, khi đối tượng ưu ái cào nhẹ vào lòng bàn tay thì có nghĩa là rủ rê, mời gọi. Những “mật mã” kiểu ấy mà không nắm, nên anh đành chấp nhận… nằm không đi nhé! Nhân tiện, cô bạn “cập nhật” thêm cho anh kia một mớ kiến thức trong việc bày tỏ tình thương mến thương. Ví như, nhắn tin bảo: Em te tua xơ mướp rồi có nghĩa là em đang nguyệt san, bị kẹt! Sau một cuộc vui, chàng dớn dác hỏi “nhà còn mật ong không em?” rồi hai vợ chồng lăn ra cười thì đồng nghĩa với việc chàng “ma sát” nhiều quá, bị trầy xước, theo ngu ý của nàng thì nên bôi mật ong cho mau lành, vậy mà!

Ảnh minh họa.
Mỗi cặp đôi có những “bí mật” từ cử chỉ cho tới lời nói riêng tư, mà người ngoài đôi khi không thể nào biết được. Có cặp còn túc tắc gọi nhau bằng những cái nickname ngộ nghĩnh, bậy bậy nào đó, chẳng hạn. Còn nhớ câu chuyện cười rằng, hai vợ chồng ở nhà tập thể, vách mỏng tuềnh toàng, dặn nhau là hễ muốn giao ban thì nói bằng ám hiệu thế nào, nếu “hết khả năng chi trả” thì dùng từ gì để thiên hạ đừng đoán ra được… Đến chừng cãi nhau cũng dùng đúng mấy chữ đó mà phang, khiến cho người đọc chết cười. Lại có cặp vợ chồng không muốn nhắc tới cái chữ sex trước mặt con cái, đành dùng 2 chữ “viết thư” và “máy đánh chữ” làm ám hiệu. Một hôm kia, ông chồng sai con đi kêu mẹ đem máy đánh chữ vô phòng cho ba viết thư.
Ðứa con quay trở lại nói:
- Mẹ bảo rằng ba không thể xài máy đánh chữ được tại vì hôm nay máy đánh chữ có “băng mực”.
Qua ngày hôm sau, bà vợ sai con qua phòng làm việc nói cho ba biết ba nó có thể “viết thư” được rồi.
Ngôn ngữ tình yêu có khi là một thói quen. Có lúc là sáng tạo. Là một biểu hiện âu yếm khó có thể thiếu được trong cuộc sống lứa đôi. Đừng ngại phát huy hết khả năng hài hước, nhộn nhạo của mình. Miễn sao người trong cuộc hiểu và hưởng ứng, là vui rồi. Còn gì hơn khi chồng hỏi xa gần trong bữa cơm rằng, hôm nay em có sức không? Ý tứ đã quá rõ, là em có khỏe khoắn sảng khoái để “gầy độ một cuộc yến oanh” đó mà. Nhưng con cái thì vẫn cứ tưởng là bình thường, ba hỏi thăm mẹ. Để đến một hôm cậu con trai lên năm âu yếm bắt chước ba, thì thầm vào tai mẹ rằng, mẹ ơi con yêu mẹ, hôm nay mẹ có sức hay không?! Hú hồn chưa!
Như anh chồng đi công tác xa, nhìn thấy bàn ăn ở nhà hàng có cắm nến, chợt nhớ đến thông điệp của vợ mỗi lần muốn được chồng yêu là dọn bàn ăn trên cái sân thượng hẹp rí, hưởng chút gió trời và ánh nến lung linh, nồng nàn. Có bà vợ biết ý, nếu thấy chồng đi làm về mà mang theo bịch trái cây, ly nước mía hay mấy cái bánh bò, thì có nghĩa là ông ấy đang hối lộ vợ, mong được vợ chiếu cố đêm nay, cho anh xơ múi chút đỉnh đỡ ghiền. Lại có chị vợ cứ thấy chồng mang về vài cái hột vịt lộn là biết ý, bày thêm chai rượu nếp, uống vài ly thôi để ông uống bà khen vậy mà.
Nên ngại ngần gì mà chẳng mạnh dạn sử dụng các tín hiệu riêng dành cho nhau, mà mỗi khi xa cách hay giận dỗi, người ta có lúc bỗng chợt nhận ra sự thiếu vắng ấy, mà nhớ nhung, mà thèm muốn, mà chạnh lòng, mà hàn gắn… Còn gì hạnh phúc hơn.
Nhà văn Hoàng My/Báo Đời sống và Hôn nhân