Thường xuyên bị mắng, không được tổ chức sinh nhật nên bé gái 11 tuổi nghĩ rằng cha mẹ không thương mình. Bé dốc 700.000 đồng tiền tiêu vặt mua thuốc ngủ tự tử.
BSCKI Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết đơn vị này đang điều trị cho bé gái L.Q. (11 tuổi, ngụ tại Tiền Giang) bị tổn thương gan, thận do uống phải độc chất ức chế thần kinh liều cao.
Cháu bé được đưa tới bệnh viện trong tình trạng hôn mê. Bằng cách thông tin do gia đình cung cấp và thông qua các xét nghiệm máu nước tiểu, bác sĩ xác định được cháu bé đã uống
thuốc ngủ có chứa hoạt chất từ Phenobarbital. Đây là thuốc ức chế thần kinh và chống co giật thường gặp.
Ngay lập tức, bệnh nhi được điều trị giải độc và xét nghiệm tính nồng độ. Sau gần một tuần điều trị tăng thải độc và kiềm hóa nước tiểu, bé gái tỉnh táo, cai máy thở.
Bé gái được cấp cứu kịp thời sau khi uống thuốc ngủ tử tự
Tỉnh lại sau cơn mê man, Q. tâm sự rất buồn vì cha mẹ không tổ chức sinh nhật cho mình, lúc nào cũng thương em gái út hơn. Khi ở trường thì bé bị các bạn trêu ghẹo, không ai chơi cùng. Quá chán nản nên bé đã dốc hết tiền tiêu vặt 700.000 mua hộp thuốc ngủ uống.
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết thường gặp nhiều trường hợp trẻ uống thuốc ngủ tự tử. Đáng nói trẻ nữ nhiều hơn trẻ nam. Các chuyên gia lý giải, nguyên nhân dẫn tới việc các bé muốn tự tử thường do áp lực tâm lý ở trường học hay ngay trong gia đình.
Ở trường học, trẻ có thể bị chèn ép, bị cô lập, không ai chơi cùng hoặc do áp lực thành tích học tập quá lớn. Còn trong gia đình, trẻ có thể cảm thấy ghen tỵ, thua thiệt với anh em trong nhà và nghĩ rằng cha mẹ không thương mình, không cần mình dẫn tới tâm lý uất ức, muốn chết.
BSCKII Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng khoa Hồi sức - Chống độc, nhận định khi người bệnh uống các loại thuốc chứa hoạt chất ức chế thần kinh quá liều, cơ thể không chỉ đơn thuần ngủ mà rơi vào biến chứng của trạng thái ngủ như ức chế tim, thần kinh trung ương, xoắn đỉnh. Biến chứng này thường xảy ra khoảng 30 phút, bệnh nhân sau đó sẽ đi vào giấc ngủ.
Nếu phát hiện muộn, những trường hợp tự tử dù được cứu sống, các cơ quan như tim, gan, thận... vẫn bị ảnh hưởng. Nguy hiểm hơn, bệnh nhân còn bị chấn thương tâm lý.
ThS.BS Vũ Đình Thắng, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, ngộ độc thuốc ngủ ít khi tử vong nếu được cấp cứu kịp thời. Một số triệu chứng điển hình khi bị ngộ độc thuốc ngủ là lơ mơ, hôn mê, khó thở, loạn nhịp tim…
Khi phát hiện trẻ ngộ độc thuốc ngủ, dù trẻ còn tỉnh cũng không nên móc họng gây nôn vì dễ gây sặc, nghẹt thở;, thay vào đó nên đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.Trong quá trình đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế, cần phải đặt nạn nhân nằm nghiêng đầu một bên, nếu nằm ngửa sẽ dễ gây hít sặc các chất nôn vào phổi.
Để phòng tránh các trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra, cha mẹ nên quan tâm yêu thương các con sát sao hơn. Tránh để trẻ có tâm lý bị thiên vị, muốn từ bỏ cuộc sống. Sự quan tâm của gia đình, người thân, bạn bè chính là cách tốt nhất giúp các bệnh nhi vượt qua điều này.
Theo Hà Ly/SKCĐ