Siêu thực phẩm với thành phần dinh dưỡng dồi dào
Bông cải xanh hay súp lơ xanh là loại rau thuộc họ cải, có tên khoa học là Brassica Oleracea. Nó có họ hàng với cải bắp, bông cải trắng, cải xoăn và Brussels. Bông cải xanh có thể ăn sống và nấu chín, nhưng theo nhiều nghiên cứu, hấp sơ bông cải xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nhất.
Thực tế, bông cải xanh sống chứa gần 90% nước, 7% cacbonhydrat, 3% protein và cực kỳ ít chất béo. Thực phẩm này cũng rất ít calo, mỗi chén chỉ cho 31 calo mà thôi.
Bông cải xanh có thành phần dinh dưỡng phong phú, đa dạng với các chất chống lão hóa như vitamine C, E và beta-carotene. Bên cạnh đó, bông cảnh xanh còn giàu chất xơ và sắt, giúp ngăn ngừa thiếu máu và chống lại ung thư.

Loại thực phẩm này chứa nhiều carbs, protein, hàng loạt vitamin như vitamin C, K1, B9 (folate) cùng các khoáng chất như sắt, kali, mangan. Trong bông cải xanh cũng có nhiều các chất chống oxy hóa cùng dưỡng chất thực vật tốt cho sức khỏe gồm kaempferol, carotenoid, indole-3-carbinol và sulforaphane.
Tại sao bông cải xanh là loại thực phẩm "đáng ăn" nhất thế giới?
Chắc ít nhiều bạn từng nghe nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên bổ sung bông cải xanh vào chế độ ăn hàng ngày. Nguyên nhân bởi, loại rau xanh này mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe.
Ngăn ngừa tiểu đường, bảo vệ tim: Lượng sulforaphane trong bông cải xanh khuyến khích các enzym bảo vệ mạch máu, giảm số lượng của các phân tử gây tổn thương tế bào, hạn chế phát triển bệnh tim mạch ở người bị tiểu đường. Bông cải xanh còn hỗ trợ giải độc cơ thể nhờ lượng dinh dưỡng thực vật glucoraphanin, gluconasturtiian, và glucobrassicin; chống viêm và chống dị ứng.
Do giàu chất xơ nên bông cải xanh cũng rất dễ tiêu hóa. Bông cải xanh còn chứa lutein, có tác dụng ngăn ngừa sự dày lên của các động mạch, hỗ trợ và bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Tốt cho mắt: Chứa nhiều carotenoid lutein và zeaxanthin, tiêu thụ bông cải xanh rất tốt cho mắt và da. Lượng sulforaphane giúp tái tạo tổn thương da, tốt cho mắt. Bông cải xanh còn có nhiều chất dinh dưỡng có lợi như canxi, kali, protein và vitamin C cùng lượng crom và chất xơ hòa tan, giúp giảm lượng đường trong máu.
Beta-carotene trong bông cải xanh đặc biệt tốt cho mắt, giúp mắt chống lại thoái hóa điểm vàng và ngăn ngừa đục thủy tinh thể.
Ngăn ngừa ung thư tiền liệt tuyến: Theo một nghiên cứu ở Anh, ăn bông cải xanh ít nhất 1 lần/tuần sẽ giúp giảm 52% nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới. Tác dụng này đến từ sulforaphane trong bông cải xanh.
Ngăn ngừa ung thư dạ dày: Thành phần sulforaphane trong bông cải xanh cũng có thể tiêu diệt vi khuẩn helicobacter pylori (HP) - tác nhân gây viêm loét dạ dày và ung thư dạ dày.
Ngăn ngừa thoái hóa khớp: Lại một lần nữa, sulforaphane làm nên kỳ tích. Loại chất này có tác dụng phong tỏa các enzyme phá hoại và làm tổn thương sụn, làm chậm hoặc ngăn ngừa thoái hóa khớp.

Chống lão hóa, tăng cường hệ thống miễn dịch: Sulforaphane có khả năng kích thích một loạt các yếu tố bảo vệ chống oxy hóa trong cơ thể, từ đó giảm căng thẳng, làm chậm sự suy giảm hệ thống miễn dịch.
Giảm cân: Bông cải xanh vốn giàu nước nhưng lại vô cùng ít calo và chất béo, hợp với những người đang theo đuổi chế độ ăn kiêng.
Giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer: Nhiều nghiên cứu chỉ ra, chế độ ăn giàu folate sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Trùng hợp là, bông cải xanh chứa rất nhiều loại chất này.
Ngăn ngừa loãng xương, thiếu máu: Thực phẩm này rất giàu canxi, magiê, kẽm và photpho, tiêu thụ thường xuyên giúp xương chắc khỏe hơn, ngăn ngừa loãng xương. Bên cạnh đó, lượng sắt và axít folic trong bông cải xanh cũng rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa thiếu máu.
Thùy Nguyễn (t/h)