Tình người đầy cảm động phía sau những lá đơn xin rút khỏi danh sách nhận tiền hỗ trợ dịch COVID-19

Mỗi lá đơn là một câu chuyện khác nhau nhưng lại đều chung một nội dung duy nhất đó là xin tự nguyện rút khỏi danh sách nhận tiền hỗ trợ COVID-19, hi vọng có thể chia sẻ với Chính phủ trong lúc khó khăn.
Trong cuộc sống luôn tồn tại những điều bình dị, dễ thương xuất phát từ những điều bình thường nhất hàng ngày. Đặc biệt, càng trong lúc khó khăn tình nghĩa con người càng thắm đượm. Giữa những ngày dịch COVID-19 hoành hành, có thể thấy ở khắp các ngóc ngách đất nước luôn có những điểm phát gạo miễn phí, những hộp cơm ấm áp tình người được gửi tận tay những người nghèo, những người lao động mất việc làm vì dịch bệnh. Ngoài những chính sách hỗ trợ của nhà nước, địa phương, nhiều người dân cũng đã góp phần hỗ trợ người nghèo bằng công sức của mình.

Tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, cuộc sống người dân cũng đang ổn định trở lại. Sau khi Nghị quyết 42/NQ-CP ra đời, 7 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch COVID-19 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 15/QĐ-TTg về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Được biết, đây chính là chính sách an sinh xã hội chưa có tiền lệ và đối tượng hưởng lợi cũng rất rộng.
 
Tình người đầy cảm động phía sau những lá đơn xin rút khỏi danh sách nhận tiền hỗ trợ dịch COVID-19
7 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch COVID-19 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 15/QĐ-TTg về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.

Dù khó khăn vẫn quyết không nhận tiền hỗ trợ


Là những đối tượng nhận được lợi ích trong gói 62.000 tỷ của nhà nước, tuy nhiên có tới 18 hộ, 33 nhân khẩu trong số 924 trường hợp đủ điều kiện nhận tiền ở xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã viết đơn tự nguyện xin rút khỏi danh sách nhận tiền hỗ trợ. Dù không phải khá giả hay giàu sang gì nhưng những người dân chân chất, thật thà coi đây là hành động nhỏ mà bản thân có thể làm để giúp đỡ, chia sẻ với Chính phủ trong lúc khó khăn.

Điển hình trong những “tấm gương” này có thể kể đến vợ chồng ông Võ Hữu Tôi (57 tuổi) và bà Võ Thị Lan ở thôn Lạc Thọ (xã Cẩm Lạc). Từ nhiều năm qua, vợ chồng ông Tôi thuộc diện hộ cận nghèo của xã. Khi biết tin gia đình nằm trong nhóm nhận hỗ trợ sau dịch COVID-19, ông bà vẫn không ngần ngại xin rút khỏi danh sách nhận tiền hỗ trợ. Ông Tôi bộc bạch: “Gia đình tôi rất biết ơn khi được Chính phủ hỗ trợ lúc khó khăn. Tuy nhiên, hiện tại đã vào vụ thu hoạch lúa nên gia đình cũng đủ ăn, chẳng lo đói thiếu. Vì thế, chúng tôi quyết định rút khỏi danh sách nhận tiền, để dành phần đó cho những người khó khăn hơn mình”.

Giống như gia đình ông Tôi bà Lan, bà Lê Thị Lệ (xã Cẩm Lạc) dù thuộc hộ cận nghèo nhưng cũng viết đơn xin rút khỏi danh sách nhận tiền hỗ trợ. Không chỉ riêng Hà Tĩnh, khoảng 2.400 người dân tại huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa tự nguyện viết đơn theo mẫu có sẵn không nhận tiền hỗ trợ. Trả lời về vụ việc, Nguyễn Ngọc Thức - Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa cho biết, việc người dân viết đơn là hoàn toàn tự nguyện. không bị ép buộc. UBND huyện, xã không vận động, khuyến khích người dân không nhận tiền hỗ trợ.
 
Tình người đầy cảm động phía sau những lá đơn xin rút khỏi danh sách nhận tiền hỗ trợ dịch COVID-19
Dù cuộc sống chưa được khá giả nhưng nhiều người dân vẫn tự nguyện nhường hỗ trợ cho người khó khăn hơn.

