Tuyển sinh 2020: Thí sinh cần làm gì trước – trong – sau ngày thi

Chỉ còn hơn 2 tuần nữa các sĩ tử lớp 12 sẽ bước vào kì thi cam go, thử thách và có lẽ là cạnh tranh nhất trong cuộc đời. Ngoài chuẩn bị kĩ càng về kiến thức, các thí sinh cần lưu ý giữ tinh thần thoải mái, bình tĩnh

Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển Đại học năm 2020 được đánh giá là kỳ thi ‘đặc biệt’: được diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Do e ngại đại dịch kéo dài sẽ làm gián đoạn quá trình đi học tập tại nước ngoài, nhiều học sinh đã lựa chọn tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT và đồng thời đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường Đại học trong nước. Điều này dẫn tới tỉ lệ cạnh tranh cao, đặc biệt là ở các trường đại học top ở trong nước. Để đạt được điểm cao nhất trong kỳ thi này, thí sinh cần nắm chắc và chuẩn bị kĩ những điều sau đây khi ôn luyện và hệ thống kiến thức.

 

Các sĩ tử đang trong giai đoạn nước rút của quá trình ôn tập

 

14 ngày trước khi thi: Đảm bảo sức khỏe là điều kiện tiên quyết

Vào giai đoạn nước rút, các sĩ tử sẽ có tâm lý học khuya, học nhồi nhét nhiều kiến thức trong thời gian ngắn. Khoa học đã chứng minh, kết hợp điều độ giữa thu nạp kiến thức và nghỉ ngơi sẽ cho kết quả tốt hơn là tập trung cao độ trong thời gian ngắn. Đặc biệt lưu ý, phần lớn các buổi thi sẽ diễn ra vào buổi sáng, nếu các thí sinh dành nhiều thời gian để thức khuya ôn tập, vô hình chung sẽ tạo ảo giác cho não bộ hoạt động vào buổi đêm mạnh mẽ, dẫn tới mệt mỏi vào buổi sáng – thời điểm chúng ta cần tư duy nhất!

Bởi vậy, các sĩ tử nên đảm bảo có giấc ngủ ngon, tránh sử dụng đồ uống có chứa caffeine như trà, cà phê hay nước tăng lực. Cố gắng xây dựng nếp sống thức dậy vào buổi sớm, giữ tinh thần tỉnh táo vào ban ngày là một trong những mẹo để không ‘gục’ giữa giờ thi. Việc làm này đôi khi hơi khó khăn với các thí sinh cầu toàn, muốn hoàn thành mọi bài tập trước khi ‘yên tâm’ đi ngủ. Một mẹo nhỏ dành cho các bạn đây: hãy ghi chép lại toàn bộ những ‘tâm tư’, bài khó, note lại vào 1 tờ giấy và giải quyết chúng ngay khi thức giấc vào sáng hôm sau. Không gì tuyệt vời hơi khởi đầu 1 ngày mới bằng cách giải quyết khó khăn cũ đúng không nào!

Bên cạnh việc đảm bảo giấc ngủ, thí sinh cần lưu ý ăn uống đủ chất, không bỏ bữa, bổ sung các vitamin cần thiết cho cơ thể, giữ gìn sức khỏe để bước vào kì thi trong trạng thái thể lực tốt nhất. 

 

7 ngày trước khi thi: Lập thời gian biểu chặt chẽ

Đây là việc làm hết sức quan trọng mà phần lớn các thí sinh thường bỏ quên. Lên kế hoạch ôn tập nước rút, tự kiểm tra lại kết quả, hỏi ngay thầy cô và bạn bè khi gặp khúc mắc là những cách giúp bạn ôn luyện hiệu quả nhất.

Đây cũng là thời điểm các thí sinh nên hệ thống lại toàn bộ kiến thức ở mỗi môn học để có cái nhìn toàn cảnh nhất cho nội dung kiến thức. Tránh học tủ một chương hoặc một phần trong chương trình học vì sẽ dễ lan man và nhầm lẫn giữa các chương. Thực tế, các câu hỏi trong kì thi tốt nghiệp THPT 2020 thường sẽ có mối liên hệ giữa nhiều học phần, chỉ nắm chắc 1 học phần sẽ không thể đạt điểm tuyệt đối, đặc biệt là đối với những môn thi trắc nghiệm.

