Bất kể thí sinh nào dự thi môn Ngữ Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng đều nhận xét đây là một môn học ‘khó nhằn’ – và cũng khó để đạt được điểm tốt. Lý giải cho việc này, nhiều học sinh cho biết, môn Văn khó là do lượng kiến thức khổng lồ đòi hỏi học sinh phải nắm vững, kết hợp với dạng câu hỏi đa dạng, đòi hỏi học sinh phải thuần thục nhiều kỹ năng phân tích, so sánh và tự đưa ra nhận định của riêng mình. Nắm vững những bí kíp ôn tập dưới đây chắc chắn sẽ giúp các thí sinh bước vào phòng thi môn Ngữ Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Môn Ngữ Văn luôn được nhận định là một trong những môn thi 'khó nhằn' nhất với các sĩ tử do khối lượng kiến thức ôn tập khổng lồ
Nắm vững cấu trúc đề thi - Khoanh vùng kiến thức
Được biết, cấu trúc đề thi môn Ngữ Văn năm 2020 sẽ không có nhiều thay đổi so với những năm trước: gồm phần Đọc hiểu và phần Làm văn. Phần đọc hiểu (03 điểm) sẽ gồm 04 câu hỏi nhỏ liên quan đến 01 đoạn văn cho trước, được sắp xếp theo thứ tự độ khó tăng dần từ cấp độ nhận biết dạng kiến thức, tới vận dụng kiến thức. Về phần làm văn, sẽ gồm 02 câu hỏi: viết đoạn văn nghị luận về đề tài xã hội (02 điểm) và viết bài văn nghị luận văn học (05 điểm). Cụ thể, đối với từng câu hỏi ở mỗi phần, các thí sinh cần nắm chắc những vấn đề sau:
(1). Phần CHUNG cho tất cả thí sinh: Tái hiện kiến thức về giai đoạn văn học, tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến CMT8 năm 1945 và văn học VN từ CMT8 1945 đến hết thế kỷ XX; Nghị luận xã hội (600 từ) về một tư tưởng, đạo lý hoặc Nghị luận về một hiện tượng đời sống.
(2). Phần RIÊNG: Vận dụng khả năng đọc – hiểu và kiến thức văn học để viết bài nghị luận văn học.
Nắm vững cấu trúc đề thi là điều kiện tiên quyết để giải bài
Phân bổ quỹ thời gian hợp lý – Dù có viết hay 01 câu cũng không thể đạt điểm tốt toàn bài
Dễ thấy phần nghị luận văn học thường chiếm quỹ điểm lớn nhất trong đề thi, dễ khiến cho nhiều học sinh tập trung ôn tập duy nhất học phần này. Tuy nhiên, các sĩ tử cần lưu ý, nếu chỉ hoàn thành tốt bài nghị luận văn học thì thí sinh chỉ có thể đạt được tối đa 05 điểm/ 10 điểm toàn bài. Trong khi những câu hỏi ở phần đọc hiểu và nghị luận xã hội thường không đòi hỏi quá cao về mặt phân tích, cảm nhận như phần nghị luận văn học. Thực tế thí sinh có thể nắm chắc 05 điểm trong tay chỉ bằng các ôn luyện những câu hỏi có độ khó thấp ở những phần này thay vì tập trung cho phần nghị luận văn học.
Do vậy, trong quỹ thời gian 120 phút, thí sinh chỉ nên dành từ 60-70 phút cho phần nghị luận văn học. Ngoài ra, nên chú tâm làm những câu hỏi dễ một cách chỉn chu và chính xác để có thẻ đạt được kết quả tốt nhất.
