Ông Lợi "barie" 21 năm tình nguyện gác tàu không lương

Ngân Hà
21 năm tình nguyện làm "barie sống" tại "hẻm tử thần", ông lão 67 tuổi ở Đà Nẵng đã trở thành "khắc tinh" của những vụ tai nạn giao thông đường sắt từng một thời ám ảnh người dân mỗi khi đi qua đây.

Giúp người vì nỗi ám ảnh tai nạn đường sắt

Trên tuyến đường sắt chạy ngang khu dân sinh tại điểm giáp ranh giữa tổ 18 và 19 Chơn Tâm (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), ngày nào người dân cũng bắt gặp hình ảnh một ông lão hằng ngày cần mẫn đứng gác tàu mãi cho đến tận khuya.

Người dân ở đây gọi ông với cái tên rất thân thương: ông Lợi “Barie”. Cái "danh hiệu" đặc biệt này xuất phát từ công việc tình nguyện gác tàu mà ông lão U70 này làm mỗi ngày và ròng rã hơn 20 năm qua.

Ông tên thật là Đặng Văn Lợi (SN 1956). Sinh ra trong một gia đình đông anh em ở tỉnh Quảng Nam. Năm 7 tuổi, ông Lợi lần lượt mồ côi cha, mẹ do bạo bệnh. Năm 1979, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ.

ong loi barie 21 nam tinh nguyen gac tau khong luong hinh 1

Ông Đặng Văn Lợi tình nguyện làm gác tàu tại "hẻm tử thần" suối 21 năm nay.

Hai năm sau, ông Lợi trở về từ chiến trường Campuchia và mang theo nhiều di chứng từ hóa chất độc hại của cuộc chiến tranh. Chẳng còn người thân ở quê, ông lặn lội ra Đà Nẵng sống nương tựa chị gái, hằng ngày phụ chị buôn bán quán nước trước nhà.

Ông Lợi quyết định sống độc thân vì theo ông: "Nhà nghèo quá nên sợ vợ con sẽ khổ". Rồi người chị gái cưu mang ông cũng sớm qua đời, từ đó ông sống côi cút một mình và mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai, phế liệu.

Điểm gác chắn tàu tự phát của ông Lợi nằm tại con hẻm nhỏ thông giữa đường Tôn Đức Thắng với đường sắt Bắc - Nam cắt ngang. Do nằm đối diện trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, dẫn sâu vào khu vực đông dân cư và sinh viên ở trọ, nên khu vực này có hàng trăm lượt người qua lại mỗi ngày. Một phần vì sự chủ quan và do đường ray hình vòng cung, không có đèn cảnh báo nên khi có tàu hỏa chạy qua nhiều người đã bị khuất tầm nhìn.

Theo người dân địa phương, trước đây, tại "con hẻm tử thần" này từng xảy ra gần 20 vụ tai nạn nghiêm trọng khiến kẻ chết, người bị tàn tật suốt phần đời còn lại.

Năm 2002, để giảm thiểu tai nạn tại điểm đen này, ngành đường sắt kết hợp với chính quyền Đà Nẵng đã xây dựng một đường gom chạy dọc theo đường sắt thông ra đường Nguyễn Khuyến, nơi có trạm gác chắn cách “con hẻm tử thần” chưa đầy 200 mét. Tuy nhiên, do thói quen, ngại di chuyển xa và tiện đường mua sắm nên nhiều người vẫn bất chấp vác cả xe đạp băng qua đường tàu, mặc cho nguy hiểm luôn chực chờ.

ong loi barie 21 nam tinh nguyen gac tau khong luong hinh 2

Khi có tàu sắp đến, ông Lợi đứng giơ tay, hô hào, cảnh báo người đi đường chú ý quan sát.

ong loi barie 21 nam tinh nguyen gac tau khong luong hinh 3

Bất kể nắng mưa, hằng ngày ông Lợi đều đứng gác tàu cho tới tận đêm khuya.

"Quá ám ảnh và sợ sẽ xảy ra thêm những cái chết thương tâm nên tôi đứng đây gác, ngăn mọi người qua lại khi có tàu đến…", ông Lợi trải lòng. Cứ thế, hơn 20 năm qua, ông lão nghĩa hiệp cứ âm thầm cống hiến cho đời theo cách của riêng mình. Nhờ sự "bao đồng" của ông mà nhiều người đã may mắn thoát khỏi bàn tay thần chết.

