"Phát sốt" vì kem dát vàng
Hiện nay, xu hướng đồ ăn dát vàng đang ngày càng thịnh hành trên thế giới với rất nhiều món ăn dát vàng như kem dát vàng, bánh bông lan dát vàng, pizza dát vàng... Và rất nhanh nhẹn, ẩm thực Việt Nam cũng đã kịp thời nắm bắt hot trend này.
Mới đây, người dân Hà Thành có cơ hội chiêm ngưỡng cận cảnh cây kem dát vàng 24k. Nhìn cảm quan bên ngoài, kem dát vàng hay kem vàng 24k có hình dáng của một cây kem ốc quế bình thường được phủ lên một lớp mỏng màu vàng.
Thực khách cũng có thể chọn kem phủ full vàng hoặc một nửa vàng. Nếu như một cây kem full vàng có giá là 249.000 đồng thì kem nửa vàng chỉ có giá 149.000 đồng.
Cận cảnh cây kem dát vàng
Hay tại Sài Gòn, trong khi trà sữa đã "thống trị" nền ẩm thực của giới trẻ suốt vài năm nay, thì việc liên tục đổi mới để làm hài lòng khách hàng là điều vô cùng cần thiết. Trà sữa rắc vàng cũng là một trong những thay đổi rất thú vị, mới mẻ trên thị trường trà sữa nói riêng.
Ngoài giá tiền phải trả cho cốc trà sữa thì bạn sẽ phải trả thêm 50.000 đồng nếu gọi thêm vàng lá và thêm 40.000 đồng nếu bạn gọi bột vàng. Đây là một mức giá được xem là khá đắt đỏ cho một loại topping trà sữa.
Thú vị hơn phải kể đến sự xuất hiện của lẩu cá dát vàng. Hiện nay, lẩu cá dát vàng gần như chỉ mới xuất hiện ở địa chỉ duy nhất là Chả cá An Nam (Hà Nội). Mỗi nồi lẩu cá dát vàng gồm một khúc cá được dát vàng lá 24k, những miếng cá cắt nhỏ có xương và đồ nhúng kèm.
Giá gốc cho một nồi như vậy là 599.000 đồng, so với lẩu cá thông thường thì đắt hơn kha khá vì phần cá không nhiều, tuy nhiên điểm khác biệt nằm ở khúc cá dát vàng khiến cho nhiều người tò mò muốn ăn thử. Theo đánh giá của một vị khách từng ăn lẩu cá dát vàng, lẩu ăn vẫn như bình thường còn vàng thì không tạo ra hương vị gì quá khác biệt.
Không hại, nhưng cũng chẳng lợi
Vàng lá được sử dụng trong thực phẩm chứa vàng và bạc. Vàng lá là loại vàng được cán thành những lớp lá vàng mỏng. Về cơ bản, vàng lá khi đi vào cơ thể sẽ không gây tác hại nào.
Vì vàng là kim loại khó biến đổi, dù để bên ngoài trong thời gian dài cũng không bị han gỉ và không bị tan chảy bởi các thực phẩm thông thường. Nên khi đi vào cơ thể, vàng sẽ không bị tiêu hóa, cả thành phần bạc trong vàng lá cũng vậy. Chúng sẽ đi qua dạ dày và cứ thế được bài tiết ra bên ngoài.
Vàng lá được sử dụng trong thực phẩm
PSG TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ và Thực phẩm - ĐH Bách khoa Hà Nội) cho hay, dát vàng vào đồ ăn thức uống là thú chơi sang chảnh của giới nhà giàu trên thế giới. Khi ăn vào, vàng không có lợi cũng không gây hại.
Một chuyên gia ngành hóa học cũng chia sẻ, vàng dát vào đồ ăn thường được tán rất nhỏ và mỏng, về mặt cơ học sẽ không ảnh hưởng gì đến các cơ quan nội tạng khi ăn uống; về mặt hóa học, vàng cũng không độc hại.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nếu ăn phải vàng không nguyên chất thì thực sự rất nguy hiểm, vì một số muối của vàng là chất cực độc, có thể gây chết người nếu tích tụ liều lượng đủ lớn.
Nói vậy để thấy, chúng ta không nên ăn tùy tiện. Khi đi vào cơ thể, các tinh thể vàng còn có khả năng kết hợp với protein trong hệ miễn dịch.
Điều này sẽ gây ra 2 hiệu ứng, một là khiến cho hệ miễn dịch của chúng ta mạnh hơn một chút, nhưng đồng thời lại làm thay đổi cấu trúc của protein. Hai là hệ miễn dịch khi đó có thể sẽ xem những protein này như tác nhân ngoại xâm, gây dị ứng, khiến cơ thể mẩn ngứa, kích ứng, thậm chí là khó thở.
Như Quỳnh (t/h)