Quản lý thời gian là kỹ năng rất quan trọng
Khi làm bài trả lời đúng trọng tâm – tránh lan man kiến thức nghĩ gì viết nấy
Đây là một trong những lỗi sai thường gặp trong quá trình làm bài của nhiều thí sinh. Những thí sinh này thường đọc tiêu đề nội dung của câu hỏi, xem xét tác phẩm được nhắc tới và viết tất cả những gì mình có thể nhớ lại liên quan tới tác phẩm với tâm lý ‘thừa còn hơn thiếu’. Tuy nhiên, cách làm này khiến bài làm của các bạn trở nên lan man, các cán bộ chấm thi sẽ bị rối khi nhìn vào bài thi không có câu trả lời cụ thể cho câu hỏi mà chỉ ‘tường thuật’ lại toàn bộ kiến thức của tác phẩm. Nếu trả lời thiếu, bài làm sẽ không được tính điểm, nếu trả lời thừa, thí sinh vô tình đã đánh mất thời gian làm bài để viết những đáp án không được tính điểm. Vậy nên, thí sinh đặc biệt lưu ý tới câu hỏi trong đề thi, và chỉ giải đáp đúng phần được hỏi, tránh lan man ảnh hưởng tới kết quả thi toàn bài.
Ôn tập kết hợp nghỉ ngơi – Cập nhật liên tục tình hình xã hội
Khoa học đã chứng minh, tập trung làm việc trong thời gian dài thường sẽ không hiệu quả trong việc ghi nhớ. Vì vậy, các thí sinh cần lưu ý học tập kết hợp nghỉ ngơi điều độ. Đặc biệt, không nên chú tâm vào việc ôn tập quá mức mà không đẻ ý tới những diễn biến của xã hội xung quanh. Nêu lưu ý rằng, 02 điểm trong đề thi thuộc phần nghị luận xã hội. Để đạt điểm cao trong phần thi này, thí sinh cần phải đưa ra được dẫn chứng cho những luận điểm của mình về đề tài xã hội. Điều này sẽ giúp gây ấn tượng với người đọc, tránh sự sáo rỗng, triết lý. Thí sinh không cần quá lưu ý tới việc tìm kiếm dẫn chứng, chỉ cần chú ý tới những sự kiện xảy ra trong xã hội thông qua hoạt động thu nhập thông tin từ báo đài, truyền hình, internet đã đủ cung cấp một lượng kiến thức khổng lồ.
Theo dõi thông tin trên MXH là cách nhanh để cập nhật tình hình xã hội
Không được lơ là phần tiếng Việt
Qua nhiều kỳ thi đã chứng minh tầm quan trọng của việc ôn luyện phần Tiếng Việt – kỹ năng đọc hiểu trong việc vận dụng kiến thức vào bài. Nhiều thí sinh thường có suy nghĩ chủ quan bởi tiếng Việt là kỹ năng ta vẫn luôn áp dụng hàng ngày, không cần thiết phải ôn tập kĩ lưỡng. Tuy nhiên, để đạt được số điểm tối đa cho phần này đòi hỏi thí sinh phải bộc lộ được lượng kiến thức mình đã ôn luyện thông qua cách làm bài.
Các sĩ tử cần nắm rõ các khái niệm, ví dụ, đặc điểm nhận dạng, phân loại từ,… để hoàn thành được câu hỏi này. Ngoài ra, cần luyện tập, làm bài tập thường xuyên để nâng cao sự nhạy bén trong cách giải đề.
Nắm chắc những lưu ý trên, chúc các bạn thí sinh sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT một cách tự tin, đạt được kết quả như mong muốn trong kì thi tốt nghiệp THPT và được tham dự vào ngôi trường Đại học theo đúng nguyện vọng và năng lực của mình.
[presscloud]http://media.tuoitrexahoi.vn/upload/video/2020/07/27/tuyen-sinh-2020-bi-kip-xu-gon-luong-kien-thuc-khong-lo-cua-mon-ngu-van_27072020164829.mp4[/presscloud]
Hướng dẫn ôn luyện môn Ngữ Văn - kỳ thi tốt nghiệp THPT
Xem thêm: Tuyển sinh 2020: Bỏ túi những mẹo vặt sau để giải nhanh và chính xác câu hỏi trắc nghiệm Vật Lý
Theo Thùy Dương/SKCĐ