Một ngày của ông Lợi thường bắt đầu từ 5 giờ sáng. Bất kể nắng mưa, ông lão gầy nhom, quần bạc màu rộng thùng thình, lại đi khắp các ngõ ngách để nhặt ve chai. Nhưng như được lập trình sẵn, cứ đến giờ tàu chạy là ông lại vội quay về "chốt gác" để làm "barie sống". Thấy ông tuổi cao, lại lọ mọ sương gió sớm hôm, nhiều người khuyên nghỉ công việc gác tàu nhưng ông lắc đầu.

20 năm làm "chuông báo động sống"

Hơn 2 thập kỷ thầm lặng làm nhân viên không lương của ngành đường sắt, ông Lợi cũng không nhớ rõ mình đã cứu thoát được bao nhiêu người. Thế nhưng, chuyện ông Lợi "barie" cứu người không còn xa lạ với những người dân ở đây nữa.

Bà Lê Thị Minh (SN 1971) hàng xóm của ông Lợi kể, có lần bà chứng kiến nhóm 4 sinh viên trên đường đến trường, vừa đi vừa cười nói nên không chú ý tàu đang tới. Thấy vậy, ông Lợi liền hô lớn, rồi từ bên này đường sắt lao qua đẩy ngược nhóm thanh niên lại, nhờ vậy họ may mắn thoát chết trong gang tấc.

ong loi barie 21 nam tinh nguyen gac tau khong luong hinh 4

21 năm "lo chuyện thiên hạ", ông Lợi thuộc lòng khung giờ những chuyến tàu qua đây, thậm chí có thể nhận ra loại tàu nào sắp tới nhờ tiếng còi từ xa.

"Rồi có lần, 1 phụ nữ mua ve chai đang hì hục dắt xe đạp băng qua đường ray thì tàu lao đến, kéo còi inh ỏi. Không màng nguy hiểm, ông Lợi lập tức lao ra hỗ trợ. Khi người phụ nữ và xe đạp vừa lùi lại được thì cũng là lúc đoàn tàu chở hàng 12 toa chạy vụt qua. Sự việc khiến ai nấy đều một phen hú vía, còn người phụ nữ thì sau khi hoàn hồn đã chấp tay rối rít cảm ơn", bà Minh nhớ lại.

Không chỉ tự nguyện làm "chuông báo động sống", ông Lợi còn thường xuyên nhắc nhở mọi người sống gần đường tàu giữ gìn vệ sinh chung khi phát hiện ai đó xả rác bừa bãi ra đường tàu. Góp ý, cảnh cáo không ăn thua, ông lại tự tay hì hục dọn dẹp. Cái nào bán được ông cho vào bao, còn rác bẩn, ông tập kết lại một chỗ rồi mang đi tiêu hủy. Thấy vậy, mọi người cũng dần ý thức hơn và đoạn đường cũng trở nên sạch sẽ hẳn lên.

ong loi barie 21 nam tinh nguyen gac tau khong luong hinh 5

Dáng người còm nhom, gầy guộc nhưng trong mắt nhiều người, ông Lợi là 1 hiệp sĩ đúng nghĩa, bởi nhờ ông mà đoạn đường nổi tiếng nguy hiểm này không còn tai nạn.

Ông Nguyễn Văn Thành - Tổ trưởng Tổ tự quản khu dân cư Chơn Tâm 2D (phường Hòa Khánh Nam) cho biết: "Lúc trước, người dân ở đây đi băng qua đường ray vô tội vạ nên thường xảy ra tai nạn thương tâm. Từ khi có ông Lợi tự nguyện đứng gác thì số vụ tai nạn giảm hẳn. Người dân ở đây ai cũng quý mến và cảm phục ổng lắm. Thỉnh thoảng, hàng xóm và mấy cháu sinh viên đi qua đây lại biếu ông ấy vài nghìn đồng, khi thì tặng chai nước, bao gạo hay túi ve chai để giúp đỡ ông ấy đắp đổi qua ngày…".

Với sự cống hiến thầm lặng, nỗ lực đóng góp cho an toàn giao thông của mình, ông Lợi đã vinh dự được trao danh hiệu "Hiệp sĩ giao thông" năm 2012. Ngoài ra, ông còn được Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu tặng giấy khen vì có thành tích trong việc tình nguyện gác tàu, nhắc nhở người dân tham gia giao thông tại điểm giao nhau với đường sắt 10 năm không để xảy ra tai nạn.

Đình Thức