Trong thời gian này, các sĩ tử đặc biệt lưu ý cần duy trì lịch sinh hoạt điều độ, lý tưởng nhất là bắt đầu giải đề tập trung vào đầu buổi sáng và đầu buổi chiều – thời gian làm bài trùng với thời gian làm bài thi thực tế.

 

 

1 ngày trước ngày thi: Ổn định tâm lý

Dù có chuẩn bị kĩ lưỡng và tự tin đến đâu, hẳn thí sinh nào cũng sẽ có một chút hồi hộp khi bước chân vào trường thi. Cần đặc biệt lưu ý chuẩn bị sẵn  đầy đủ giấy tờ tùy thân, thẻ dự thi theo quy định, dụng cụ học tập cần thiết cho việc làm bài thi, máy tính vào trước ngày thi, không mang điện thoại di động vào phòng thi. Một số phòng thi không được trang bị đồng hồ treo tường, vì vậy, để chủ động về mặt thời gian, thí sinh nên chuẩn bị một chiếc đồng hồ đeo tay (không phát tín hiệu) theo mình.

Trong trường hợp phát hiện quên giấy tờ thi trên đường, cần đặc biệt giữ bình tĩnh, không hoảng loạn, tiếp tục tới trường thi đúng giờ, báo cáo với Hội Đồng Thi và làm giấy cam kết nhận dạng – tuyệt đối không chạy vội về nhà mà lỡ mất giờ thi.

 

Trong phòng thi:

Rà soát lần cuối thông tin cá nhân: tên, ngày tháng năm sinh, … Nếu phát hiện sai sót, cần báo ngay với cán bộ coi thi. Kiểm tra kĩ xung quanh khu vực ngồi và ngăn bàn có tài liệu hay không.

Khi nhận bất kì tờ giấy thì nào mới, tuyệt đối tránh làm bài luôn mà phải luôn ghi SBD lên đầu tiên. Khi nhận đề thi phải điền ngay mã đề, tránh sai sót và bỏ quên khi nộp bài.

Khi làm bài cần lưu ý: đọc kĩ, có chiến lược làm bài, tự tin vào đáp án mình đưa ra. Tuyệt đối tránh bỏ hoàn toàn câu hỏi. Khi gặp câu hỏi khó cần bình tĩnh, nếu không giải được thì không tập trung nhiều thời gian vào câu hỏi đó. Không sử dụng tài liệu và trao đổi trong khi làm bài, vì đây là 2 lỗi rất nặng mà rất nhiều sĩ tử trong phòng thi mắc phải.

Khi hoàn thành, cần kiểm tra kĩ lại bài làm, tránh chủ quan, đi về sớm.

Sau buổi thi nên về nhà, nghỉ ngơi, không nghĩ đến bài làm mà chuẩn bị ngay lập tức cho môn thi tiếp theo. Tránh tình trạng bi quan vì kết quả môn thi trước mà ảnh hưởng tới kết quả làm bài của môn sau.

 

Cần giữ bình tĩnh khi ở trong phòng thi 

 

Sau kì thi:

Cần ước lượng được kết quả nhận được để có những phương án ứng tuyển phù hợp với khả năng và kết quả của mình.

 

Chúc các bạn thí sinh tham dự kì thi tốt nghiệp THPT 2020 sau khi nắm chắc được những lưu ý này sẽ đạt được kết quả cao nhất và đạt nguyện vọng xét tuyển vào ngôi trường Đại học yêu thích của mình.

 

[presscloud]http://media.tuoitrexahoi.vn/upload/video/2020/07/23/tuyen-sinh-2020-diem-chuan-dai-hoc-kinh-te-quoc-dan-3-nam-gan-nhat_23072020103051.mp4[/presscloud] 

 

Xem thêm: Tuyển sinh 2020: Bỏ túi những mẹo vặt sau để giải nhanh và chính xác câu hỏi trắc nghiệm Vật Lý

 

Theo Thùy Dương/SKCĐ