Theo ông Thức, lúc đầu người dân tự tay viết đơn, nhưng do họ đều là nông dân, lâu không viết chứ nên khá khó viết và khó đọc. Từ nguyên nhân này, các xã trong huyện đã soạn thảo ra một mẫu đơn chung, đánh máy rồi in ra giấy A4. Người dân đều đồng ý với lá đơn này sau khi đọc, lúc nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ, ai tự nguyện không nhận thì viết họ tên, địa chỉ và ký tên lên mẫu đơn. Sau đó, lãnh đạo UBND xã ký xác nhận đơn rồi chuyển lên Phòng LĐTBXH huyện.

Những lá đơn đầy cảm động


Một trong những người viết đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ phải kể đến cụ Cao Viết Tỉnh (83 tuổi, thương binh 4/4, trú tại xóm Vinh Tiên, xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu, Nghệ An). Là một cựu chiến binh, cụ Tỉnh lan tỏa tình người mạnh mẽ, viết lên một câu chuyện đẹp sau lá đơn đầy cảm động. Trong lá đơn của mình, cụ có viết: “Bản thân tôi nhận thấy mình ở một mình, có lương hưu và trợ cấp hàng tháng, không bị ảnh hưởng gì do dịch bệnh nên tôi viết đơn này xin tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ để san sẻ một phần nhỏ nào đó với Nhà nước”...

Ngoài lá đơn của cụ Tỉnh, lá đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ dịch COVID-19 của ông Lê Hồng Trường (SN 1950, đảng viên, cựu chiến binh trú tại Khu 2, phường Hà Tu, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) gửi Bí thư Đảng uỷ và Chủ tịch UBND phường cũng khiến nhiều người cảm động. Trong đơn tự nguyện của mình, ông Trường viết: “Qua thời gian diễn ra dịch COVID-19 trên toàn thế giới cũng như đất nước ta. Dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ đã kịp thời, quyết liệt cùng với sự tham gia tích cực của toàn dân trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Đến nay cơ bản dập dịch COVID nước ta đã tạm ổn… và không có người tử vong.
 
Tình người đầy cảm động phía sau những lá đơn xin rút khỏi danh sách nhận tiền hỗ trợ dịch COVID-19
Lá đơn của ông Lê Hồng Trường.
 
Đây là thành công lớn của Đảng, Chính phủ và toàn dân. Mặc dù dịch COVID-19 xảy ra làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế, văn hoá và đời sống sinh hoạt của toàn xã hội. Dân tộc ta có truyền thống yêu nước từ hàng ngàn năm, nhất là thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, nhân dân ta thắt lưng buộc bụng, chịu mọi gian khổ, chắt chiu từng hạt gạo để nuôi quân đánh giặc.

Bản thân tôi cũng là người lính đã từng tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam nhiều năm ăn củ sắn, rau rừng vẫn chiến đấu cùng với đồng đội không biết mệt mỏi. Trải qua mấy chục năm thống nhất, đất nước ta đã và đang xây dựng, phát triển kinh tế, đến nay cuộc sống của toàn xã hội nói chung và bản thân tôi nói riêng cũng đầy đủ về tinh thần và vật chất. Tôi thiết nghĩ, dịch COVID-19 ảnh hưởng chung của toàn xã hội, không chỉ riêng ai. Bản thân tôi được hưởng chế độ chính sách. Tôi xin tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ COVID-19. Xin nhường lại cho gia đình thật sự khó khăn trong cuộc sống".

Dịch COVID-19 khiến người dân gặp nhiều khó khăn, nhưng những việc làm của ông Trường, cụ Tỉnh cùng hàng ngàn người dân khác trên khắp cả nước là hành động đẹp, đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nó thể hiện tấm lòng tương thân, tương ái và ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân trước những khó khăn chung của đất nước.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2020/05/14/Tiệm cắt tóc di động trả tiền 'tùy tâm' ở Sài Gòn - Tuổi Trẻ Video Online_14052020152649.mp4[/presscloud]
Sài Gòn: Xe cắt tóc lưu động tiền tỷ phục vụ khách chỉ `đổi` lấy nụ cười.
 

Thùy Nguyễn (t/h)